Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc trong Mặt trận Việt Minh của Hồ Chí Minh - Nhân tố làm nên thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vấn đề đoàn kết dân tộc là một trong những nhân tố quan trọng đảm bảo cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Người cho rằng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân đông đảo. Đại đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở quan điểm, lời kêu gọi, mà trở thành chiến lược quan trọng của cách mạng, biến sức mạnh tinh thần của cả dân tộc thành sức mạnh vật chất to lớn chiến thắng kẻ thù. Điều đó chỉ có thể thực hiện khi toàn dân được tập hợp trong một tổ chức là Mặt trận dân tộc thống nhất.

Với tư tưởng về chiến lược đại đoàn kết như vậy, khi từ nước ngoài trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Người đã chọn Cao Bằng làm căn cứ địa, thí điểm tổ chức Việt Minh với các hội cứu quốc. Từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941, tại lán Khuổi Nặm, thuộc Pác Bó, Hà Quãng, Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám. Hội nghị đã nhất trí theo quan điểm của Người về việc thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh): “Phải vận dụng một phương pháp hiệu triệu hết sức thống thiết làm sao đánh thức được tinh thần dân tộc xưa nay trong nhân dân (hơn hết là dân tộc Việt Nam). Cho nên cái mặt trận hiệu triệu của Đảng ta hiện nay không thể gọi như trước là Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, mà phải đổi tên khác cho có tính chất dân tộc hơn, cho có một mãnh lực dễ hiệu triệu hơn và nhất là có thể thực hiện được trong tình thế hiện tại; vậy mặt trận hiệu triệu của Đảng ta hiện nay ở Việt Nam là Việt Nam độc lập đồng minh hay nói tắt là Việt Minh”[1].

Vượt qua hoàn cảnh của các tổ chức có tính chất cô độc trước những năm đầu của thập kỷ 30. Việt Minh đã thực sự trở thành trung tâm tập hợp, đoàn kết các giai cấp, các đảng phái chính trị và các cá nhân yêu nước. Đảng và Hồ Chí Minh đã thông qua Việt Minh các cấp để vận động, tổ chức và lãnh đạo lực lượng dân tộc thực hiện nhiệm vụ trung tâm là chuẩn bị và tiến lên khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 8, đến tháng 9/1941, Người đã chỉ đạo soạn thảo ra một chương trình Việt Minh làm văn kiện kèm theo Nghị quyết Hội nghị. Đến ngày 25/10/1941, Tổng bộ Việt Minh công bố chương trình hành động của Việt Minh: “Liên hiệp hết thảy các tầng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp – Nhật giành quyền độc lập cho xứ sở”[2].

Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, thực hiện bằng được Nghị quyết Trung ương lần thứ 8, Hồ Chí Minh đã sáng lập ra báo Việt Nam Độc lập làm cơ quan tuyên truyền của Tỉnh bộ Việt Minh Cao Bằng. Người rất chú trọng đưa quần chúng nhân dân vào các Hội yêu nước phù hợp với tổ chức Việt Minh. Các tổ chức mang tính chất quần chúng rộng rãi ra đời lấy tên là Hội cứu quốc như: Công nhân cứu quốc hội, Nông dân cứu quốc hội, Thanh niên cứu quốc hội, Phụ nữ cứu quốc hội, Nhi đồng cứu quốc hội, Binh lính cứu quốc hội…Ngoài ra, còn có những đoàn thể đơn sơ như: Hội Tương tế, Hội Hiếu hỉ, Hội Học quốc ngữ, Hội Đọc sách… và tất cả được tập hợp trong khối đại đoàn kết của Mặt trận Việt Minh. Trong suốt quá trình vận động cách mạng cho đến khi cách mạng tháng Tám thành công, những chủ trương nghị quyết của Đảng đều được quán triệt trong các văn kiện của Mặt trận Việt Minh. Từ khi Mặt trận Việt Minh ra đời, phong trào chống phát xít Nhật – Pháp của nhân dân mang tên là phong trào Việt Minh đều đã quy tụ được lực lượng chính trị to lớn của quần chúng yêu nước.

Cách mạng tháng Tám 1945 diễn ra và thắng lợi bằng cuộc khởi nghĩa dân tộc trong cả nước. Cuộc khởi nghĩa mang tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc. Sức mạnh của dân tộc Việt Nam được phát huy mạnh mẽ trên cơ sở tư tưởng độc lập tự do và chiến lược đại đoàn kết dân tộc Hồ Chí Minh được tập hợp trong Mặt trận Việt Minh do Người sáng lập và lãnh đạo. Việt Minh không chỉ làm nức lòng và quy tụ sức mạnh dân tộc đứng lên đánh Pháp đuổi Nhật thắng lợi mà mãi mãi là nét son vàng chói lọi soi sáng con đường đại đoàn kết của Đảng ta. Giương cao ngọn cờ độc lập tự do, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và đoàn kết thống nhất dân tộc, dựa vững vào khối liên minh công nông và tiểu tư sản trí thức, đoàn kết chân thành với mọi lực lượng, mọi cá nhân yêu nước và tiến bộ của dân tộc trong Mặt trận Việt Minh là một thành công và là một bài học kinh nghiệm sáng tạo tuyệt vời về chiến lược đại đoàn kết và sự lãnh đạo dìu dắt tài tình của Hồ Chí Minh trong Cách mạng tháng Tám, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như cách mạng xã hội chủ nghĩa, nội dung và hình thức có sự thay đổi linh hoạt cho phù hợp với nhiệm vụ cách mạng từng lúc, từng nơi nhưng Mặt trận dân tộc thống nhất vẫn là một trong những lực lượng to lớn của cách mạng Việt Nam.

Trí tuệ thiên tài và tấm gương hi sinh tận tụy suốt đời vì độc lập dân tộc, đã tạo cho Chủ tịch Hồ Chí Minh vai trò lãnh đạo và uy tín lớn lao trong tổ chức, xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất. Lịch sử cách mạng Việt Nam hơn 75 năm qua cho thấy, lúc nào, nơi nào tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh được quán triệt và thực hiện đúng, thì khi đó, nơi đó cách mạng phát triển mạnh mẽ và giành thắng lợi./.


[1] Văn kiện Đảng: Toàn tập, tập 7, NXB. Chính trị quốc gia, H.2000, tr.122.

[2] Văn kiện Đảng: Toàn tập, tập 7, NXB. Chính trị quốc gia, H.2000, tr.149.


Các tin khác