Đóng góp to lớn về tư tưởng của Ph.ăng ghen đối với nhân loại và cách mạng Việt Nam

Ph.Ăng ghen (1820 - 1895) là người bạn, người đồng chí thân thiết của C.Mác, người đã cùng Mác sáng lập học thuyết Mác - học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân lao động trên toàn thế giới. Ông đã để lại cho nhân loại ngày nay một kho tàng lý luận về triết học Mác-xít, về kinh tế chính trị Mác-xít, về chiến lược và sách lược của cuộc đấu tranh giải phóng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

Sinh thời, Ph.Ăng ghen rất khiêm tốn, luôn tự nhận mình là “cây vĩ cầm thứ hai bên cạnh Mác”, nhưng những cống hiến to lớn về tư tưởng của Ph.Ăng ghen đã được C. Mác ghi nhận là một khối óc sắc sảo, một pho bách khoa toàn thư. V.I. Lênin khẳng định: “Muốn đánh giá đúng đắn những quan điểm của Mác, tuyệt đối phải đọc những tác phẩm của người cùng tư tưởng và người cộng tác gần gũi nhất của Mác là Phri-đrích Ăng-ghen. Không thể nào hiểu được chủ nghĩa Mác và trình bày đầy đủ được chủ nghĩa Mác, nếu không chú ý đến toàn bộ những tác phẩm của Ăng-ghen”[1]. Hàng loạt các tác phẩm do Ph.Ăng ghen viết riêng cũng như viết chung với C. Mác đã thể hiện được ý nghĩa thời đại, đòi hỏi những người cộng sản phải luôn luôn vận dụng sáng tạo đồng thời phát triển những tư tưởng đó trước thay đổi của thời đại mới.

Những giá trị to lớn soi sáng thời đại đó của Ph.Ăng ghen được thể hiện ở một số điểm sau:

Thứ nhất, Ph.Ăng ghen đã cùng với C. Mác xây dựng, tạo lập nền tảng tư tưởng và hoàn thiện lý luận cho học thuyết cách mạng.

Toàn bộ học thuyết của C. Mác và Ph.Ăng ghen là kết quả của quá trình nghiên cứu khoa học rất nghiêm túc và đồ sộ, giải đáp được nhiều vấn đề mà nhân loại đặt ra. Kế thừa những trào lưu tư tưởng tốt đẹp nhất của loài người đến thế kỷ XIX (triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị tư sản cổ điển Anh và chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp) và tổng kết thực tiễn trong thời đại mình, Ph.Ăng ghen cùng C. Mác đã sáng tạo ra một học thuyết hoàn chỉnh, chặt chẽ và chính xác, trong đó tính khoa học thống nhất với tính cách mạng triệt để. Công lao vĩ đại của C.Mác và Ph.Ăng-ghen, đó là:

C. Mác và Ph.Ăng ghen đã cùng nhau bảo vệ và phát triển triết học duy vật, sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, mở ra một bước ngoặt căn bản trong triết học, cung cấp cho loài người một cách nhìn mới mẻ, một vũ khí sắc bén để nhận thức và cải tạo thế giới. Chủ nghĩa duy vật lịch sử của C. Mác là thành quả vĩ đại của tư tưởng khoa học, đã phát hiện ra tính quy luật của sự phát triển xã hội và tính tất yếu của sự chuyển biến từ hình thái kinh tế - xã hội này sang hình thái kinh tế - xã hội khác cao hơn.

Hai ông đã dựa vào kinh tế chính trị học cổ điển Anh, tạo ra một học thuyết kinh tế mới, đem lại một cuộc cách mạng thực sự trong kinh tế chính trị học. Với việc tìm ra quy luật giá trị thặng dư, C. Mác đã tìm ra những phương thức bóc lột tư bản chủ nghĩa, luận chứng một cách có căn cứ khoa học về sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản và sự ra đời của một hình thái kinh tế - xã hội mới, đó là hình thái kinh tế xã hội cộng sản chủ nghĩa.

