Một số kết quả thực hiện các mô hình hoạt động của các cấp Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Thuận

Trong những năm qua, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, các nhiệm vụ trọng tâm của Tỉnh ủy giao, Hội LHPN tỉnh đã tập trung chỉ đạo Hội LHPN huyện, thị xã, thành phố tập trung đổi mới nội dung, hình thức thu hút tập hợp phụ nữ vào tổ chức Hội phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Trong đó, trọng tâm là xây dựng các mô hình đặc thù theo từng vùng, từng lĩnh vực, từng nhóm phụ nữ.

Qua triển khai thực hiện, đến nay các cấp Hội đã thành lập 4.488 câu lạc bộ, tổ với 113.562 thành viên thuộc 7 nhóm mô hình khác nhau[1], bao gồm:

Thứ nhất, nhóm mô hình “Học tập và làm theo Bác”

Với mục đích thực hiện có hiệu quả việc Học tập và làm theo Bácngày càng đi vào thực chất bằng những việc làm cụ thể trong hoạt động công tác Hội và trong mỗi việc làm của hội viên, phụ nữ, các cấp Hội đã thành lập 1.353 tổ “Tiết kiệm”, 380 tổ “Hũ gạo tình thương”, 245 tổ “Nuôi heo đất” nhằm phát động trong hội viên, phụ nữ tiết kiệm và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Thông qua mô hình này đã giúp được 7.299 hội viên, phụ nữ nghèo.

Thứ hai, nhóm mô hình thuộc lĩnh vực “Phát triển kinh tế”

Để giúp hội viên phụ nữ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, các cấp Hội đã triển khai thành lập 268 tổ giúp nhau với 5.922 thành viên, trong đó có 7 câu lạc bộ, 261 tổ, như: Tổ “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”, “Phụ nữ tiểu thương”,  “Dịch vụ gia đình”, “Bóc tách hạt sen”, “Bóc tách hạt điều”, “Hợp tác thu mua và sơ chế hải sản”, “May mền ráp mảnh”, “May gia công”, “Thêu gia công”, “Quỹ phát triển của phụ nữ”, “Phụ nữ vần đổi công”, “Dịch vụ ẩm thực”; Câu lạc bộ, tổ “Doanh nghiệp nữ”,“Phụ nữ tình thương”. Thông qua mô hình đã tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ trao đổi kiến thức về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh.. giúp chị em phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Thứ ba, nhóm mô hình thuộc lĩnh vực “Văn hóa - Xã hội”

Thực hiện Đề án 343 “Tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”, các cấp Hội thành lập 179 tổ “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam”, đã tuyên truyền đến 4.937 chị, em phụ nữ. Thông qua hoạt động mô hình giúp hội viên, phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam: Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang. Bên cạnh đó, HLH phụ nữ tỉnh còn lãnh đạo các cấp hội thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phụ nữ nông thôn và phụ nữ dân tộc thiểu số”, thành lập được 52 tổ, CLB “Tuyên truyền phổ biến pháp luật”, trong đó có 30 tổ và 22 câu lạc bộ nhằm nâng cao lực lượng tuyên truyền viên ở cơ sở về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong hội viên, phụ nữ và nhân dân, vận động chấp hành tốt các quy định của pháp luật.

Và nhằm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các cấp Hội thành lập 86 tổ “Tuyên truyền vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với 1.980 thành viên tham gia nhằm vận động hội viên sử dụng hàng Việt Nam, thể hiện lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, góp phần phát triển nền kinh tế đất nước. Ngoài ra, để giúp cho hội viên, phụ nữ tự tin hơn trong giao tiếp buôn bán với khách du lịch, gắn với tuyên truyền phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam “Tự tin, Tự trọng, Trung hậu, Đảm đang” để quảng bá, giới thiệu về hình ảnh, con người, văn hóa Việt Nam, các cấp Hội đã thành lập 2 tổ “Phụ nữ giao tiếp thân thiện với người nước ngoài” gồm 90 chị, em phụ nữ tham gia.

Thứ , nhóm mô hình “Xây dựng gia đình hạnh phúc”

Các cấp Hội tổ chức nhiều hoạt động thiết thực phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, xây dựng mô hình thực hiện Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”, đã thành lập 120 CLB, tổ “Nuôi, dạy con tốt” với 2.262 thành viên. Thông qua các mô hình này, đã nâng cao kiến thức cho các ông bố và bà mẹ có con dưới 16 tuổi.

Và thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” các cấp hội đã thành lập 1.588 tổ, CLB với 45.363 thành viên, trong đó có 1.466 tổ, 122 câu lạc bộ,  gồm: 79 tổ, CLB “Gia đình hạnh phúc”; 27 tổ, CLB “Phòng, chống bạo lực gia đình”; 155 “Địa chỉ tin cậy”; 12 tổ “Phụ nữ vận động tiếp bước cho em đến trường”; 9 tổ “Tuyên truyền vận động mua BHYT”. Qua hoạt động này đã giúp cho các hộ gia đình nâng cao trách nhiệm trong giáo dục, nuôi dưỡng các thành viên trong gia đình không tham gia vào các tệ nạn xã hội, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.

