Tìm hiểu hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa thực tiễn trong tác phẩm “nhà nước và cách mạng” của V.I. Lênin

Lênin đã viết nhiều tác phẩm phát triển học thuyết về nhà nước của Mác như: Tai họa sắp đến và những phương pháp ngăn ngừa tai họa đó; Những người Bônsêvích sẽ giữ được chính quyền hay không?; Nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xô viết; cách mạng vô sản và tên phản bội Causky; Bàn về Nhà nước, Kinh tế chính trị trong thời kỳ chuyên chính vô sản; Thà ít mà tốt; nhưng tác phẩm “Nhà nước và cách mạng” là tác phẩm chủ yếu nhất, tiêu biểu nhất. Đây là toàn bộ lý luận về nhà nước, những quan điểm về một Nhà nước kiểu mới - Nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới của Lênin.

V.I.Lênin từ lâu đã quan tâm đến vấn đề nhà nước, trước tình hình cách mạng thế giới và tình hình tư tưởng nội bộ phong trào công nhân, Người thấy cần phải khôi phục và trình bày có hệ thống các quan điểm của các nhà sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học về vấn đề nhà nước, nhân đó phát triển hơn nữa lý luận về nhà nước cho phù hợp với hoàn cảnh lịch sử mới, giúp giai cấp vô sản hoàn thành nhiệm vụ của mình trước tình thế cách mạng đã xuất hiện ở Nga cũng như nhiều nơi trên thế giới.

Cuối năm 1916 đầu năm 1917 khi ở nước ngoài, Lênin đã khẩn trương đọc rất nhiều tác phẩm, thư từ của C.Mác và Ph.Ăngghen, của Cau-xky, Bukharin... – Người trích dẫn tỉ mỉ những đoạn tài liệu cần thiết cùng với nhận xét phê phán, kết luận của mình trong cuốn sổ tay có nhan đề “Chủ nghĩa Mác về vấn đề nhà nước”. Tháng 2, cách mạng dân chủ Nga giành thắng lợi - Đó là cuộc cách mạng tư sản kiểu mới bởi động lực chủ yếu và người nắm quyền lãnh đạo là giai cấp công nhân – thông qua Đảng Bôn-sê-víc đứng đầu là V.I.Lênin.

Tháng 4-1917, V.I.Lênin từ Thụy Sĩ trở về Nga. Vì bận hoạt động cách mạng thực tiễn nên Người không thể tiếp tục công trình đã đề ra nhưng Người vẫn luôn nghĩ đến công trình đó và tiếp tục bổ sung tư liệu. Sau “Sự kiện tháng Bảy” năm 1917, Đảng Bôn-sê-víc phải rút vào bí mật. Lênin rời Pê-tô-grat đến hoạt động tại Ra-dơ-líp và Hen-xinh-po (Phần Lan vào tháng 8, 9/1917, dựa vào tài liệu đã chuẩn bị, Người viết thành công tác phẩm nổi tiếng của mình: “Nhà nước và cách mạng”. Riêng chương cuối: “Kinh nghiệm các cuộc cách mạng Nga năm 1905 và 1917” thì V.I.Lênin chưa kịp viết vì bận vào việc lãnh đạo Cách mạng Nga. Cuốn sách được xuất bản lần đầu năm 1918. Lần thứ hai vào năm 1919 – lần này tác giả đã thêm một tiết mới: “năm 1852 C.Mác đã đặt vấn đề như thế nào” vào Chương II.

Trong tác phẩm này, Lênin không những đã khôi phục được quan điểm của Mác và Ăngghen về nhà nước mà còn phát triển một bước học thuyết của chủ nghĩa Mác về nhà nước và chuyên chính vô sản. Sau đó không lâu, Lênin có ý muốn viết tiếp phần thứ hai của tác phẩm này - một bài tổng kết những kinh nghiệm của cuộc Cách mạng Nga năm 1905 và năm 1917; tổng hợp lại những kinh nghiệm mới của chính quyền Xô viết để tiếp tục phát huy và làm phong phú thêm học thuyết về nhà nước của mình. Rất tiếc, Lênin chưa kịp làm công việc đó thì Người đã từ trần. Đây là một thiệt thòi lớn cho nhân loại, cho những nước đi theo con đường của Lênin.

