Kế thừa và phát huy tư tưởng lập hiến của Hồ Chí Minh

Tư tưởng lập hiến là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống dân tộc và tinh hoa của tư tưởng lập hiến trên thế giới, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Với tính chất là hệ thống quan điểm toàn diện, sâu sắc về lập hiến kiểu mới ở Việt Nam, tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng cho việc xây dựng các bản hiến pháp dân chủ trong lịch sử hiện đại của dân tộc Việt Nam.

Là người lãnh đạo cách mạng, là người đứng đầu nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh đóng vai trò rất quan trọng chuẩn bị điều kiện cần thiết sự ra đời của các bản hiến pháp cũng như trực tiếp chỉ đạo xây dựng Hiến pháp 1946, 1959. Những quan điểm về lập hiến của Người được hiện thực hóa trong thực tiễn chỉ đạo cách mạng và xây dựng hai bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử dân tộc.

Ở Việt Nam, đầu thế kỉ XX, chủ nghĩa hiến pháp được du nhập vào Việt Nam với nhiều con đường khác nhau và được tiếp nhận bởi cả trí thức Nho học lẫn Tây học. Hồ Chí Minh đã sớm học tiếp nhận tư tưởng về độc lập, dân quyền, chính thể nhà nước; nhận thức những mặt tiến bộ và cả những mặt hạn chế hạn chế, để từ đó, tìm ra mô hình thích hợp nhất với Việt Nam.

Quá trình hình thành và phát triển tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh chia thành nhiều giai đoạn với hai thời kỳ chính. Thời kỳ trước năm 1945 là thời kỳ tiếp xúc, học hỏi tư tưởng lập hiến tiến bộ trên thế giới, hình thành những quan điểm cơ bản về vấn đề lập hiến. Thời kỳ từ năm 1945 đến năm 1969, tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh được hiện thực hóa và trong quá trình chỉ đạo xây dựng hiến pháp, Người đã có những sự bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước. Trên cương vị là Người chỉ đạo xây dựng hai bản Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh thể hiện rõ nét qua nội dung hai bản Hiến pháp này, đặc biệt là bản Hiến pháp 1946.

Hồ Chí Minh đã hình thành một hệ thống các luận điểm đúng đắn về vấn đề lập hiến ở Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận về lập hiến nói riêng, lý luận lập pháp nói chung.

Thứ nhất, Hồ Chí Minh đã bổ sung, phát triển trong nội dung hiến pháp về mô hình chính thể Nhà nước Dân chủ Cộng hòa. Hồ Chí Minh đã sáng tạo ra mô hình Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay còn gọi là Cộng hòa dân chủ nhân dân - mô hình Nhà nước phù hợp với tình hình hiện tại lúc bấy giờ và phù hợp với xu thế của thời đại. Chế độ Cộng hòa Dân chủ nhân dân - một thể chế chính trị hiện đại dựa trên hai nguyên lý Dân chủ và Cộng hòa được Hồ Chí Minh nhen nhóm ý tưởng từ những năm tháng ra đi tìm đường cứu nước và được đề cập trong bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử. Cốt lõi mô hình này thể hiện trong hiến pháp là xây dựng nhà nước dân chủ thực sự, nhà nước của dân, do dân, vì dân. Điều này thể hiện rõ trong quy định Hiến pháp 1946: “Nghị viện nhân dân” (tương tự như Quốc hội) là cơ quan tập trung quyền lực nhưng vấn đề mấu chốt là quyền phúc quyết của nhân dân. Mô hình nhà nước đó trong Hiến pháp mới nhất hiện nay, Hiến pháp 2013 vẫn tiếp tục được ghi nhận, bổ sung và phát triển.