Đồng thời, qua việc phân tích, mổ xẻ chủ nghĩa tư bản, C. Mác và Ph.Ăng ghen đã phát hiện ra những quy luật vận động và phát triển của nó, trên cơ sở đó dựa vào sự phát triển của xã hội tương lai, chỉ ra lực lượng xã hội có khả năng trở thành người sáng tạo xã hội mới là giai cấp công nhân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Giai cấp công nhân phải tiến hành một cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ để lật đổ chủ nghĩa tư bản. Đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của xã hội có giai cấp.

Thứ hai, cống hiến của Ph.Ăng ghen trong học thuyết giá trị thặng dư – phát hiện vĩ đại thứ hai của học thuyết Mác

Qua các công trình đầu tay: Lược khảo phê phán khoa kinh tế chính trị; Tình cảnh giai cấp công nhân Anh, cùng những bài viết về kinh tế, chính trị, xã hội của nước Anh lúc bấy giờ, Ph.Ăng ghen đã bác bỏ những quan điểm lý luận tôn sùng chế độ tư hữu nói chung, chế độ sở hữu tư sản nói riêng, vạch trần bí mật của chế độ bóc lột, áp bức, chế độ cạnh tranh vô chính phủ, nạn khủng hoảng và thất nghiệp, nạn bần cùng đói khổ, địa vị kinh tế - xã hội của giai cấp công nhân trong xã hội tư bản. Ông truy tìm nguyên nhân sâu xa của những tệ nạn xã hội, những nỗi thống khổ của giai cấp công nhân, đó là chế độ sở hữu tư nhân tư sản.

Với những phát hiện và những tư tưởng, quan điểm thể hiện trong các công trình nghiên cứu ngay từ thời gian đầu của Ph.Ăng ghen, như C. Mác nhận xét, đã gợi mở và tạo cảm hứng cho C. Mác một hướng nghiên cứu mới, đúng đắn về xã hội tư bản, hướng nghiên cứu chuyển từ triết học và luật học sang nghiên cứu kinh tế chính trị học. Cũng chính từ đây, quy luật giá trị thặng dư – quy luật tuyệt đối của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa được C. Mác phát hiện, góp phần trang bị cho giai cấp công nhân vũ khí lý luận sắc bén trong công cuộc đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản.

Thứ ba, cống hiến đặc sắc của Ph.Ăng ghen trong việc phát hiện sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân - phát hiện vĩ đại thứ ba của học thuyết Mác.

Từ bỏ vị trí xuất thân của mình, Ph.Ăng ghen đã lăn lộn, gắn bó với phong trào công nhân, với tấm lòng trung thành vô hạn và lập trường kiên định, với trí tuệ thiên tài và sự mẫn cảm về chính trị, Ph.Ăng ghen đã quan sát, cảm nhận trực tiếp nhu cầu bức thiết của một giai cấp bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất trong xã hội tư bản và phát hiện ra lực lượng xã hội có vai trò chủ đạo trong cuộc đấu tranh nhằm xóa bỏ áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa cộng sản - đó là giai cấp công nhân.

Cùng với C. Mác, Ph.Ăng ghen không chỉ phát hiện ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, theo V.I. Lênin đó là “điểm trọng yếu trong học thuyết Mác” mà còn góp phần vạch ra vai trò của đội tiền phong (chính đảng) của giai cấp công nhân. Ph.Ăng ghen luôn luôn gắn lý luận và thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân vừa với tư cách nhà bác học, vừa với tư cách người thầy của giai cấp công nhân thế giới. Ông đã cống hiến toàn bộ nghị lực phi thường, trí tuệ uyên bác và trái tim nồng nhiệt của mình cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, sự nghiệp xây dựng và củng cố các đảng của giai cấp vô sản.

