Một số giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất ở tỉnh Bình Thuận

Trong số các nguồn tài nguyên, nước là yếu tố cơ bản không thể thiếu trong việc duy trì sự sống và mọi hoạt động của con người trên “hành tinh xanh”. Việc đáp ứng nhu cầu về nước bảo đảm cả về chất lượng và số lượng là một điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững và là mục tiêu chiến lược trong đảm bảo an ninh nguồn nước của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam, tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đang xảy ra trên diện rộng, trải dài từ Bắc Bộ, miền Trung, Tây Nguyên đến đồng bằng sông Cửu Long.

Tại Bình Thuận, hiện các sông, suối cạn khô, các giếng khoan nhiều nơi cũng cạn nước, một số giếng khu vực Hàm Tân, Tánh Linh và Đức Linh chỉ khai thác đến hết tháng 02/2020 là cạn hết nước. Các hồ chứa nước thủy lợi như: Ba Bàu, Tân Lập, Tà Mon, Đá Bạc, Trà Tân,…cũng dần cạn khô. Tính đến ngày 11/4/2020, lượng nước hữu ích còn lại ở tất cả các hồ chứa thủy lợi là 32,8 triệu m3, đạt 12,6% dung tích hữu ích thiết kế, thấp hơn so với trung bình những năm trước. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt gay gắt, trầm trọng cũng diễn ra tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Tính đến 31/3/2020, số hộ dân thiếu nước hoạt trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau: huyện Bắc Bình (gần 10.000 hộ/44.174 khẩu); Hàm Tân (8.453 hộ/21.802 khẩu); Đức Linh (7.050 hộ/16.990 khẩu); Hàm Thuận Nam (2.658 hộ/10.632 khẩu);  Phú Quý (1.000 hộ/ 4.200 khẩu);… Từ đó, dẫn đến tại một số địa phương người dân phải tự đi chở nước hoặc mua nước với giá cao về dùng cho sinh hoạt ăn, uống và cho gia súc như: xã Hồng Phong (Bắc Bình); xã Tân Đức, xã Tân Xuân (Hàm Tân); xã Thuận Hòa (Hàm Thuận Bắc), xã Hàm Cường (Hàm Thuận Nam), xã Thiện Nghiệp (Tp. Phan Thiết)…

Đối với ngành nông nghiệp - một ngành có thể nói là bị tác động trực tiếp bởi biến đổi khí hậu (đặc biệt là hạn hán). Vụ Đông Xuân 2019 - 2020 vừa qua, do tình hình thời tiết nắng hạn, thiếu hụt nguồn nước, sau khi ưu tiên lượng nước cho sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm.., lượng nước còn lại chỉ đảm bảo bố trí sản xuất với tổng diện tích 37.220 ha (lúa 17.429 ha, thanh long 19.791 ha), cắt giảm 15.430 ha lúa so với kế hoạch của UBND tỉnh. Một số nơi, diện tích lúa của nông dân gieo trồng ngoài kế hoạch, phần lớn bị héo khô do không đủ nước tưới, như: Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc.

Theo nhận định của Đài khí tượng Thủy văn Bình Thuận, mùa khô ở Bình Thuận sẽ kéo dài đến giữa tháng 5/2020, lượng nước trên các sông, suối của tỉnh trong tháng 4 và 5/2020 thấp hơn trung bình nhiều năm (15 - 70%). Do đó, tình trạng khô hạn, thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất sẽ diễn ra gay gắt. Ngoài ra, về lâu dài, do tác động của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, nhất là sự gia tăng khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn, nguy cơ hạn hán, thiếu nước có thể xảy ra thường xuyên và khốc liệt hơn. Vì vậy, trong thời gian tới các cấp, các ngành có liên quan trên địa bàn tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa công tác chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân. Một số giải pháp xem xét thực hiện:

Một là, nâng cao chất lượng công tác kiểm kê, đánh giá thực trạng, dự báo nguồn nước tại các hồ chứa, hệ thống thủy lợi trên địa bàn, tính toán cân bằng nước để điều chỉnh, bổ sung phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước phù hợp với thực tiễn nguồn nước. Đồng thời, nghiên cứu, sử dụng hiệu quả các tài liệu, kết quả của chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất, số liệu quan trắc, dự báo và cảnh báo tài nguyên nước đã được Bộ Tài nguyên - Môi trường chuyển giao cho các địa phương để thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán, thiếu nước trước mắt cũng như lâu dài.

Hai là, xây dựng kịch bản điều hành, kế hoạch sản xuất cụ thể từng vụ (Đông Xuân, Hè Thu, vụ mùa) và đưa ra các phương án sản xuất nông nghiệp năm 2020 một cách cụ thể, phù hợp với tình hình thời tiết; rà soát, xem xét lùi thời vụ, chuyển đổi sản xuất nếu nguồn nước không bảo đảm cung cấp trong suốt thời gian sản xuất.

Ba là, tuyên truyền, vận động nhân dân tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn liên quan đến thời vụ và tổ chức sản xuất để hạn chế nguy cơ thiệt hại do hạn hán, thiếu nước; Đồng thời sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước. Trường hợp thiếu nước nghiêm trọng, cần ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi. Sau đó cấp cho các diện tích cây trồng lâu năm, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, đảm bảo vượt qua mùa hạn.

Bốn là, đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa vào khai thác và sử dụng các công trình phòng chống hạn hán, phải cấp nước sinh hoạt càng sớm càng tốt, nhất là ở các vùng có nguy cơ cao. Đảm bảo cấp đúng, cấp đủ phục vụ nước sinh hoạt các khu đô thị tập trung, nông thôn và sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, xử lý các trường hợp không thực hiện nghiêm kế hoạch cấp nước đã xây dựng, làm thất thoát, lãng phí nước, gây ô nhiễm nguồn nước.

Năm là, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước trong các hồ, ao, kênh rạch,...để sử dụng trong thời kỳ cao điểm hạn hán, thiếu nước. Ngoài ra, theo dõi chặt chẽ tình hình cấp về hạ du từ các thủy điện trên địa bàn tỉnh để tổ chức sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, tranh thủ tích trữ phục vụ chống hạn cho vùng hạ du.

Sáu là, khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa xác nhận để gieo trồng nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, sử dụng các giống lúa chống chịu được hạn, phèn,...theo hướng dẫn của các ngành có liên quan; thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng theo quy định tại những nơi thường xuyên hạn hán; hướng dẫn, tuyên truyền các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm cho cây lúa và cây trồng khác đến các địa phương áp dụng thực hiện.

Bảy là, mở rộng mạng lưới cấp nước từ đô thị sang nông thôn để bảo đảm cấp nước cho người dân. Tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương, tập trung đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung lồng ghép vào Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Chủ động thực hiện các nguồn vốn xã hội hóa để triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước./.


Tài liệu tham khảo:

1. Chỉ thị 04/CT-TTg, ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

2. Theo Số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận


Các tin khác