Thứ hai, Hồ Chí Minh phát triển giá trị nhân văn trong lập hiến, trong đó nổi bật giá trị về quyền con người, quyền nghĩa vụ công dân phù hợp với điều kiện Việt Nam. Người phát triển giá trị nhân văn trong lập hiến, trong đó nổi bật là giá trị về quyền con người, gắn quyền con người với quyền dân tộc trong hiến pháp dân chủ, khẳng định chân lý của thời đại: quyền dân chủ cao nhất của nhân dân là quyền được sống tự do trong một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Việc khẳng định các giá trị về quyền tự nhiên cao quý của con người trong công tác lập hiến theo tư tưởng Hồ Chí Minh không thuần túy chỉ vì con người cá nhân hay một nhóm người, bó hẹp trong một giai cấp cụ thể. Đó là vì quyền lợi chính đáng của toàn thể nhân dân Việt Nam theo tinh thần “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” (Điều 1, Hiến pháp 1946) và Nhà nước bảo hộ quyền lợi chính đáng của Việt kiều (Điều 36, Hiến pháp 1959). Không chỉ giới hạn trong phạm vi quyền công dân, quyền con người của những con người trong một dân tộc, tư tưởng Hồ Chí Minh đã được mở rộng cho cả loài người tiến bộ, người nước ngoài đấu tranh cho tự do, chính nghĩa, cho hòa bình và cho sự nghiệp khoa học mà bị bức hại đều được nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa cho phép trú ngụ (Điều 16, Hiến pháp 1946 và Điều 37, Hiến pháp 1959). Hồ Chí Minh đạt đến chiều sâu giá trị nhân văn của chủ nghĩa cộng sản trong mục tiêu cao cả là giải phóng con người và vì hạnh phúc thực sự của con người.

Thứ ba, Hồ Chí Minh phát triển quan điểm về quyền dân tộc, về mối quan hệ dân tộc - dân chủ trong hiến pháp dân chủ. Hồ Chí Minh khẳng định và nhất quán quan điểm: phải có độc lập dân tộc mới có thể soạn thảo, ban hành bản hiến pháp của nhân dân và hiến pháp là văn kiện pháp lý khẳng định chủ quyền dân tộc. Chủ quyền và dân quyền là hai nội dung quan trọng của hiến pháp. Đó là hai mục tiêu Hồ Chí Minh luôn hướng tới trong suốt cuộc đời của mình, trong đó chủ quyền bao giờ cũng là vấn đề đặt lên trên hết, trước hết và đấu tranh giành chủ quyền cũng nhằm thực hiện dân quyền đầy đủ và triệt để nhất.

Từ nghiên cứu tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh đã gợi mở các vấn đề đối với việc tiếp tục, bổ sung hoàn thiện hiến pháp hiện nay ở một số điểm sau:

Thứ nhất, tiếp tục khẳng định và thực thi chủ quyền nhân dân với lập hiến. Chủ quyền nhân dân là một quan điểm, một nguyên tắc được tất cả các mô hình hiến pháp của nhân loại thừa nhận. Bởi vậy, việc tiếp tục khẳng định và đề cao chủ quyền nhân dân, khẳng định quyền lập hiến thuộc về tất cả nhân dân Việt Nam cũng như có cơ chế thực hiện quyền lập hiến của nhân dân một cách triệt để thông qua phúc quyết hiến pháp và quyết định mọi vấn đề quan trọng của đất nước như quan điểm Hồ Chí Minh là điều kiện tiên quyết xây dựng bản hiến pháp dân chủ, tiến bộ.

Thứ hai, bài học về tập hợp, sử dụng tầng lớp trí thức của dân tộc. Bản Hiến pháp 1946 là kết tinh của trí tuệ toàn dân tộc đặc biệt là của tầng lớp trí thức dưới sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh. Mặc dù hiến pháp không phải chỉ do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng, nhưng với tư cách Trưởng ban soạn thảo, Người đã thể hiện phẩm chất của một lãnh tụ khi biết tập hợp và sử dụng đội ngũ trí thức Việt Nam (đặc biệt là đội ngũ luật học, sử học và các khoa học xã hội khác được đào tạo ở Pháp). Có được điều đó, một phần lớn là do chính sách của Đảng và Chính phủ, của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nỗ lực xây dựng nền dân chủ và thực thi chính sách quý trọng, tín nhiệm đối với trí thức.

Thứ ba, thực hiện quy trình lập hiến dân chủ. Hiến pháp năm 1946 được đánh giá cao vì thủ tục xây dựng và nội dung của nó thể hiện tinh thần dân chủ cao độ, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của số đông, phù hợp với lợi ích lâu dài của toàn dân tộc. Tại diễn đàn Quốc hội thảo luận Hiến pháp 1946, đã liên tiếp diễn ra nhiều cuộc tranh luận thẳng thắn giữa các khuynh hướng chính trị khác nhau, nguyên tắc thảo luận tự do, bình đẳng trong Quốc hội đã phát huy tối đa. Bên cạnh đó, nhân dân được tạo điều kiện để đóng góp ý kiến ngay từ bản dự thảo ban đầu. Các tầng lớp nhân dân được tham gia đầy đủ, rộng khắp thông qua các diễn đàn, với  nhiều hình thức khác nhau. Kết quả của quá trình thảo luận dân chủ, thậm chí xung đột gay gắt ấy là trong điều kiện là mới giành độc lập, chúng ta đã có bản Hiến pháp được đánh giá là bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ nhất ở Đông Nam Á lúc bấy giờ.

