Phát huy bài học về đại đoàn kết toàn dân tộc của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay

Cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 diễn ra và giành thắng lợi nhanh chóng trong vòng 15 ngày nhưng đã để lại cho cách mạng Việt Nam nhiều bài học kinh nghiệm quý giá, trong đó bài học về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc luôn có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, đặc biệt là trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN hiện nay.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức mạnh của toàn dân tộc được tập hợp lại trong một mặt trận dân tộc thống nhất. Trải qua 15 năm, với các hình thức mặt trận thích hợp, từ Hội Phản đế đồng minh đến Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế, Mặt trận dân chủ Đông Dương và đến Mặt trận Việt Minh, Đảng ta đã tập hợp được đông đảo các tầng lớp giai cấp, các tôn giáo, dân tộc hướng vào một mục tiêu chung là chống đế quốc, chống phong kiến để giành độc lập cho dân tộc và ruộng đất cho nhân dân.

Mặt trận Việt Minh với lực lượng công nông làm cốt, có chương trình cứu nước phù hợp với ý nguyện của toàn dân, đáp ứng được khát vọng độc lập tự do của quần chúng, nên đã hiệu triệu được toàn thể dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ làm nên thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

74 năm trôi qua, bài học đó luôn được Đảng ta vận dụng và phát triển trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Hiện nay, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề về dân tộc, dân chủ, nhân quyền ra sức chống phá sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước ta. Vì thế, sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc cần phải không ngừng được củng cố và tăng cường. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về dân tộc, tôn giáo, thanh niên, phụ nữ, công nhân, nông dân, trí thức, đồng bào người Việt Nam ở nước ngoài…nhằm khơi dậy và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò tập hợp, mở rộng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức, tổ chức hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác Mặt trận.

Nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động thi đua yêu nước có ý nghĩa thiết thực được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng như: phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư….và nhiều phong trào thi đua yêu nước được tổ chức ở các cấp, ngành, địa phương thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn không ít những bất cập, thiếu sót cần được khắc phục, như phương thức vận động, tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vẫn chưa theo kịp yêu cầu mới, các cuộc vận động, các phong trào thi đua có nơi vẫn còn hình thức, chưa tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhân dân, vai trò đại diện, bảo vệ lợi ích chính đáng cho nhân dân, phản biện xã hội của Mặt trận còn hạn chế…

Vì vậy, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, để tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam, thiết nghĩ cần phải chú trọng thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với việc tăng cường, củng cố, phát huy vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng lãnh đạo thông qua chủ trương, đường lối, Nhà nước quản lý thông qua hệ thống pháp luật, nhằm tạo cơ sở cho sự thống nhất các lợi ích, thống nhất về ý chí và hành động của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, nhất là giữa giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức. Do vậy, Đảng và Nhà nước không ngừng hoàn thiện, thể chế hóa, cụ thể hóa hệ thống đường lối, chính sách, pháp luật để đảm bảo nhân dân thực sự làm chủ, được bày tỏ nguyện vọng của mình thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

Hai là, giải quyết đúng đắn vấn đề lợi ích trong xã hội. Giải quyết tốt về những lợi ích căn bản của các giai tầng trong xã hội là cơ sở sâu xa của đoàn kết toàn dân. Dưới tác động của quá trình mở cửa, hội nhập, ảnh hưởng của mặt trái kinh tế thị trường, làm cho sự phân hóa các tầng lớp xã hội, phân hóa giàu nghèo ngày một gia tăng. Vì vậy, cần phải tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng căn cứ kháng chiến cũ, các vùng chiến lược, vùng tôn giáo; có cơ chế, chính sách thu hút đồng bào định cư ở nước ngoài hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng và bảo vệ đất nước; trân trọng, tôn vinh những đóng góp, cống hiến của nhân dân, đúng như một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm mà văn kiện Đại hội XII đã đưa ra: “Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của Nhân dân. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”.[1]

Ba là, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, các hội quần chúng, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân. Các tổ chức này phải thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong xã hội thực hiện một cách năng động, sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm sống động hơn nữa các phong trào thi đua yêu nước hiện nay một cách hiệu quả và vững chắc hơn.

Bốn là, kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các thế lực thù địch luôn luôn lợi dụng những khuyết điểm, hạn chế, sơ hở của các cấp ủy Đảng, chính quyền và vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cho nên, cấp ủy Đảng các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cần tham gia tuyên truyền sâu rộng để mọi tầng lớp nhân dân nhận thức rõ âm mưu thâm độc đó. Từ đó, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, nâng cao tinh thần cảnh giác, sự nhạy bén trong nhận diện và tích cực tham gia đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch.

Kỉ niệm 74 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, chúng ta cùng nhìn lại và phát huy đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo cho đất nước có đủ sức mạnh để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay./.

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, H.2016, tr 433.


Các tin khác