Không lơ là, chủ quan, cần tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định để quyết tâm chống dịch COVID-19

Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang trên đà diễn biến phức tạp, khó lường. Trong thời gian gần đây, nhiều văn bản của Nhà nước được ban hành để tăng cường các biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch như Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, Quyết định 447/QĐ-TTg ngày 01/4/2020 Thủ tướng Chính phủ về việc công bố dịch COVID-19. Tại Quyết định này Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở y tế, tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và liên tiếp ban hành các văn bản có liên quan đến dịch COVID-19 và các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đáng lưu ý là Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 về việc cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01/4/2020, theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. Chỉ thị yêu cầu mọi người dân trên cả nước ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 02 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Cách ly toàn xã hội không phải là ngăn cấm giao thông, “ngăn sông cấm chợ”, chưa phải phong toả xã hội nhưng đây là khoảng “thời gian vàng” để hạn chế tối đa dịch bệnh lây hiễm trong cộng đồng và để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu "chống dịch như chống giặc". Các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, phải bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân, không để dịch lây lan, hạn chế tối đa trường hợp tử vong. Hệ thống chính trị phải vào cuộc, nhất là các ngành chức năng và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong khi những chiến sĩ công an, những anh bộ đội tận tình chăm sóc từng bữa cơm cho người bệnh, dành doanh trại cho những người cách ly. Những chiến sĩ bộ đội biên phòng nằm núi, ngủ rừng để canh giữ biên cương, góp phần ngăn ngừa dịch bệnh, và nhất là đội ngũ y, bác sĩ, đã không quản ngại hiểm nguy, ngày đêm quên mình để cứu chữa bệnh nhân nhiễm COVID -19. Tất cả dồn lên trận tuyến chống giặc. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Chính phủ, Bộ Y tế nói chung và cơ quan chuyên môn nói riêng đã khuyến cáo mức độ nguy hiểm do virut Corona gây ra. Đồng thời chính quyền các cấp cũng đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để phòng, chống dịch nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.

Bên cạnh việc đại đa số người dân trong cả nước đều đồng lòng, tuân thủ các khuyến cáo thì đâu đó vẫn còn một số người mắc bệnh chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho mình và những người xung quanh. Đơn cử như việc vẫn tổ chức đi lễ nhà thờ với sự tham gia của hàng trăm giáo dân tại một số nhà thờ tại Hà Tĩnh như giáo xứ Nghĩa Yên thuộc thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ có hơn 500 người tham gia cầu nguyện trong nhà thờ; giáo xứ Thọ Ninh (xã Liên Minh) có khoảng 150 giáo dân tham gia hành lễ; giáo xứ Đông Cường (xã Tân Dân), Kẻ Tùng (xã Bùi La Nhân) cũng có hàng trăm giáo dân hành lễ…Việc làm của các linh mục đã đi ngược với chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh Hà Tĩnh và Tòa Giám mục về công tác phòng ngừa dịch bệnh COVID-19, gây nguy hiểm cho chính bà con giáo dân và cả cộng đồng. Ngoài ra, trong thời gian qua vẫn còn xuất hiện một số hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, gây hoang mang, lo lắng và bất bình trong xã hội. Một số người đã chống đối người thi hành công vụ, có hành vi to tiếng, giật khẩu trang và còn tát người thi hành công vụ (Hải Phòng); họ không những không chấp hành các quy định, yêu cầu của tổ công tác mà còn có những lời lẽ lăng mạ, chửi bới, đe dọa và dùng mũ cối tấn công người đang làm nhiệm vụ (Quảng Ninh). Viện kiểm sát phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp thống nhất chọn một số vụ việc điển hình để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nhằm đáp ứng yêu cầu răn đe, giáo dục chung, góp phần hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Sự việc này dấy lên một hồi chuông cảnh báo cho những ai cố tình chống đối, còn lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, không thực hiện đúng các quy định của Chính phủ về phòng, chống dịch COVID- 19, nhất là khi Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đã có hiệu lực thi hành trên phạm vi toàn quốc kể từ 0h ngày 01/4.

Bên cạnh đó, trong những ngày qua, do ảnh hưởng dịch COVID-19, các trường phải nghỉ dạy và học, hàng loạt cơ sở buôn bán, kinh doanh dịch vụ phải đóng cửa; nhiều công ty cho công nhân tạm nghỉ để tăng cường công tác phòng chống dịch. Mặc dù đã có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cách ly toàn xã hội, nhưng vẫn có hàng trăm người dân từ các nơi trở về quê, nhiều con em đang học tập, làm việc ở nhiều nơi có nhu cầu về quê thăm gia đình và “tránh dịch”, chính vì vậy đã làm cho công tác phòng, chống dịch ở nhiều địa phương trở nên phức tạp.