Thứ tư, kế thừa, phát triển giá trị nhân loại trong điều kiện Việt Nam. Các bản Hiến pháp được soạn thảo dưới sự chỉ đạo của Người đã được tiếp thu có chọn lọc các bản hiến pháp tiên tiến, dân chủ trên thế giới bấy giờ và Việt hóa một cách tối đa cho phù hợp nước ta. Để xây dựng một bản hiến pháp dân tộc, dân chủ, Hồ Chí Minh không chỉ dựa vào các nhà nghiên cứu, các trí thức nổi tiếng mà Người đã trực tiếp nghiên cứu và tham khảo những văn bản tiêu biểu của nền lập pháp quốc tế; các tri thức tích lũy được trong những năm bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền độc lập. Hồ Chí Minh thâu thái lại, kết tinh những giá trị của nhân loại, của dân tộc, của bậc tiền nhân và trí thức cùng thời thành ý tưởng về bản hiến pháp của dân tộc Việt Nam. Đối với việc tiếp tục hoàn thiện nền lập hiến Việt Nam hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, dưới tác động của nhiều luồng tư tưởng khác nhau, rất cần sự chắt lọc thành quả của nhân loại và dân tộc, chuyển hóa phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước và phù hợp nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.

Thứ năm, tổ chức quyền lực nhà nước vừa đảm bảo nguyên tắc tập quyền, vừa sử dụng hợp lý yếu tố phân quyền nhằm xây dựng chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt của nhân dân. Phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước là một giá trị phổ quát trong tổ chức quyền lực, được Hồ Chí Minh đề cập đến từ những năm tháng đầu tiên xây dựng một nhà nước độc lập. Trong Hiến pháp 1946 tổ chức quyền lực dựa trên cơ sở quan điểm về sự thống nhất quyền lực, nhưng đã bảo đảm sự độc lập một cách tương đối của các nhánh quyền lực nhà nước, theo hướng tổ chức chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt, đề cao vai trò của người đứng đầu, nêu cao trách nhiệm của tất cả nhân viên Nhà nước. Chính phủ chịu trách nhiệm cao với nền hành chính, quản lý Nhà nước phải tập trung, có cơ chế đảm bảo quyền tự quản và bán tự quản. Ngoài các công việc địa phương phải xin phép Trung ương, chính quyền có quyền giải quyết các công việc khác của địa phương mình với điều kiện những quyết nghị ấy không trái với chỉ thị cấp trên. Đây chính là những bài học có giá trị cần được tiếp tục nghiên cứu để vận dụng phù hợp trong điều kiện hiện nay.

Thứ sáu, quan niệm về quyền con người và điều kiện đảm bảo thực thi quyền con người. Trước xu thế hội nhập toàn cầu và những thách thức phải đối diện trong thế kỷ XXI, những vấn đề như: ghi nhận và thực thi chủ quyền của nhân dân với quyền lập hiến, xây dựng nhà nước pháp quyền với các cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, xác lập một hệ thống các quyền cơ bản của công dân, lựa chọn cơ chế bảo hiến phù hợp sẽ vẫn là những vấn đề phải tiếp tục cần giải quyết của hiến pháp Việt Nam.

Các quan điểm về lập hiến Hồ Chí Minh đã được hiện thực hóa để xây dựng các bản hiến pháp dân tộc, trong việc xây dựng thể chế chính trị mới và thực hiện vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Nếu Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959 do chính Người chủ trì soạn thảo, mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, thì các Hiến pháp về sau, đặc biệt Hiến pháp 2013, ta thấy nhiều điểm bổ sung, phát triển những chế định của Hiến pháp 1946. Điều đó, chứng tỏ sức sống lâu bền của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh nói riêng. Trong việc thực thi Hiến pháp 2013 cũng như xây dựng nền pháp quyền hiện nay, việc tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thấu đáo và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh một cách hiệu quả, thiết thực luôn là yêu cầu cấp thiết với Đảng, với Nhà nước ta./.


Tài liệu tham khảo

1. Hoàng Chí Bảo (2011), Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chính thể dân chủ và nhà nước pháp quyền để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.

2. Hà thị Thùy Dương (2013). “Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề xây dựng Hiến pháp”, tạp chí Khoa học chính trị, (3), trang 15-18.

3. Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam (2006), NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.


Các tin khác