Thứ năm, nhóm mô hình “Bảo vệ môi trường”

Vì sức khỏe gia đình và cộng đồng, các cấp Hội thành lập 129 tổ, câu lạc bộ bảo vệ môi trường với 3.003 thành viên, trong đó có 129 tổ, 1 câu lạc bộ, gồm: tổ “Gia đình không khói thuốc”, “Thu gom rác”, “Phụ nữ tuyên truyền trồng và bảo vệ cây xanh”, “Tuyên truyền và bảo vệ môi trường vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”, “Thực hiện tuyến đường xanh - sạch - đẹp”,  “Tuyên truyền sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường”, “Phụ nữ sản xuất tiêu dùng sạch”, “Phụ nữ trồng rau sạch”; câu lạc bộ “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông”. Thông qua các mô hình này giúp hội viên phụ nữ nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng môi trường sống trong lành và an toàn, không gây ô nhiễm bởi rác thải, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt khoa học và hợp lý.

Thứ sáu, nhóm mô hình thuộc lĩnh vực “Quốc phòng - An ninh”

Thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01 giữa Hội LHPN với Công an về “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội, tệ nạn xã hội”, các cấp Hội thành lập 148 CLB, tổ với 4.429 thành viên, gồm: tổ “Tuyên truyền phòng chống ma túy”,“Phát hiện tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội”, “Quản lý giáo dục con em trong gia đình không phạm tội, tệ nạn xã hội”, “Phòng chống mua bán người”, “Phòng chống mại dâm”, “Phụ nữ vận động người thân không tham gia khiếu kiện đông người, vượt cấp”; “nhóm phụ nữ nòng cốt”; “3 trong 1” về an ninh trật tự; tổ, câu lạc bộ “Phụ nữ với An toàn giao thông”. Qua đó giúp hội viên, phụ nữ tiếp cận, nâng cao hiểu biết về phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; có biện pháp quản lý, giáo dục con em và người thân trong gia đình không vi phạm pháp luật.

Thứ bảy, nhóm mô hình “Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh”

Thực hiện Đề án đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, các cấp Hội đã tập trung xây dựng 39 tổ với 853 thành viên nhằm tập hợp, thu hút hội viên phụ nữ theo nhu cầu, sở thích, tôn giáo, lứa tuổi gồm: CLB, tổ “Phụ nữ tôn giáo”; “Phụ nữ trí thức”; “Cây cao bóng cả”; “Phụ nữ cao tuổi”; “Phụ nữ với thanh niên”; “Phụ nữ làm đẹp”; “Phụ nữ đơn thân”. Thông qua các mô hình nhằm tập hợp thu hút hội viên, phụ nữ vào tổ chức Hội ngày càng nhiều và đa dạng hơn, góp phần củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh[2].

Tuy nhiên, một số mô hình ở một số địa phương hoạt động chưa thường xuyên, chất lượng chưa đi vào chiều sâu, chưa có sức lan tỏa, còn mang tính hình thức, chưa có sự chủ động trong xã hội hóa để duy trì và phát triển mô hình. Việc chỉ đạo xây dựng các mô hình theo đặc thù, theo lĩnh vực, theo vùng, theo lứa tuổi, theo sở thích... còn hạn chế. Trình độ năng lực của Ban Chủ nhiệm CLB, tổ trưởng các mô hình chưa đồng đều, việc đầu tư đổi mới hình thức, nội dung sinh hoạt chưa được quan tâm đúng mức. Một số thành viên tham gia có lúc chưa nhiệt tình, trách nhiệm chưa cao trong tham gia hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện các nhiệm vụ của Hội và nhiệm vụ chính trị của địa phương…

Để các mô hình tiếp tục phát triển và hoạt động đạt được hiệu quả cao HLH Phụ nữ tỉnh đã đề ra một số giải pháp như: tập trung rà soát đánh giá hiệu quả tác động của từng nhóm mô hình, có biện pháp xây dựng, duy trì và nhân rộng mô hình theo 3 nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội; chủ động thực hiện xã hội hóa huy động nguồn lực để nâng cao chất lượng hoạt động mô hình; chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục nghiên cứu, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở; nắm bắt nhu cầu của phụ nữ xây dựng mô hình thiết thực hơn và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương nhằm thu hút ngày càng nhiều phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội; tăng cường công tác kiểm tra hoạt động các mô hình. Định kỳ hàng năm, lồng ghép tổ chức sơ, tổng kết qua đó kịp thời rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể điển hình trong thực hiện các mô hình của Hội; tích cực phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng cho Ban Chủ nhiệm, tổ trưởng, thành viên của các mô hình để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động… nhằm thu hút, tập hợp đông đảo phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội và thúc đẩy phong trào phụ nữ phát triển đồng đều, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội,  an ninh - quốc phòng ở địa phương./.

 

[1] Báo cáo số 155/BC-BTV, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Bình Thuận, về Tổng kết xây dựng các mô hình hoạt động của các cấp Hội LHPN.

[2] Báo cáo số 155/BC-BTV, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Bình Thuận, về Tổng kết xây dựng các mô hình hoạt động của các cấp Hội LHPN.

 


Các tin khác