Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 - bài học đối với Cách mạng Việt Nam

Cách mạng Tháng Mười Nga là một sự kiện có ý nghĩa, tầm vóc lịch sử vĩ đại, để lại những dấu ấn không thể phai mờ, ấn định cả chiều hướng phát triển của xã hội loài người, mang một sức sống bất diệt và mở ra một thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới; thời đại nảy sinh, phát triển những tư tưởng và sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động, giải phóng các dân tộc bị áp bức.

Nếu như Cách mạng Tháng Mười Nga là bài ca chiến thắng, là niềm tự hào bất tận của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới; thì đối với nhân dân Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười Nga không chỉ là tấm gương sáng mà còn để lại những kinh nghiệm quý báu cho phong trào cách mạng ở Việt Nam. Điều này, được bắt đầu từ khi Nguyễn Ái Quốc tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Người Việt Nam đầu tiên ấy đã tìm hiểu một cách sâu sắc ý nghĩa lịch sử toàn thế giới của Cách mạng Tháng Mười và đem điều đó nói rõ với nhân dân ta. Người đã khẳng định Cách mạng Tháng Mười như mặt trời chói lọi, chiếu sáng năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất; và trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như Cách mạng Tháng Mười Nga.

Trong bài viết “Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc” (tháng 11-1967), Bác chỉ rõ sáu bài học lớn mà cách mạng Việt Nam được kế thừa từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga:

Thứ nhất, “Cần có sự lãnh đạo của đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Chỉ có sự lãnh đạo của một đảng biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước mình thì mới có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng xã hội chủ nghĩa đến thành công”[1]. Vai trò lãnh đạo của Đảng đã được Mác, Ăng ghen, Lênin khẳng định và trong Cách mạng Tháng Mười Nga, Lênin đã vận dụng rất thành công. Nhận thức về vấn đề này, ngay từ tác phẩm “Đường cách mệnh” (1927), Người đã chỉ rõ: “Trước hết phải có đảng cách mệnh để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với vô sản giai cấp và bị áp bức dân tộc mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”[2]. Từ đó cho thấy, Bác đã đánh giá rất cao về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, không những đối với Cách mạng Tháng Mười Nga mà còn đối với cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng XHCN thế giới. Bài học về vai trò lãnh đạo của Đảng đã được Người vận dụng một cách tài tình vào Việt Nam, và Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã chứng tỏ sự sáng tạo của Người trong việc kết hợp 3 nhân tố: chủ nghĩa Mác-Lênin, phong trào công nhân, phong trào yêu nước. Nó chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước và là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Thứ hai, Thực hiện cho được liên minh công nông. Cách mạng Tháng Mười Nga chỉ ra rằng cách mạng XHCN sẽ không thể nổ ra và thắng lợi, nếu không thực hiện được liên minh công nông vững chắc dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Chỉ có khối liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo mới có thể kiên quyết và triệt để đánh đổ các thế lực phản cách mạng, giành lấy và củng cố chính quyền nhân dân lao động, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của cách mạng dân tộc, dân chủ tiến lên CNXH”[3]. Vận dụng bài học này vào Việt Nam, Bác của chúng ta đã rất thành công khi xác định lực lượng cách mạng. Người đã vận động tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân Việt Nam, thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất để huy động sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân; trong đó, công - nông đóng vai trò chủ đạo.

Thứ ba, “Trong cuộc đấu tranh gian khổ chống kẻ thù của giai cấp và dân tộc, cần dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền”[4]. Kinh nghiệm Cách mạng Tháng Mười Nga chỉ ra rằng sự tất yếu dùng bạo lực cách mạng đối với giai cấp bóc lột không chỉ xuất phát từ đặc điểm bên trong của cuộc đấu tranh giai cấp vì dân chủ và CNXH, mà nó cũng được quyết định bởi hoàn cảnh quốc tế, những điều kiện của cuộc đấu tranh giai cấp gay gắt trên vũ đài quốc tế. Và đối với những người mác-xít, sử dụng bạo lực cách mạng khi cần thiết nhưng không có nghĩa là tuyệt đối hóa mặt bạo lực. Vì đối với họ, bạo lực không phải là mục đích. Bài học phương pháp bạo lực cách mạng từ Cách mạng Tháng Mười Nga đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng trong phương pháp bạo lực cách mạng, trong nghệ thuật chớp thời cơ lãnh đạo toàn dân tộc làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 – cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản lãnh đạo giành chính quyền về tay nhân dân ở một nước thuộc địa.

