Một vài trao đổi đối với việc dự giờ ở các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại Trường Chính trị Bình Thuận

Từ lâu, việc dự giờ đã trở thành công việc bắt buộc đối với giảng viên ở các trường chính trị tỉnh theo quy định của Học viện CTQG HCM. Và dự giờ sẽ là một trong những biện pháp góp phần để nâng cao chất lượng giảng dạy của các giảng viên.

Ở bài viết này, người viết xin trao đổi với tư cách là người tham gia dự giờ các tiết giảng của các giảng viên trong trường. Với vai trò là chủ nhiệm lớp ở huyện, bản thân thường có nhiều cơ hội tham gia dự giờ của nhiều giảng viên khác nhau. Và hàng năm, bản thân lại có dịp tham gia dự giờ, thao giảng các tiết học - theo đúng quy định của Học viện CTQG HCM - không những của các thành viên trong khoa mà còn của khoa bạn. Vì vậy, theo tôi, người dự giờ nên tuân thủ một số nguyên tắc theo trình tự sau để tiết hay buổi dự giờ của mình đạt hiệu quả.

Thứ nhất, trước khi dự định dự giờ của giảng viên nào đó, chúng ta nên báo cho giảng viên đứng lớp biết trước để tránh gây bất ngờ.

Chúng ta nên lập ra một sổ dự giờ để có thể ghi chép tất cả những nội dung của các buổi dự giờ, điều này nên được làm thường xuyên.

Chúng ta cũng cần xác định: dự giờ phần trọng tâm của bài giảng, hay dự giờ cả bài để  tập trung quan sát, đánh giá và rút kinh nghiệm.

Và người dự giờ cũng nên quyết định mình sẽ ghi chép ra sao, có thể là ghi chép tất cả mọi việc diễn ra trong tiết hay buổi dự giờ hoặc có thể chỉ tập trung vào những phần chính, trọng tâm của tiết dạy.

Kinh nghiệm cho thấy nếu bạn ghi chép một cách tỉ mỉ, bạn có thể học hỏi được những kinh nghiệm hay của giảng viên đang đứng lớp hoặc rút kinh nghiệm cho bản thân những việc không nên làm. Ngoài ra, việc ghi chép tỉ mỉ còn giúp cho bạn có nhiều thông tin để đóng góp ý‎ kiến cho đồng nghiệp mình vào cuối buổi dự giờ.

Thứ hai, trong quá trình dự giờ, người dự ngồi ở một vị trí nào đó mà không trực diện với giáo viên đứng lớp và học sinh, nếu có thể được nên ngồi phía cuối lớp học.

 Người dự giờ nên ngồi dự một cách trật tự như các học viên, quan sát lớp và theo dõi bài một cách nghiêm túc. Đặc biệt, người dự giờ không nên làm một số việc sau đây tránh làm gây ảnh hưởng đến tâm lý‎ người giảng:

+ Không nên nói chuyện, bàn tán hoặc chỉ chỏ gây phân tán sự tập trung của người giảng

+ Không trao đổi với học viên trong tiết dạy trừ khi bạn muốn hỏi học viên một số câu hỏi để đánh giá hoặc quan sát việc học của học viên trong phần phát triển bài

+ Ngoài việc quan sát hoạt động giảng dạy của giáo viên, người dự cũng cần quan sát thái độ của học viên một cách cẩn thận

+ Người dự không nên đi ra, đi vào lớp nhiều; và cũng không nên nghe-nói điện thoại quá ồn ào trong khi dự giờ.

Thứ ba, sau tiết dạy, người dự giờ cần phải tiến hành trao đổi rút kinh nghiệm, phản hồi bởi vì giáo viên dạy thường muốn được chia sẻ và lắng nghe ý kiến từ phía người dự.

Người dự giờ nên bắt đầu góp ‎ý về ưu điểm trước, đồng thời, cũng cần đề cập đến các điểm hay và thành công trong tiết dạy.

Sau đó đề cập đến các khía cạnh cần bổ sung, chỉnh sửa; quan trọng là người dự giờ cần phải đưa ra được những gợi ý nên sửa đổi, bổ sung như thế nào để người dạy hoàn thiện bài giảng mình tốt hơn.

Đặc biệt, người dự giờ khi góp ý ‎cần làm thế sao để người dạy thật sự thoải mái tiếp thu các ‎ý kiến đóng góp bổ sung, cải thiện cho các tiết dạy tiếp theo.

Và việc trao đổi rút kinh nghiệm nên tiến hành ở một chỗ thuận lợi, nơi mà người góp ý không bị phiền hà và cảm thấy thoải mái.

Sau khi hết các ý kiến trao đổi, rút kinh nghiệm, chủ trì nên yêu cầu người dạy cho nhận xét, ý kiến về tiết dạy của họ và có ý‎ kiến phản hồi đối với các ý‎ kiến đóng góp. Từ đó, sẽ giúp cho người dự giờ và cả người dạy thấy được tính tích cực của việc dự giờ.

Trên đây là một số vấn đề tôi muốn trao đổi khi tham gia dự giờ ở lớp. Hy vọng sẽ góp phần nhỏ vào việc nâng cao chất lượng của công tác dự giờ của các lớp TCLLCT - HC tại các trường Chính trị tỉnh./.


Các tin khác