Một số lưu ý khi sử dụng giáo án điện tử phục vụ công tác giảng dạy tại Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận

Việc ứng dụng các phương tiện hiện đại, sử dụng giáo án điện tử gắn với việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực đã không ngừng góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tại Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận trong những năm qua. Các phương tiện này đã góp phần làm cho bài giảng sinh động, tạo nên sự hứng thú và tập trung theo dõi của người học, giảm nhẹ sức lao động của giảng viên trong quá trình lên lớp.

Đối với chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị nhằm cung cấp thế giới quan và phương pháp luận phục vụ quá trình công tác của học viên. Việc cung cấp lượng kiến thức lớn trong một thời gian không dài cũng đòi hỏi sự cố gắng lớn của các giảng viên. Trong những năm gần đây, giảng viên của Nhà trường đã áp dụng phương tiện hiện đại (máy tính xách tay) để thiết kế bài giảng nhằm làm tăng hiệu quả của quá trình giảng dạy. Tuy nhiên, trong quá trình lên lớp có rất nhiều tiện lợi từ việc sử dụng giáo án điện tử mang lại, thì cũng có không ít khó khăn mà giảng viên đã gặp phải.

Giảng dạy bằng giáo án Powerpoint (thường được hỗ trợ bằng máy Projector kết nối với máy tính xách tay (Laptop)) giúp cho việc trình chiếu và hiển thị các thông tin trong nội dung bài giảng, phục vụ đắc lực cho việc truyền đạt ý tưởng của giảng viên đến học viên. Với sự hỗ trợ của máy Projector, người dạy có thể khai thác sâu nội dung của bài trong mỗi tiết học, cho phép giảng viên tiết kiệm "thời gian chết" (xóa bảng, viết bảng, nhớ những nội dung mà bất ngờ quên...) đồng thời ngân hàng hình ảnh, sự linh hoạt của các slide được biểu đạt và hiển thị sinh động trên màn chiếu sẽ giúp giảng viên dẫn nhập và diễn đạt nội dung bài học một cách ấn tượng và thu hút hơn.

Trong quá trình lên lớp và đã thường xuyên sử dụng giáo án điện tử, bản thân thiết nghĩ giảng viên giảng dạy bằng giáo án điện tử cần lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, giảng viên sau khi hiểu sâu và nắm chắc nội dung bài giảng, trên cơ sở đó cô đọng lại kiến thức với tính khái quát, mô hình hóa cao bằng các bảng biểu, sơ đồ, hình ảnh... một cách khoa học. Điều này đòi hỏi người giáo viên phải làm chủ kiến thức chuyên môn của mình mới có thể cụ thể hóa một cách cô đọng, khoa học bằng các bảng biểu, sơ đồ kết hợp các hiệu ứng màu sắc, âm thanh làm cho bài giảng bớt trừu tượng và giúp học viên thấy hứng thú hơn trong quá trình học.

Thứ hai, lựa chọn nội dung bài giảng hoặc phần bài giảng phù hợp với giáo án điện tử. Thực tế cho thấy, có nhiều nội dung trong bài giảng chúng ta có thể mô mình hóa bằng các sơ đồ, bảng biểu nhưng cũng có những nội dung chúng ta chỉ có thể hiện thị các dòng chữ trên Slide trình chiếu. Do vậy, nếu nội dung trong giáo trình, đề cương giáo án khó mô hình hóa và học viên đọc vào cũng thấy dễ hiểu thì chúng ta không nên khai thác sâu bằng việc mô hình hóa thông qua các slide, đôi lúc lại gây ra phản ứng ngược là nội dung đó sẽ làm cho học viên thấy rắc rối và khó hiểu hơn. Vì vậy, trong một bài giảng, chúng ta không nhất thiết phải soạn dưới dạng giáo án điện tử cho tất cả các nội dung mà có thể chỉ lựa chọn những nội dung phù hợp.

Thứ ba, khi trình bày các slide nội dung bài giảng, trong trường hợp có nội dung dài mà nhất thiết phải xuất hiện trọn vẹn cùng lúc, ta trích xuất từng phần thích hợp để giảng, sau đó đưa về lại trang có nội dung tổng thể, học viên sẽ dễ hiểu và dễ ghi chép hơn. Khi giáo viên trình chiếu Power Point, để học viên có thể ghi chép kịp thì nội dung trong mỗi slide không nên xuất hiện dày đặc cùng lúc; nên phân dòng hay phân đoạn thích hợp, cho xuất hiện theo hiệu ứng thời gian tương ứng.

