Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 bài học về chớp thời cơ

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Thắng lợi đó xuất phát từ sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt và dự đoán đúng thời cơ khởi nghĩa của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẳng định một mốc son chói lọi trong lịch sử ngàn năm của dân tộc ta, nổi bật và vĩ đại nhất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX.

Cách mạng Tháng Tám diễn ra và thắng lợi vẻ vang chỉ trong khoảng 2 tuần lễ, song Đảng ta đã mất 15 năm để chuẩn bị chu đáo cho chiến thắng đó về mọi mặt như: chủ trương, đường lối; quá trình xây dựng lực lượng chính trị; xây dựng lực lượng vũ trang; xây dựng căn cứ địa cách mạng; dự đoán đúng thời cơ khởi nghĩa. Có thể nói là quá trình chuẩn bị chu đáo từ nhiều phần nhưng một phần là nhờ sự nhận định về thời cơ khởi nghĩa rất chính xác của Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Sự nhận định đúng thời cơ khởi nghĩa được thể hiện:

Tháng 9/1939, thế chiến thứ 2 bùng nổ, lôi kéo hàng chục nước trên thế giới vào cuộc chiến khốc liệt. Do bị Đức đánh chiếm nên Pháp ngày càng trở nên kiệt quệ chỉ còn cách quay sang bóc lột, vơ vét các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Năm 1940, Nhật nhảy vào Đông Dương, dân ta phải chịu cảnh “Một cổ hai tròng”. Các cuộc khởi nghĩa vũ trang đã liên tiếp nổ ra với mong muốn đánh Pháp, đuổi Nhật, giành lại độc lập.

Năm 1942, Đảng nhận định rằng phe Đồng minh sẽ chiến thắng trong thế chiến thứ 2, đó là điều kiện vô cùng thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Tháng 9/1944 mâu thuẫn giữa Nhật và Pháp ngày càng trở nên gay gắt, Nhật đã hất cẳng Pháp để độc chiếm Đông Dương. Bên cạnh đó, phe phát xít đã trở nên yếu thế trên chiến trường thế giới.

Tháng 3/1945, Hội nghị thường vụ Trung ương Đảng họp đã dự đoán về thời cơ của cách mạng. Hội nghị đã nhận định: Chiến tranh thế giới thứ 2 đang đến giai đoạn quyết liệt, quân Đồng minh đang chiếm ưu thế và sẽ đổ bộ vào Đông Dương đánh Nhật; tình hình chính trị ở trong các nước đế quốc khủng hoảng (đặc biệt là ở Nhật và Pháp), nên chúng không rảnh tay đối phó với cách mạng; cùng với đó nạn đói năm 1945 đã cướp đi sinh mạng hai triệu đồng bào ta, khiến nhân dân vô cùng phẫn nộ; lực lượng cách mạng của ta ở các địa phương đã ngày càng lớn mạnh; chúng ta cũng cần chú ý đến trường hợp quân Đồng minh chưa vào mà ta tiến hành khởi nghĩa rất có thể sẽ bị Nhật đàn áp và khó giành được thắng lợi.

Giữa năm 1945, thế chiến thứ 2 kết thúc, tạo điệu kiện thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ở Đông Dương, quân Nhật hoang mang tê liệt, giữa trưa ngày 13/8/1945, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng các lực lượng Đồng minh trên sóng phát thanh Nhật. Đảng ta nhận định thời cơ cách mạng đã đến, bởi thời cơ xuất hiện và tồn tại trong khoảng thời gian nhất định. Đối với Cách mạng Tháng Tám, thời cơ tồn tại một cách khách quan trong vòng khoảng 20 ngày, kể từ  khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh (ngày 13/8) và kết thúc khi quân Đồng minh vào tước khí giới quân Nhật trên đất nước ta theo Hiệp định Pôt – xđam (ngày 05/9). Nếu phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc trước ngày 13/8 và sau ngày 05/9 đều không có khả năng giành thắng lợi, bởi trước ngày 13/8 quân Nhật còn mạnh, còn sau ngày 05/9 trên đất nước ta có nhiều kẻ thù (từ vĩ tuyến 16 trở ra là quân Tưởng – Mỹ, từ vĩ tuyến 16 trở vào là quân Anh và sau đó là quân pháp trở lại xâm lược), lúc này cách mạng Việt Nam sẽ mất đi thế chủ động và gặp nhiều khó khăn khác. Trong tình hình đó, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp từ 13/8 đến 15/8/1945 tại Tân Trào đã phân tích tình hình, chỉ ra những điều kiện chủ quan, khách quan để khởi nghĩa có thể nổ ra thắng lợi và quyết định phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Sau khi phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền, từ 14/8 đến 18/8/1945 nhiều xã, huyện thuộc các tỉnh từ Bắc đến Nam đã chớp thời cơ nổi dậy giành chính quyền. Sớm nhất là Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam. Tại Hà Nội, ngày 15/8, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng đã tổ chức diễn thuyết, truyền đơn, biểu tình qua hàng chục con phố... Ngày 19/8, cả thủ đô ngập tràn cờ đỏ sao vàng; ngày 23/8, Huế giành được chính quyền; ngày 25/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn. Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đã giành được thắng lợi trên phạm vi cả nước.

Thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945 đã chứng tỏ Đảng ta, mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh có tầm nhìn vượt trước thời gian xác định đúng thời cơ khởi nghĩa, cho nên Đảng và nhân dân ta đã có sự chuẩn bị lâu dài, chu đáo. Công cuộc chuẩn bị đó không chỉ diễn ra trong thời kỳ (1939 – 1945) mà là sự chuẩn bị suốt 15 năm kể từ khi Đảng ra đời. Khi thời cơ đến, Đảng ta chủ động, chớp thời cơ lãnh đạo nhân dân đứng lên tổng khởi nghĩa giành thắng lợi. Thắng lợi đó đã chấm dứt gần 100 năm nước ta dưới sự áp bức bóc lột của thực dân Pháp và xoá bỏ chế độ phong kiến tồn tại hàng nghìn năm ở nước ta, đưa nước ta bước vào một kỷ nguyên mới từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước tự do, độc lập; là sự vận dụng sáng tạo quy luật vận động và phát triển của khởi nghĩa và cách mạng khôn khéo trong nghệ thuật chỉ đạo chớp thời cơ, giành thắng lợi.

74 năm trôi qua nhưng bài học kinh nghiệm về nhận định thời cơ và chớp thời cơ cách mạng của Đảng trong cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đến hôm nay. Qua đó, chúng ta càng thấm thía hơn hai câu thơ của Bác Hồ trong bài thơ “Học đánh cờ” trong tác phẩm “Nhật ký trong tù”:“Lạc nước hai xe đành bỏ phí – gặp thời một tốt cũng thành công”. Ngày nay, nhận định về thời cơ trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đã có sự thay đổi căn bản, vấn đề toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra như một xu thế vận động tất yếu của thế giới hiện đại, Đảng ta khẳng định cách mạng nước ta đang đứng trước những thời cơ, vận hội mới thuận lợi chưa từng có; đồng thời, cũng gặp phải không ít những khó khăn, thách thức lớn. Để nắm bắt thời cơ vượt qua khó khăn, thách thức, trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0, xã hội 5.0, khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, thời đại phát triển kinh tế tri thức, Đảng ta chỉ rõ cùng với quyết tâm chính trị, thì yếu tố con người là yếu tố quyết định. Nếu trong cách mạng Tháng Tám, Đảng chủ trương xây dựng lực lượng, chủ động đón lấy thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền, thì trong giai đoạn hiện nay nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có đức, có tài, có khả năng đón đầu, làm chủ được khoa học công nghệ chính là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đặc biệt hơn nữa, thời cơ đến từ dân số vàng ở nước ta, với cơ cấu dân số vàng sẽ tạo ra nhiều thuận lợi, thế mạnh cho Việt Nam, lực lượng lao động trẻ cung cấp nguồn lao động dồi dào tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Ngoài ra, cơ cấu dân số vàng tạo cơ hội cho tích lũy nguồn lực để tăng đầu tư cho an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm trong tương lai; lực lượng lao động dồi dào với đặc tính cần cù, thông minh cũng là yếu tố tạo nên sức hút của Việt Nam với các nhà đầu tư quốc tế, khiến nước ta trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn trên thế giới. Từ đó, sẽ biết tranh thủ thời cơ, tận dụng những yếu tố thuận lợi nhất định chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn thách thức để đưa nước ta đi lên xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Với những thành tựu đạt được trong suốt 89 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, chúng ta luôn tin tưởng rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình; tạo được sự đoàn kết nhất trí trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhằm chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, sánh vai cùng bạn bè khắp năm châu - như lòng Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn./.


Các tin khác