Cùng chung tay góp phần giảm thiểu rác thải nhựa

Các loại rác thải nhựa như chai, lọ, hộp đựng đồ ăn, thức uống, túi ni lông… được phát sinh trong những hoạt động thường ngày của con người đang ngày càng nhiều và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của con người cũng như môi trường bởi đặc tính bền vững khó phân hủy trong tự nhiên của nó.

Không thể phủ nhận những tiện lợi mà các sản phẩm làm bằng nhựa, đặc biệt là loại nhựa dùng một lần đem lại cho cuộc sống thường ngày của con người, nhất là trong việc đi du lịch hoặc khi cần di chuyển ngoài đường. Nhưng những sản phẩm này cũng đang là mối nguy hại cho sức khỏe và môi trường sống của chúng ta. Việc sử dụng túi ni lông khi đi chợ, siêu thị hay dùng hộp, ly nhựa dùng một lần để mua đồ ăn, thức uống hầu như đã trở thành thói quen khó bỏ của đại đa số người dân Việt Nam. Không khó để thấy hình ảnh của những ly trà sữa, ly cà phê, hộp cơm, túi ni lông sau khi được người dân sử dụng vương vãi ở các công viên, ở lề đường, ở các bờ biển. Đặc biệt sau những kì nghỉ lễ dài ngày, ở các điểm du lịch  lượng rác thải nhựa do du khách thải ra càng nhiều làm cho tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng trở nên trầm trọng.

Theo tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc, chỉ trong năm 2018, Việt Nam đã thải ra hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa. Riêng lượng rác thải nhựa đổ ra biển, Việt Nam hiện đang đứng thứ tư thế giới. Vì vậy, việc kiểm soát rác thải nhựa đang là thách thức rất lớn cho Việt Nam, đòi hỏi sự chung tay của các cấp, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, và của mỗi người dân.

Để giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm chỉ đạo thực hiện việc quản lý và giảm rác thải nhựa. Đồng thời gửi thư ngỏ cho các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và toàn thể người dân cả nước chung tay hành động chống rác thải nhựa nhằm mục tiêu “phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, các chợ, các siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần”. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động phong trào chống rác thải nhựa với sự tham gia của các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, và sự cam kết của các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp trong việc phân loại, tái chế, giảm thiểu việc sử dụng túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần. Các mô hình, phong trào chống rác thải nhựa được triển khai ở nhiều địa phương trong cả nước như “nói không với túi ni lông”, “giỏ nhựa đi chợ”, “môi trường không bao ni lông, rác thải nhựa”, “ngày chủ nhật xanh”...đã có tác dụng lớn trong việc tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về tác hại của rác thải nhựa.

  Để góp phần cùng cả nước chung tay giảm thiểu rác thải nhựa, thiết nghĩ mỗi cá nhân chúng ta cần thể hiện sự tiên phong gương mẫu trong việc góp phần giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường, thay đổi dần thói quen sử dụng nhựa một lần bằng những hành động đơn giản, thiết thực như:

Đem theo hộp đựng khi đi mua thức ăn, nước uống thay cho đồ nhựa dùng một lần.

Thay vì dùng những hộp xốp, túi ni lông có sẵn ở các quán ăn khi đi mua thức ăn thì chúng ta hãy mang theo hộp nhựa dùng nhiều lần, hộp thủy tinh hoặc inox. Việc này không chỉ nhằm giúp giảm thải nhựa dùng một lần mà còn an toàn, tránh nguy cơ nhiễm các chất độc hại từ các vật liệu này.

Hạn chế tối đa việc dùng túi ni lông khi đi chợ.

Phong trào “giỏ nhựa đi chợ” đã được lan tỏa nhiều nơi trong cả nước và được đông đảo chị em phụ nữ hướng ứng. Tuy nhiên, đối với chúng ta thường tiện đường đi làm về ghé vào chợ thì có thể thực hiện bằng việc phân loại thức ăn và đựng chung vào một túi hoặc có thể đem sẵn theo hộp nhựa hoặc túi vải dùng nhiều lần để đựng thực phẩm.

Giặt sạch túi ni lông để sử dụng cho lần sau.

 

 

Mỗi lần đi chợ hay siêu thị về chúng ta sẽ đem theo một vài túi ni lông nhưng đừng vội vứt chúng vào giỏ rác. Thay vào đó chúng ta hãy giặt sạch, giữ lại để sử dụng cho những lần sau.

Không dùng ống hút nhựa để uống nước.

Ống hút nhựa cũng là một sản phẩm nhựa dùng một lần được sử dụng rộng rãi, chúng thường được thải ra môi trường với số lượng lớn. Vì vậy, chúng ta có thể giảm thiểu bằng cách không cần dùng đến ống hút nhựa hoặc dùng ống hút bằng những vật liệu thân thiện với môi trường như ống hút bằng cỏ ống, tre, dừa…

Tích cực tuyên truyền cho người thân, bạn bè, hàng xóm nâng cao ý thức trong việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam đã trở nên đáng báo động nhưng đa số người dân vẫn còn rất thờ ơ. Vì vậy chúng ta không chỉ hành động mà cần phải tuyên truyền, giải thích, vận động để mọi người cùng chung tay giảm thiểu rác thải nhựa.

Những việc làm cụ thể trên có thể sẽ thấy bất tiện ban đầu, nhưng lâu dần sẽ thành thói quen. Mỗi cá nhân chúng ta ngay từ bây giờ hãy thực hiện thay đổi thói quen bằng những hành động thiết thực trên để hạn chế và tiến tới không sử dụng nhựa dùng một lần, góp phần bảo vệ sức khỏe, môi trường sống cho chính chúng ta và thế hệ con cháu mai sau./.


Các tin khác