Như vậy, ở nước ta quyền lực Nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa. Sự phân công quyền lực Nhà nước nhằm mục đích tránh việc quyền lực tập trung vào một cơ quan dẫn đến quan liêu độc đoán, chuyên quyền, lạm quyền, đồng thời để mỗi cơ quan chức năng thực hiện chuyên sâu một lĩnh vực, một nhánh quyền lực nhất định như: Quốc hội thực hiện quyền lập pháp; Chính phủ thực hiện quyền hành pháp; Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp; nhưng để thực hiện các quyền đó có chất lượng, hiệu quả thì phải có sự phối hợp, giữa các cơ quan với nhau trong việc thực hiện các quyền nói trên. Ở bài viết này chỉ đề cập đến nội dung phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp.
Theo Điều 69 Hiến pháp năm 2013 quy định: Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước, nhưng để thực hiện chức năng lập hiến, lập pháp, Quốc hội phải phối hợp với các cơ quan nhà nước khác, sự phối hợp đó được thể hiện ở những nội dung sau đây:
Thực hiện Quyền lập hiến: Theo Điều 120, Hiến pháp năm 2013 thì việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp được quy định như sau:
Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp. Quốc hội quyết định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
Quốc hội thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp. Thành phần, số lượng thành viên, nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban dự thảo Hiến pháp do Quốc hội quyết định theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ủy ban dự thảo Hiến pháp soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và trình Quốc hội dự thảo Hiến pháp. Năm 2013, khi tiến hành sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Quốc hội đã thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và tổ chức cho nhân dân góp ý dự thảo Hiến pháp (khoảng trên 20 triệu lượt góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992)
Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định. Đơn cử, Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội (khóa XIII) với sự tham gia biểu quyết có 486/488 vị đại biểu Quốc hội có mặt, bằng 97,99% tổng số đại biểu.
Thực hiện Quyền lập pháp: Quyền lập pháp do Quốc hội thực hiện. Như vậy, Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền quyết định việc thông qua hay không thông qua các dự án luật. Tuy nhiên, Hiến pháp năm 2013 cũng quy định sự tham gia, phối hợp của nhiều chủ thể khác nhau trong việc trình các dự án luật. Xuất phát từ tầm quan trọng của sáng kiến lập pháp (Theo Điều 84, Hiến pháp năm 2013), tiếp tục ghi nhận các chủ thể có quyền trình dự án luật như:
Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội. Song song với đó, Đại biểu Quốc hội có quyền trình kiến nghị về luật, pháp lệnh và dự án luật, dự án pháp lệnh trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng tham gia vào quá trình lập pháp với vai trò sáng kiến lập pháp, công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh, như Chủ tịch nước ký Lệnh công bố Hiến pháp năm 2013, ký Lệnh công bố 11 bộ luật và luật gồm: Bộ luật Lao động; Luật Thư viện; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Dân quân tự vệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Chứng khoán đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Ngoài ra, Trong quá trình công bố các văn bản pháp luật, Chủ tịch nước có quyền đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét lại pháp lệnh trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày pháp lệnh được thông qua, nếu pháp lệnh đó vẫn được Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành mà Chủ tịch nước vẫn không nhất trí thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất (Theo điều 88 Hiến pháp năm 2013). Đây, là cách thức của Chủ tịch nước vừa tham gia, vừa kiểm soát việc ban hành pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội; trên thực tế hiện nay chưa có pháp lệnh nào của Uỷ ban thường vụ Quốc hội được Chủ tịch nước yêu cầu xem xét lại.
Như vậy, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục ghi nhận sáng kiến lập pháp của nhiều chủ thể và quy định cụ thể sự khác nhau về quyền sáng kiến lập pháp của cá nhân đại biểu Quốc hội với các cơ quan tổ chức có thẩm quyền. Thực tế ở nước ta hiện nay, có khoảng hơn 90% các dự thảo bộ luật, luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức…) do Chính phủ trình cho Quốc hội, ngoài ra, có một số văn bản dự thảo luật do Tòa án nhân dân tối cao hoặc Viện kiểm sát nhân dân tối cao soạn thảo trình Quốc hội xem xét thông qua. Sự tham gia của các cơ quan nhà nước trong quá trình soạn thảo và trình các dự án luật đã thể hiện rõ nét sự phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội và các cơ quan hành pháp, tư pháp trong việc thực hiện quyền lập hiến, lập pháp của Quốc hội./.
Tài liệu tham khảo:
- Hiến pháp năm 2013.
- Luật tổ chức Quốc hội năm 2014.
- Luật tổ chức Chính Phủ năm 2015.
- Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
- Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.