Để đảm bảo an toàn cho người dân và tranh lây lan trong cộng đồng, UBND các tỉnh, thành, huyện, thị đã lập các chốt kiểm soát các phương tiện giao thông vào địa bàn kể cả đường biên giới, cửa khẩu giáp ranh Việt Nam với các nước láng giềng…. nhằm kiểm soát y tế đối với người vào địa bàn và tổ chức kiểm tra, xác định lịch trình hoạt động, tổ chức khai báo y tế đối với người nước ngoài, người Việt Nam từ nước ngoài về và từ vùng có dịch vào địa bàn. Bên cạnh đó, lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt tăng cường kiểm tra bảo đảm tất cả hành khách phải đeo khẩu trang, phương tiện phải trang bị đầy đủ dụng cụ, dung dịch sát khuẩn; đồng thời xử lý, đề xuất xử lý đối với các trường hợp không chấp hành quy định về phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật. Một số tỉnh đã thực hiện rất tốt vấn đề này (Quảng Ninh, Hải Phòng, Cao Bằng, Cần Thơ, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai….) đồng thời cũng ra lệnh "giới nghiêm" yêu cầu tất cả những ai ra đường sau 22 giờ không có lý do chính đáng sẽ được đưa về điểm cách ly tại phường, xã.

Ở Bình Thuận, thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TU ngày 31/3/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn hoả tốc số 1205/UBND-KGVXNV vào chiều ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh COVID -19 theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó cụ thể hóa các biện pháp theo tinh thần của Chỉ thị để thực hiện tại Bình Thuận. Địa phương cũng đã lập hai chốt ở hai đầu ra, vào tỉnh ở Quốc lộ I tại khu vực giáp ranh địa giới hành chính giữa tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận (thuộc huyện Tuy Phong) và khu vực giáp ranh địa giới hành chính giữa tỉnh Bình Thuận và tỉnh Đồng Nai (thuộc huyện Hàm Tân). Hai chốt sẽ hoạt động 24/24 giờ kể cả thứ bảy, chủ nhật, bắt đầu từ ngày 01/4 đến hết ngày 15/4. Ngoài ra, UBND tỉnh còn giao cho chủ tịch UBND các huyện Hàm Tân, Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình thành lập các chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn huyện tại Quốc lộ 55, Quốc lộ 28, Quốc lộ 28B và một số tỉnh lộ. Nhiệm vụ của các chốt là kiểm tra phương tiện hoạt động vận tải đường bộ, kiểm soát y tế đối với người vào tỉnh trên các phương tiện vận tải hành khách và kiểm tra tất cả hành khách đeo khẩu trang, phương tiện được trang bị dung dịch rửa tay sát khuẩn theo quy định. Vừa qua, ở các địa phương xã, phường trên địa bàn thành phố Phan Thiết tỉnh Bình Thuận, lực lượng công an, dân quân tự vệ, đoàn Thanh niên và cán bộ chuyên trách cấp xã đã ra quân chốt chặn tại một số địa điểm trên địa bàn quản lý và xử phạt những người dân không đeo khẩu trang theo quy định.

Tính đến 11 giờ30 ngày 06/4/2020 cả nước có tổng số người mắc bệnh là 241 trường hợp/27 tỉnh, thành. Trong đó: Điều trị khỏi và xuất viện là: 91 người. Điều trị khỏi (giai đoạn 1): 16 người. Điều trị khỏi (giai đoạn 2): 75 người. Tại Bình Thuận, sau 23 ngày từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, chưa ghi nhận thêm trường hợp nhiễm COVID-19 mới, tổng số trường hợp nhiễm bệnh COVID-19 tại tỉnh là 09 (Hàm Thuận Bắc 02; thành phố Phan Thiết 07), trong đó có 07 trường hợp đã điều trị khỏi (06 trường hợp được chuyển đến Cơ sở điều trị COVID19 thuộc Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng để tiếp tục theo dõi, giám sát, 01 trường hợp theo dõi, giám sát tại Bệnh viện đa khoa tỉnh). 02 trường hợp còn lại đã cho kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 và tiếp tục điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, dù 2 ngày gần đây, số ca phát hiện mới tại Việt Nam gần như không có. Tuy nhiên, tất cả mọi người dân cần phải tiếp tục nêu cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan, thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ, địa phương và khuyến cáo của cơ quan y tế. Mệnh lệnh lúc này là mệnh lệnh của thời chiến. Đó là những biện pháp kịp thời, quyết liệt để tránh nguy cơ dịch bệnh lây lan rộng. Do đó yêu cầu tất cả mọi người phải đồng hành cùng Chính phủ, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, nghiêm chỉnh tuân thủ các biện pháp chống dịch từ việc làm nhỏ nhất là đeo khẩu trang khi ra đường cho đến thực hiện cách ly xã hội và các biện pháp khác cần thiết khác thì nhất định cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của chúng ta sẽ thành công. Ngược lại, nếu ai không chấp hành các quy định, hoặc cố tình chống đối thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật./.


Các tin khác