Những thành công trong thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở tỉnh Bình Thuận

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái, có nhiều tiềm năng và lợi thế về nông, lâm nghiệp, khoáng sản, thủy điện, du lịch sinh thái,... và cũng là vùng đặc biệt khó khăn, thường xảy ra thiên tai. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, đề ra nhiều chủ trương, chính sách, xác định rõ những vấn đề ưu tiên để đảm bảo phát triển bền vững đối với khu vực này.

Để vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển bền vững trong thời gian tới, một đòi hỏi có tính cấp thiết là việc phát huy vai trò của khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Điều này được thể hiện rõ nét trong Quyết định số 1831/QĐ-TTg và Quyết định số 1747/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “về phê duyệt Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số”. Trong 10 năm qua (giai đoạn 2010 - 2020), Ủy Ban nhân dân tỉnh Bình Thuận luôn chú trọng triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật, chương trình về khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng.

Tỉnh Bình Thuận có 34 dân tộc thiểu số, với 101.733 khẩu/24.187 hộ; chiếm 8% dân số của tỉnh. Đồng bào dân tộc thiểu số cư trú rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh với hình thức cư trú phổ biến là sống xen kẽ; trong đó, các dân tộc Raglai, Cơ Ho, Chơ Ro sinh sống tập trung ở 11 xã (Phan Dũng thuộc huyện Tuy Phong; Phan Lâm, Phan Sơn, Phan Điền, Phan Tiến thuộc huyện Hàm Thuận Bắc; La Dạ, Đông Giang, Đông Tiến thuộc huyện Hàm Thuận Bắc; Mỹ Thạnh, Hàm Cần thuộc huyện Hàm Thuận Nam; La Ngâu thuộc huyện Tánh Linh) và 20 thôn xen ghép; dân tộc Chăm cư trú tập trung ở 04 xã (Phan Thanh, Phan Hiệp, Phan Hòa thuộc huyện Bắc Bình; xã Phú Lạc thuộc huyện Tuy Phong) và 09 thôn xen ghép ở ven các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ; dân tộc Tày, Nùng, Hoa chủ yếu sống ở 02 xã (Hải Ninh, Sông Lũy thuộc huyện Bắc Bình) và 02 thôn xen ghép. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán, lễ hội riêng, tạo nên sự phong phú, đa dạng trong nền văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Qua 10 năm triển khai thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình về khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng, kết quả trên địa bàn tỉnh đã triển khai 131 đề tài, dự án các cấp với mức huy động được 33.537 triệu đồng từ các nguồn ngân sách tham gia nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh, trong đó có 43 đề tài, dự án phục vụ khát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi với kinh phí 10.987 triệu đồng ngoài ngân sách tham gia các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ , ngoài ngân sách nhà nước còn có sự tham gia của các nguồn lực xã hội. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tỉnh ngày càng được cải thiện, phát triển so với trước. Sản xuất ngày càng ổn định; đồng bào đã chuyển từng bước từ tập quán sản xuất lạc hậu, độc canh sang áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Thay đổi dần tập quán sản xuất cũ, cải thiện đất canh tác và môi trường sinh thái nông nghiệp, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Kinh tế nông nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục phát triển ổn định; cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển dịch theo hướng tích cực; từng bước xác lập một số loại cây trồng phù hợp, năng suất, sản lượng và hiệu quả ngày càng tăng.

Kết quả thực hiện Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi theo Quyết định số 1831/QĐ-TTg, giai đoạn (2011 - 2015): Tổng số dự án thuộc Chương trình thực hiện trên địa bàn tỉnh có 06 dự án, tổng kinh phí 7.900.000.000 đồng, gồm các dự án: Dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng và phát triển mô hình sản xuất rau trên đất cát nhằm góp phần giải quyết tình trạng thiếu rau của huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận; Dự án Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước vào sản xuất nông nghiệp tại huyện Bắc Bình và Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận; Dự án Ứng dụng công nghệ thu trữ nước mưa, xây dựng mô hình nông - lâm nghiệp kết hợp thủy lợi tại vùng đất cát khô hạn ven biển tỉnh Bình Thuận; Dự án Xây dựng mô hình chăn nuôi bò, heo và gà thịt an toàn sinh học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận; Dự án Xây dựng mô hình nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô và trồng thâm canh chuối già lùn tại tỉnh Bình Thuận; Dự án Xây dựng mô hình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh trên nền than bùn và phụ phẩm nông nghiệp tại tỉnh Bình Thuận.

Kết quả thực hiện Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi theo Quyết định số 1747/QĐ-TTg, giai đoạn (2016 - 2020): Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã và đang triển khai 04 dự án, tổng kinh phí 13.400.000.000 đồng, gồm các dự án: Dự án Xây dựng mô hình xử lý nước nhiễm phèn phục vụ sinh hoạt cho các vùng bị tác động của biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến nguồn nước ở các địa phương trong tỉnh Bình Thuận; Dự án Xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp cây điều bền vững tại tỉnh Bình Thuận; Dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sản xuất thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh gout từ loài địa y Roccella Montagnei trên địa bàn huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận; Dự án Xây dựng mô hình nhân giống dê lai và nuôi thương phẩm dê lai phù hợp với điều kiện tỉnh Bình Thuận.

Bên cạnh những kết quả đạt được từ các dự án của Chương trình, trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn qua vẫn còn tồn tại một vài khó khăn như: Việc quán triệt, thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi có lúc, có nơi chuyển biến chưa đều, chưa rõ, chưa coi trọng công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; việc triển khai, cụ thể hóa các chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi có nơi chưa sát hợp với tình hình thực tế địa phương, hiệu quả chưa cao; sản xuất nông nghiệp phát triển chậm và chưa đều giữa các nơi trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn, mức độ tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ của đồng bào nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn.

Vì vậy, trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo tinh thần Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/02/2020 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, thiết nghĩ, Ủy Ban nhân dân và các sở, ban ngành của tỉnh Bình Thuận cần thực hiện các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, Ủy ban nhân dân tinh cần xem xét ưu tiên phân bổ nguồn vốn một cách hợp lý để thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số.

Thứ hai, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Ban Dân tộc… tăng cường chỉ đạo công tác đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Đồng thời, hàng năm mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số ở huyện, thị trấn của tỉnh.

Thứ ba, tuyên truyền trong nhân dân về tầm quan trọng của khoa học công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số; phát huy vai trò của nhân dân, của xã hội hóa trong hoạt động khoa học công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số.

Hiện nay, tại tỉnh Bình Thuận, nhiều mô hình đã được áp dụng vào thực tiễn, là minh chứng điển hình cho những thành tựu của hoạt động khoa học và công nghệ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh nhà trong thời gian qua. Các hoạt động khoa học và công nghệ không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh nói chung mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng./.


Các tin khác