Ngày giỗ tổ Hùng Vương - ghi nhớ lời dạy Đại Đoàn kết toàn dân tộc của Bác Hồ

“Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba.”

Đó là câu ca ông cha ta nhắc nhớ về Ngày Giỗ tổ Hùng Vương, nhắc nhở con cháu về nòi giống, nguồn cội của dân tộc Việt Nam. Và mỗi năm đến ngày này, chúng ta lại nhớ lời căn dặn của Bác Hồ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Chúng ta vẫn tự hào 54 dân tộc trên dải đất hình chữ S là anh em một nhà, đều là con Rồng, cháu Tiên; dòng giống Lạc Hồng. Theo truyền thuyết: Kinh Dương Vương sinh một con trai, sau nối ngôi vua cha niên hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nở ra một trăm người con. Năm mươi người con theo mẹ lên núi, năm mươi người con theo cha xuống biển. Lạc Long Quân phong cho con trưởng Hùng Vương nối ngôi, làm vua. Trải qua 18 đời, Hùng Vương thứ 18 đã nhường ngôi cho Thục Phán - An Dương Vương.

Để ghi nhớ công ơn của các Vua Hùng, vua Lê Thánh Tông năm 1470 và đời vua Lê Kính Tông năm 1601, chọn ngày 11 và 12 tháng 3 âm lịch làm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Đến thời nhà Nguyễn - năm Khải Định thứ 2 chính thức chọn ngày 10/3 âm lịch là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ Tịch nước số 22/SL - CTN ngày 18/0 2/ 1946 cho tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc. Đến ngày 02/4/2007, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành quốc lễ. Ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hàng năm cứ đến ngày Gỗ Tổ Hùng Vương, chúng ta lại tưởng nhớ công đức khai thiên, lập địa của các vua Hùng, công lao dựng nước và giữ nước của các bậc tiền nhân và mỗi chúng ta lại thêm khắc sâu lời dạy đại đoàn kết toàn dân tộc của Bác Hồ.

Sáng ngày 19/9/1954 tại cửa Đền Giếng trong khu di tích Đền Hùng thuộc núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ trước khoảng 100 cán bộ Đại đoàn Quân tiên phong trước khi tiến về tiếp quản Thủ đô, Bác đã giảng giải: “Đền Hùng thờ các vua Hùng. Hùng Vương là người sáng lập ra nước ta, là Tổ tiên của dân tộc ta”. “Ngày xưa, các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời căn dặn của Bác là sự biết ơn, ghi nhận công lao của các vua Hùng; đồng thời đó cũng là sự kết tinh của giá trị văn hoá Việt Nam qua lịch sử dựng nước và giữ nước – tinh thần đoàn kết.

Câu nói đó đã đi vào lịch sử dân tộc, có sức mạnh hiệu triệu toàn dân đoàn kết, trên dưới một lòng cả trong chiến tranh lẫn lúc hoà bình. Lớp lớp người dân đất Việt  đã hy sinh không tiếc máu xương, cùng lập nên Đại thắng mùa Xuân lịch sử năm 1975, đưa non song gấm vóc mà các vua Hùng đã gây dựng về một mối; những người con ruột thịt của cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ, bị chia cắt ở hai miền Nam, Bắc đoàn tụ một nhà. Tinh thần đoàn kết đó lại giúp chúng ta vượt qua khó khăn của thời kỳ bao cấp, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Toàn dân tộc Việt Nam lại cùng chung lưng, đấu cật trong thời kỳ đổi mới, đón nhận những cơ hội của quá trình hội nhập quốc tế, đương đầu với thử thách của nền kinh tế thị trường, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2010. Và hôm nay, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, trong các tổ chức mà chúng ta tham gia ngày càng cao, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày nay.”[1]

Những thành quả đó là kết quả của quá trình lao động, sản xuất, đấu tranh không mệt mỏi của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Năm 2020, chúng ta cùng nhau học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với chủ đề  “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Một lần nữa, chúng ta hãy cùng làm sống động bài học đại đoàn kết toàn dân tộc của Bác. 54 dân tộc anh em, các giai tầng trong xã hội, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến những vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo cùng nhau xây dựng một đất nước Việt Nam giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh./. 


[1] Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam.


Các tin khác