Thứ tư, Ph.Ăng ghen luôn luôn bảo vệ, phát triển bổ sung chủ nghĩa Mác, làm cho chủ nghĩa Mác luôn luôn có giá trị khoa học và cách mạng.

Ý nghĩa thời đại lớn nhất của học thuyết Mác là giá trị khoa học và cách mạng giúp giai cấp công nhân và các Đảng Cộng sản, đảng công nhân có được thế giới quan và phương pháp luận khoa học. Chính Ph.Ăng ghen với tư tưởng lỗi lạc của mình đã luôn luôn tiên phong trong cuộc đấu tranh để bảo vệ và phát triển, bổ sung thường xuyên chủ nghĩa Mác, khẳng định chân giá trị nhiều nguyên lý lý luận soi sáng cho cách mạng thế giới, đồng thời đấu tranh không khoan nhượng chống lại những luận điểm thù địch chống đối chủ nghĩa Mác.

Với tinh thần cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác, Ph.Ăng-ghen nêu lên một luận điểm nổi tiếng: “Chủ nghĩa xã hội từ khi trở thành khoa học, đòi hỏi phải được đối xử như là một khoa học”. Ông đấu tranh không mệt mỏi để chống lại khuynh hướng phản khoa học và không tưởng trong phong trào công nhân, từ chủ nghĩa cộng sản không tưởng của Vai-tơ-rinh, chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản của Pru-đông, đến chủ nghĩa vô Chính phủ của Ba-cu-nin, từ chủ nghĩa của người trong Đảng xã hội dân chủ Đức; chống lại các trào lưu phi vô sản như chủ nghĩa Sô-vanh, chủ nghĩa cơ hội “hữu” khuynh và “tả” khuynh; chống lại những khuynh hướng cải lương và biệt phái, những âm mưu chia rẽ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Với những đóng góp to lớn đó của Ph.Ăng ghen, V.I. Lênin đã viết: “Sau bạn ông là C.Mác, Ph.Ăng-ghen là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh”[2].

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định “Đảng lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”[3]. Đây là một nguyên tắc trong Cương lĩnh chính trị của Đảng ta. Vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, trong đó có những giá trị tư tưởng của Ph.Ăng ghen vào điều kiện cụ thể nước ta, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước quá độ lên CNXH. Qua gần 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng rõ hơn. Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của dân tộc ta, là lựa chọn đúng đắn của Đảng ta, của nhân dân ta, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.

Đúng như C. Mác đã đánh giá: Ph.Ăng ghen là một trong những đại biểu xuất sắc nhất của chủ nghĩa xã hội hiện đại, những tư tưởng của Ph.Ăng ghen về chủ nghĩa xã hội đã được Đảng và Nhà nước ta vận dụng thành công trong giải quyết một loạt vấn đề: đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết dân tộc; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện công bằng xã hội, bình đẳng nam nữ và giữa các sắc tộc, dân tộc; tự do tín ngưỡng, tôn giáo… góp phần thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trong giai đoạn hiện nay, khi tình hình thế giới hết sức phức tạp, nhạy cảm, khi sự nghiệp đổi mới đi vào chiều sâu, nhiều vấn đề mới mẻ về lý luận và thực tiễn đặt ra, cần phải làm rõ và còn nhiều ý kiến khác nhau thì yêu cầu đặt ra là phải nắm vững phương pháp luận duy vật biện chứng, lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn đánh giá, phát huy dân chủ rộng rãi, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng sẽ giúp chúng ta tránh được những sai lầm, khuyết điểm. Trong lãnh đạo, chỉ đạo có lúc cũng phạm sai lầm, khuyết điểm; có những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng do giáo điều, chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan. Do đó mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm, tự đổi mới, tự chỉnh đốn để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên, phải thường xuyên bổ sung, phát triển lý luận, đổi mới nhận thức, phương pháp, cách làm để đạt được mục tiêu đề ra trong tình hình mới./.


[1]. V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M.1980, t.26, tr.110.

[2]. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.3.

[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.88.


Các tin khác