“Nhà nước và cách mạng” là một trong những tác phẩm quan trọng trong kho tàng lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Với tác phẩm này, lần đầu tiên học thuyết mácxít về nhà nước đã được Lênin trình bày một cách có hệ thống và đầy đủ nhất. Ngoài việc trích dẫn những luận điểm của Mác và Ăngghen về nguồn gốc, bản chất, chức năng của nhà nước nhằm phục vụ cho việc phê phán các trào lưu tư tưởng xuyên tạc học thuyết Mác về nhà nước đang tồn tại phổ biến thì Lênin còn bổ sung, phát triển lý luận này lên một tầm cao mới.

Trong tác phẩm Lênin đề cập đến chính quyền nhà nước - vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng - đã đem lại cho tác phẩm ý nghĩa lớn lao cả về lý luận và thực tiễn, làm sáng tỏ tính quy luật trong sự sinh thành, vận động và phát triển của nó, đưa ra những dự báo khoa học về xu hướng và điều kiện về sự tự tiêu vong của nhà nước trong tiến trình lịch sử lâu dài đi tới thắng lợi của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Có thể nói, tác phẩm như một tập kinh điển (C.Mác - Ph.Ăngghen - V.I.Lênin) rất quý báu cho việc nghiên cứu chuyên đề về nhà nước và những vấn đề có liên quan.

Ngay từ lúc ra đời, tác phẩm này đã mang một ý nghĩa hết sức lớn lao, nội dung lý luận trong tác phẩm đã trở thành kim chỉ nam cho Đảng Bôn-sê-vích Nga và nhân dân lao động Nga giành thắng lợi trong cách mạng XHCN tháng Mười vĩ đại. Đồng thời, tác phẩm “Nhà nước và cách mạng” còn có ý nghĩa quan trọng về mặt quốc tế, nó đáp ứng nhu cầu cấp thiết của phong trào cách mạng vô sản thế giới và là cương lĩnh cho cuộc đấu tranh thành lập nhà nước vô sản, là kim chỉ nam cho hành động của đảng vô sản các nước trong việc giành chính quyền từ tay giai cấp tư sản và xây dựng chính quyền nhà nước của mình.

Tác phẩm cũng đã góp phần đập tan chủ nghĩa cơ hội “tả” và “hữu”, chủ nghĩa vô chính phủ lúc bấy giờ, ngăn ngừa kịp thời những tư tưởng không mácxít về nhà nước. Từ đó làm rõ thêm và phát triển lý luận về nhà nước của Mác như: Hình thức nhà nước chuyên chính vô sản; Vấn đề chuyên chính vô sản là liên minh công - nông dưới sự lãnh  của giai cấp công nhân; Vấn đề chế độ dân chủ của giai cấp vô sản là chế độ dân chủ kiểu cao nhất trong xã hội có giai cấp.

Ngày nay, những nội dung lý luận trong “Nhà nước và cách mạng” nói chung, vẫn còn ý nghĩa thực tiễn sát thực: Cách mạng XHCN tuy đang ở bước thoái trào nhưng nhất định những năm tháng của thế kỷ mới sẽ xuất hiện những khả năng, những tình thế mới của cách mạng ở nhiều nước trên thế giới. Cho nên, vấn đề con đường của cách mạng vẫn luôn đặt ra cho các Đảng tiên phong. Với bản chất không thay đổi của chủ nghĩa đế quốc, thì chắc chắn, cách mạng bạo lực vẫn là phổ biến, đồng thời không quên tìm kiếm và kết hợp những phương thức không bạo lực khác có thể nảy sinh trong những điều kiện phong phú của thời đại.

Đối với Việt Nam Đảng ta đã và đang vận dụng một cách đúng đắn sáng tạo học thuyết về nhà nước của chủ nghĩa Mác - Lênin vào việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân./.


Các tin khác