Thứ tư, lựa chọn phông chữ, cỡ chữ, màu chữ, màu nền, hiệu ứng phông chữ cho các slide bài giảng. Giảng viên nên sử dụng các phông chữ phổ biến, đơn giản, rõ ràng, không nên chọn các phông chữ quá cầu kỳ, thường thì chúng ta nên chọn phông chữ Times New Roman. Chọn cỡ chữ phù hợp, không nên quá to hoặc quá nhỏ. Theo tôi, đối với các lớp học ở trường  50- 80 học viên như chúng ta hiện nay thì thiết kế đặt cỡ chữ sao cho mỗi slide chỉ nên bao gồm từ 8 đến 10 dòng (Font size khoảng 28-44).

Chọn màu chữ (Font color) phù hợp với màu nền (Fill color) của các slide, tạo điều kiện thuận lợi cho sự theo dõi của người học. Về màu sắc của nền hình: cần tuân thủ nguyên tắc tương phản (Contrast), chỉ nên sử dụng chữ màu sậm (đen, xanh đậm, đỏ đậm...) trên nền trắng hay nền màu sáng. Ngược lại, khi dùng màu nền sậm thì chỉ nên sử dụng chữ có màu sáng hay trắng. Chúng ta nên chọn một màu đơn hơi tối, vừa không chói mắt lại vừa làm nổi bật màu chữ, thường chọn màu xanh dương đậm vì vừa phổ biến, quen thuộc, đơn giản mà vẫn làm nổi bật được điểm nhấn nội dung chữ.

Ngoài ra, khi chọn hiệu ứng cho phông chữ, giáo viên không nên dùng quá nhiều hiệu ứng làm cho học viên chỉ chú ý đến các hiệu ứng mà không chú ý đến nội dung bài học, dẫn đến không nắm được trọng tâm của bài và không nên chèn ảnh động chỉ mang tính trang trí trong bản trình chiếu.

Sử dụng hợp lý một số phương pháp dạy học khi giảng bằng Power Point. Giáo viên vẫn dạy theo truyền thống, vẫn ghi bảng và khi cần đưa ví dụ hay đưa các hình ảnh, bảng đồ, thống kê... để học viên xem thì giáo viên mới dùng đến máy Projector. Nếu giáo viên kết hợp tốt giữa giáo án điện tử và ghi bảng (ghi lại tên bài, các mục của bài và tóm tắt ngắn gọn nội dung) thì việc giảng dạy sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Vì như đã nói ở trên nếu chúng ta chỉ sử dụng giáo án điện tử hoàn toàn, không dùng đến bảng, thì khi trình chiếu qua, học viên không còn lưu lại được gì và đôi khi họ chỉ thích nhìn việc trình chiếu mà không nắm trọng tâm bài học.

Giảng viên không nên trình bày nội dung tràn lấp đầy nền hình từ trên xuống từ trái qua phải, mà cần chừa ra khoảng trống đều hai bên và trên dưới theo tỷ lệ thích hợp (thường là 1/6), để đảm bảo tính mỹ thuật, sự sắc nét và không mất chi tiết khi chiếu lên màn. Quá trình giảng, đối với những slide có nội dung phức tạp, giảng viên nên giảng kỹ và dành thời gian vừa đủ để học viên có thể nắm kỹ nội dung đó, tránh việc chiếu nhanh qua một lần và không có gì lưu lại.

Nắm được kỹ năng sử dụng và khắc phục sự cố trình chiếu. Khi sử dụng, giảng viên có thể gặp phải những sự cố nhất định xuất phát từ một số nguyên nhân như: thứ tự các slide hiển thị trong nội dung giảng xuất hiện trên màn hình không đúng như giáo án đã chuẩn bị; màu sắc của các slide sau khi qua máy Projector không còn chuẩn, thường là mờ hơn màu ban đầu; sự không tương thích giữa máy tính và Projector; thiết đặt chế độ trình chiếu không đúng, góc chiếu... Vì vậy, trước khi tiến hành giảng dạy bằng giáo án điện tử, giáo viên cũng nên tìm hiểu qua một số cách khắc phục các sự cố thông thường./.


Các tin khác