Một số vấn đề về thực hiện thí điểm mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân

Mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND được thực hiện theo chủ trương Nghị quyết số 22 - NQ/TW ngày 02/02/2008 của BCHTW Đảng (khóa X) về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên. Mô hình đã giúp đổi mới phương thức lãnh đạo cua Đảng, phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính Nhà nước và đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay.

Qua nghiên cứu thực tế ở những xã trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã thực hiện chủ trương này cho thấy có những ưu điểm và hạn chế từ việc thực hiện mô hình.

Trước hết, những ưu điểm do việc thực hiện chủ trương đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND đã góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, bởi lẽ bí thư vừa là người trực tiếp tiếp thu các chủ trương, nghị quyết của Đảng chính sách pháp luật của Nhà nước và của cấp ủy cấp trên, vừa là người trực tiếp chỉ đạo UBND, ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương. Vì vậy, các nhiệm vụ chính trị được thực hiện đồng bộ, linh hoạt kịp thời hơn, tạo sự thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của cấp ủy với chương trình hành động và việc triển khai tổ chức thực hiện của UBND. Vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và UBND tập trung vào một người, do vậy tạo được sự thống nhất cao trong hoạt động, bảo đảm mọi công việc, thông tin đến với cấp ủy là đến với UBND, khắc phục tình trạng thiếu thống nhất giữa chủ trương lãnh đạo và tổ chức thực hiện, tư tưởng trông chờ ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm giữa đồng chí bí thư cấp ủy và chủ tịch UBND, khắc phục được tình trạng mất đoàn kết giữa bí thư cấp ủy và chủ tịch UBND.

Tuy nhiên, thực hiện mô hình này vẫn có những hạn chế nhất định như đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND thường phải giải quyết nhiều công việc cụ thể của chính quyền, phải tham gia nhiều cuộc họp do cấp ủy, UBND cấp trên triệu tập. Do vậy, thời gian chăm lo công tác xây dựng đảng, xây dựng đoàn thể cũng như công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện còn ít, dễ dẫn đến tình trạng quan liêu bỏ sót việc, ảnh hưởng đến vai trò, chức năng lãnh đạo toàn diện của cấp ủy.

Việc chưa xác định rõ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và mối quan hệ công tác của đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND một cách đồng bộ, nên quá trình thực hiện nhiệm vụ còn lúng túng chưa phân định rõ khi nào ở “vai bí thư” với tư cách là người đứng đầu cấp ủy giải quyết công việc theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, khi nào ở “vai chủ tịch” UBND với tư cách người đứng đầu cơ quan hành chính cùng cấp thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định. Vì vậy, để khắc phục những hạn chế này cần phải thực hiện tốt các vấn đề sau:

Một là, sau khi thực hiện nhất thể hóa cấp ủy cần sớm ban hành và thực hiện nội dung quy chế làm việc. Trong quy chế phải làm rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân, xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn trách nhiệm mối quan hệ công tác của đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND, vấn đề phân quyền và ủy quyền nhằm hạn chế quá tải cho đồng chí bí thư cấp ủy trong giải quyết công việc hàng ngày và bảo đảm công việc không ách tắc khi đồng chí bí thư cấp ủy đi vắng.

Hai là, các đồng chí phó bí thư đảng ủy, phó chủ tịch UBND cấp xã có vai trò rất quan trọng, là người tham mưu giúp việc tích cực cho đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND trong quản lý, điều hành công tác Đảng, chính quyền và đoàn thể do đó phải chú ý lựa chọn những người có trình độ năng lực, nhiệt tình, trách nhiệm cao có khả năng điều hành thay thế khi đồng chí bí thư cấp ủy đi vắng.

Ba là, cần thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình, nhất là người đứng đầu, coi đây là phương pháp phát huy trí tuệ tập thể vừa là biện pháp ngăn chặn tình trạng độc đoán chuyên quyền. Đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND phải luôn nỗ lực cố gắng khẳng định vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đồng thời tôn trọng tiếp thu ý kiến của ban chấp hành, ban thường vụ, ý kiến đóng góp của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành.

Bốn là, cấp ủy cấp trên cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện của cấp ủy cấp dưới, kịp thời khắc phục những biểu hiện tiêu cực, gia trưởng, độc đoán, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng.

Năm là, việc thực hiện mô hình cần phải đồng bộ cả về khâu tổ chức bộ máy (thực hiện nhiệm vụ của cả cấp ủy và UBND đồng cấp), không đơn thuần là phép cộng cơ học về chức năng, nhiệm vụ của cả 02 chức danh - điều này cần sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương trên cơ sở tổng kết việc thực hiện thí điểm mô hình tại các địa phương./.


Các tin khác