Thứ tư, Không ngừng tăng cường và củng cố nền chuyên chính vô sản. Vấn đề chuyên chính vô sản là nội dung chủ yếu của cách mạng vô sản. Kinh nghiệm Cách mạng Tháng Mười Nga đã chỉ ra: giai cấp vô sản không thể sử dụng bộ máy nhà nước cũ để xây dựng CNXH mà cần phải đạp tan nó đi và thay đổi bằng bộ máy nhà nước mới. Nhận thức rõ vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Sau khi đã giành được chính quyền, thì nhiệm vụ hàng đầu của giai cấp công nhân là phải tăng cường nền chuyên chính vô sản để hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của cách mạng, triệt để xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xây dựng các quan hệ sản xuất XHCN, xây dựng CNXH để tiến tới CNCS”[5]. Bài học này đã được Người vận dụng thành công vào cách mạng Việt nam, điển hình như: sau cách mạng Tháng Tám (1945), Người đã lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ  chính quyền cách mạng (1945-1946) - công cụ thực hiện chuyên chính vô sản.

Thứ năm, “Tinh thần cách mạng triệt để, luôn luôn giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không sợ gian khổ hy sinh, kiên quyết tranh đấu đến cùng vì độc lập dân tộc và CNXH”[6]. Đây là một trong những bài học thành công của Cách mạng tháng Mười Nga. Bài học học này chỉ ra rằng: chỉ có cách mạng XHCN mới có khả năng kiên định và tiến hành đến cùng những biến đổi dân chủ cách mạng, thủ tiêu mọi tàn dư phong kiến, ách áp bức dân tộc, địa vị bất bình đẳng của phụ nữ… Và kinh nghiệm này cũng chỉ rõ: để củng cố những cải cách dân chủ đó cách mạng cần tiến xa hơn nữa trên con đường biến đổi XHCN. Vận dụng bài học học này vào Việt Nam, theo Bác, “tinh thần cách mạng triệt để”, đó là chính quyền thuộc về tay đại đa số quần chúng nhân dân lao động. Nếu chính quyền còn nằm trong tay “một bọn ít người” - bọn tư bản, thì cách mạng không triệt để, “chưa đến nơi”. Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh tính triệt để của một cuộc cách mạng còn thể hiện ở chỗ: giải phóng nhân dân lao động khỏi ách áp bức, bóc lột một cách triệt để và đem lại hạnh phúc, tự do và bình đẳng thực sự cho họ.

Thứ sáu, “Kết hợp chặt chẽ lòng yêu nước với tinh thần quốc tế vô sản trong cách mạng giải phóng dân tộc cũng như cách mạng XHCN”[7]. Bài học này được chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng một cách nhuần nhuyễn vào cách mạng Việt Nam. Trong quá trình tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong cách mạng XHCN, một mặt chúng ta tranh thủ sự đồng tình ủng hộ và sự giúp đỡ của nhân dân, các nước yêu chuộng hòa bình trên thế giới; mặt khác, chúng ta cũng đã thực hiện tốt nghĩa vụ quốc tế với các nước anh em (Lào, Campuchia, Trung Quốc…) và thế giới. Từ chính thực tiễn phong trào cách mạng của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Trong thời đại ngày nay cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản trong phạm vi toàn thế giới… Thắng lợi của cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, tự do của các dân tộc phải gắn liền với sự ủng hộ và sự giúp đỡ tích cực của phe XHCN, của phong trào công nhân ở các nước TBCN”[8].

Hiện nay, mặc dù, tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp và chứa đựng những yếu tố khó lường, nhưng những bài học của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn giữ nguyên giá trị, tính chiến đấu thời sự của nó vẫn rất nóng bỏng, cấp thiết. Các bài học trên, đến nay, vẫn luôn tỏa sáng, soi đường, dẫn lối cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đẩy mạnh công cuộc CNH - HĐH và hội nhập quốc tế, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu cao cả của dân tộc Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.


[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr. 302.

[2] Sđd, tập 12, tr. 303-304.

[3] Sđd, T12, tr304

[4] Sđd, T12, tr304

[5] Sđd, T12, tr305

[6] Sđd, T12, tr305

[7] Sđd, T12, tr305

[8] Sđd, T12, tr304-305.


Các tin khác