Trong hành trình ra đi tìm đường cứu nước, khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, dưới ánh sáng của cách mạng Tháng Mười Nga, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[1]; “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”[2]. Ngay khi thành lập năm 1930, trong Chánh cương vắn tắt, Đảng đã chỉ rõ chủ trương: “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[3]. Sự lựa chọn của Đảng dựa trên cơ sở mối quan hệ mật thiết, biện chứng giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Trước hết, độc lập dân tộc là mục tiêu, là cơ sở, tiền đề để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh cho rằng, cách mạng Việt Nam phải trải qua hai giai đoạn: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hai giai đoạn ấy không có bức tường ngăn cách, mà gắn bó chặt chẽ với nhau. Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân có hai nhiệm vụ chiến lược: chống thực dân xâm lược và chống địa chủ, phong kiến. Nhiệm vụ dân tộc và dân chủ quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó nhiệm vụ giải phóng dân tộc đặt lên trên hết, trước hết. Nhiệm vụ dân chủ cần thực hiện từng bước và phải phục tùng sự nghiệp giải phóng dân tộc. Độc lập dân tộc bao gồm cả nội dung dân tộc, dân chủ. Không phải bất kỳ độc lập dân tộc nào cũng tạo cơ sở, tiền đề để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Theo Hồ Chí Minh, để tạo cơ sở, tiền đề cho việc tiến lên chủ nghĩa xã hội, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân phải được thực hiện một cách triệt để, "đến nơi". Đó là một nền độc lập thực sự, độc lập hoàn toàn không lệ thuộc vào bất cứ lực lượng nào cả về đối nội, lẫn đối ngoại.
Ngược lại, chủ nghĩa xã hội chính là con đường bảo vệ và phát triển thành quả của độc lập dân tộc. Bản chất của chủ nghĩa xã hội là thực hiện triệt để giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Chủ nghĩa xã hội sẽ xóa bỏ triệt để chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, là nguồn gốc sinh ra tình trạng người bóc lột người, xác lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu, cơ sở kinh tế đảm bảo cho nhân dân lao động thoát khỏi đói nghèo, hướng tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, tạo điều kiện giải phóng và phát triển con người toàn diện. Chỉ với chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc mới thực sự phục vụ lợi ích và quyền lực của mọi người lao động, làm cho họ có cuộc sống vật chất ngày càng đầy đủ và cuộc sống tinh thần ngày càng phong phú. Chính điều đó làm cho nền tảng của sự độc lập tự chủ càng thêm vững chắc, khả năng bảo vệ nền độc lập dân tộc càng đầy đủ và mạnh mẽ. Sự phát triển thực chất và bền vững của độc lập dân tộc được đo bằng những khả năng và điều kiện bảo đảm cho dân tộc thoát khỏi tình cảnh nô lệ, phụ thuộc, bị áp bức bóc lột và nô dịch. Nó cũng bảo đảm cho dân tộc vượt qua tình trạng đói nghèo, lạc hậu và tụt hậu trong tương quan với các dân tộc khác trong thế giới và ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Toàn bộ khả năng và điều kiện bảo đảm đó chỉ có thể được tìm thấy và giải quyết bằng con đường phát triển chủ nghĩa xã hội.
Từ khi Đảng thành lập đến nay, về cơ bản mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã được nhận thức và giải quyết đúng đắn. Tuy vậy, Đảng có lúc đã phạm sai lầm như chưa đánh giá đúng yếu tố dân tộc, quan niệm chưa thực sự đúng đắn, khoa học về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Song từ khi xác định đúng mô hình chủ nghĩa xã hội theo tư duy đổi mới, Đảng đã lãnh đạo nhân dân giành được nhiều thành tựu quan trọng, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, chúng ta đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như: những hạn chế, yếu kém trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trong công tác xây dựng Đảng; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên... Trong khi đó, trên bình diện quốc tế, vấn đề xung đột sắc tộc, tôn giáo, tình trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên, nhất là vấn đề tranh chấp Biển Đông đang diễn biến phức tạp. Các thế lực phản động đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, lợi dụng mạng xã hội kích động chống phá công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Trong bối cảnh đó, hơn bao giờ hết, bài học phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội càng phải được thấm nhuần, chủ động và kiên trì thực hiện.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 đã tổng kết một trong những bài học kinh nghiệm rút ra sau hơn 60 năm cách mạng Việt Nam đó là: nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định bài học ấy: "Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau"[4].
Để giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong quá trình đổi mới, trước hết phải củng cố và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Thường xuyên quan tâm chỉnh đốn Đảng để ngang tầm với công cuộc đổi mới, sao cho Đảng thực sự là điều kiện tiên quyết trong việc giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất đạo đức và năng lực; đổi mới phương thức lãnh đạo, thường xuyên tự phê bình và phê bình; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ và kỷ luật nghiêm minh để nâng cao sức chiến đấu của Đảng nhằm đáp ứng yêu cầu lãnh đạo và sự tín nhiệm của nhân dân.
Trong mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ xây dựng phải ở vị trí ưu tiên; xây dựng phải được xác định là cơ sở của bảo vệ. Theo đó, xây dựng đất nước phát triển bền vững, khắc phục những yếu kém, suy thoái, chệch hướng, tụt hậu là tạo điều kiện vững chắc cho bảo vệ. Độc lập dân tộc chỉ được củng cố khi các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh phát triển vững mạnh, đủ sức đẩy lùi những thế lực chống đối từ bất cứ hướng nào. Phát triển kinh tế - xã hội không chỉ đáp ứng nhu cầu kinh tế - xã hội, dân sự, dân sinh mà còn phải đáp ứng nhu cầu quốc phòng, an ninh. Củng cố, xây dựng quốc phòng, an ninh không chỉ phục vụ bảo vệ Tổ quốc mà còn phải phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, theo yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội.
Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong thời đại ngày nay cũng phải hết sức quan tâm đến mối quan hệ giữa chính trị với kinh tế, văn hóa, xã hội; đổi mới kinh tế, xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gắn liền với đảm bảo vai trò quản lý của Nhà nước; tăng trưởng kinh tế đi đôi với công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, sinh thái; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng những quan hệ xã hội lành mạnh; kết hợp chặt chẽ đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, xử lý đúng đắn mối quan hệ này là điều kiện cơ bản để giữ vững sự ổn định chính trị.
Để giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cần hết sức coi trọng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện dân chủ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội mà cốt lõi là xây dựng Nhà nước pháp quyền, nhà nước của dân, do dân, vì dân chứ không phải “đứng trên dân”. Xử lý nghiêm minh đối với tệ tham nhũng, bệnh quan liêu, bệnh hình thức của bộ máy Đảng và Nhà nước. Giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng làm cơ sở cho khối đại đoàn kết toàn dân. Quan tâm giữ vững sự ổn định chính trị từ gốc, từ bên trong, đồng thời hết sức cảnh giác với những luận điệu chống phá, cùng với thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Với những thành quả của cách mạng Việt Nam trong hơn 90 năm qua, có thể khẳng định: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là con đường phát triển tất yếu, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng, của Bác Hồ và Nhân dân ta./.
[1] Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb.CTQG, Hà Nội, 2011, tập 12 tr. 30
[2] Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 1, tr.128
[3] Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb, CTQG, Hà Nội, 2011, t.3, tr.1
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.65.