Bình Thuận 45 năm vững bước trên con đường đổi mới

Là tỉnh nằm ở ven biển cực Nam Trung bộ, Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ cũng như các tỉnh khác ở miền Nam Việt Nam chìm trong khói lửa chiến tranh của những ngày tháng 4 lịch sử. Mặc dù bị đàn áp khốc liệt, phong trào cách mạng ở Bình Thuận gặp nhiều khó khăn, nhưng với truyền thống yêu nước, dũng cảm, kiên cường, quân và dân Bình Thuận đã anh dũng chiến đấu để giải phóng thị xã Phan Thiết vào ngày 19/4/1975, đến ngày 27/4/1975, giải phóng hoàn toàn quê hương, góp phần cùng với nhân dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

45 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân dân tỉnh nhà đã phát huy truyền thống cách mạng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết cùng nhau xây dựng quê hương đạt được những kết quả quan trọng, đặc biệt trong nhiệm kỳ qua (2015 - 2020).

Trong nhiệm kỳ, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) bình quân 8,3%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2019 đạt 2.587 USD.

Là tỉnh khô hạn, nắng, gió nhiều, nếu như trước đây đó là khó khăn thì nay đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đã từng bước biến những khó khăn, thách thức ấy thành những lợi thế của tỉnh. Vùng khô hạn, tỉnh chủ trương trồng các loại cây chịu nắng tốt như: thanh long, cây trôm; vùng cát, đất khô cằn phát triển nuôi dông, điện mặt trời, có nơi trồng thanh long; vùng gió nhiều thì phát triển điện gió; trên biển lợi dụng gió phát triển các môn thể thao trên biển, thu hút du khách, nhất là du khách quốc tế... Hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu như: thủy lợi, giao thông, trường, trạm, điện, nước sạch, cảng biển... được tập trung đầu tư, nhờ đó bộ mặt đô thị và nông thôn ngày càng thay da đổi thịt rõ rệt, mức sống người dân ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ngày càng tăng.

Là một tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả 2 nghị quyết: Nghị quyết về phát triển toàn diện dân sinh- kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và Nghị quyết về đào tạo đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, tạo động lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số chuyển mình mạnh mẽ (đã đầu tư xây dựng 255 công trình thiết yếu phục vụ phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội. Đến nay, trụ sở làm việc của 17/17 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số đã được xây dựng kiên cố; 88,3% số hộ đồng bào được dùng nước sạch, 100% xã, thôn có điện lưới quốc gia).

Chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được nâng lên. Công tác bồi dưỡng nguồn lực chất lượng cao được quan tâm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo bằng các hình thức ngày càng tăng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh (tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp bằng chứng chỉ nghề đạt 24%).

Chính sách đền ơn, đáp nghĩa, an sinh và phúc lợi xã hội được đảm bảo. Hàng năm vận động xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa đều vượt kế hoạch và đã giải quyết trợ cấp kịp thời cho các đối tượng chính sách. Quỹ Vì người nghèo được tỉnh phát động hàng năm, được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ nên giá trị tiền đóng góp tăng hàng năm. Đến nay, toàn tỉnh đã căn bản hoàn thành mục tiêu xây, sửa nhà ở cho gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo và cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn 1,92%.

Quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội căn bản được giữ vững. Nhiều băng nhóm tội phạm bị triệt phá, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, nhất là các vụ án được dư luận xã hội quan tâm. Tập trung giải quyết ổn định các vụ việc người dân bị kích động tập trung đông người trái phép, gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản, chống người thi hành công vụ.

Công tác xây dựng Đảng đạt kết quả khá toàn diện và ngày càng đi vào chiều sâu, nhiều tổ chức đảng đã giữ vững và phát huy tốt vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo cán bộ, đảng viên thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; hệ thống chính trị ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; ý thức tu dưỡng rèn luyện của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng lên, đa số không suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Khối đoàn kết toàn dân được tăng cường, dân chủ được phát huy tốt hơn; các phong trào thi đua yêu nước được duy trì thường xuyên, xuất hiện nhiều tấm gương, mô hình điển hình năng động, sáng tạo góp phần tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy các mặt của tỉnh nhà phát triển nhanh hơn trong thời gian đến.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, nhìn chung nền kinh tế tỉnh ta tăng trưởng chưa thật sự ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng của nền kinh tế. Năng lực cạnh tranh thấp; tình trạng thiếu vốn đầu tư phát triển sản xuất chưa được khắc phục do nguồn vốn huy động thấp trong khi nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước khó khăn. Công nghiệp nông thôn phát triển chậm. Thị trường xuất khẩu chưa thật ổn định. Sản phẩm du lịch chưa đa dạng. Giải quyết việc làm và đào tạo nghề còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu học tập và lao động của người dân. Đời sống một bộ phận nhân dân, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Chất lượng của hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở chưa cao, công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản… còn bất cập; còn để xảy ra vụ việc mất an ninh, trật tự nghiêm trọng tại một số địa phương. Một số ít cán bộ đảng viên sai phạm, bị xử lý kỷ luật, có trường hợp đến mức phải khởi tố làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng bộ.

45 năm thoát khỏi ách xâm lược, Bình Thuận hôm nay đang từng ngày đổi thay. Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo điều hành, nhất là quản lý, điều hành trong lĩnh vực tài nguyên, đất đai, môi trường; tăng cường thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với những việc làm thiết thực, hiệu quả; thường xuyên đối thoại, đồng hành với doanh nghiệp, với người dân; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp tham nhũng, lợi ích nhóm, nhũng nhiễu, quan lieu. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực năng lượng sạch, nông nghiệp, du lịch, phát triển kinh tế biển, khai thác và chế biến khoáng sản..

Kỉ niệm 45 năm ngày giải phóng quê hương, chúng ta càng thêm tự hào về truyền thống của cha ông, vui mừng với những thành tựu đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót để phát huy truyền thống, nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm của mình vào xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.


Bài viết có tham khảo tài liệu “Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020) và 45 năm ngày giải phóng quê hương bình thuận (19/4/1975- 19/4/2020)” của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, nhiệm kỳ 2020 - 2025)


Các tin khác