Một vài suy nghĩ về nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay

Trong những năm gần đây, với sự quyết tâm, nổ lực của các tổ chức đảng, nhà nước và các đoàn thể trong hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng, lãnh phí đã có những chuyển biến mạnh mẽ, cả về nhận thức lẫn hành động và đạt kết quả rất to lớn, nhất là trong phòng ngừa, công khai, minh bạch hóa, cải cách thủ tục hành chính, quản lý tài sản công. Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng, lãng phí ở một số bộ phận cán bộ, đảng viên với những biểu hiện tinh vi, phức tạp đã và đang tác động tiêu cực tới nhiều mặt của đời sống xã hội, làm hạn chế thành quả của công cuộc đổi mới. Vì vậy, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng của mỗi cán bộ, đảng viên là khâu quan trọng trong xây dựng cơ quan, đơn vị các cấp ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Thấm nhuần, sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, Đảng ta luôn chủ trương đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trong nhiều năm qua các Văn kiện Đại hội VII, VIII, IX và X, Đảng ta tiếp tục chỉ rõ sự nguy hại của tham nhũng đến sự tồn vong của chế độ. Đại hội X nêu rõ: “Tình trạng suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng”.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã viết: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch và thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực”.Văn kiện Đại hội XII nêu rõ: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu đề ra, tham nhũng lãng phí vẫn còn nghiêm trọng”.Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã cho thấy đây là công việc rất khó khăn và phức tạp liên quan trực tiếp đến cá nhân, lợi ích cục bộ, của một số tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân, cán bộ. Do đó, để góp phần nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh trên lĩnh vực này theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, thiết nghĩ cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên trong công tác, phòng chống tham nhũng. Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác này cần chú ý:

Một là, người đứng đầu cơ quan, đơn vị gương mẫu và quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống  tham nhũng, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Hai là, thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, giảng viên; biên soạn các tài liệu tuyên truyền về pháp luật phòng, chống tham nhũng; thực hiện tuyên truyền trên các báo, sóng phát thanh, truyền hình…

Ba là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng. Tăng cường phổ biến quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Bảo vệ, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích đấu tranh chống tham nhũng.

Bốn là, triển khai thực hiện nghiêm túc và đi vào chiều sâu việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhất là việc làm theo trong toàn Đảng, toàn dân; trong đó đặc biệt chú trọng việc thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” để từng cán bộ, đảng viên tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, kiên quyết chống lại tệ nạn tham nhũng, lãng phí.

Năm là, đề cao trách nhiệm, xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên có biểu hiện tiêu cực hay thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, lãng phí ở cơ quan, đơn vị mình phụ trách. Đây là mối quan tâm của toàn xã hội, làm tốt công việc này sẽ tạo được lòng tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Phòng, chống tham nhũng là công việc khó khăn, phức tạp nhưng nếu có sự tập trung và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị với tinh thần kiên quyết, kiên trì nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt, sẽ mang lại lòng tin đối với nhân dân./.


Các tin khác