Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến - lời hiệu triệu sức mạnh của toàn dân tộc

Cách đây 74 năm, ngày 19/12/1946, với khát vọng bảo vệ nền độc lập, tự do cho đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Đó là một áng hùng văn thể hiện tinh thần thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Năm tháng đã đi qua nhưng từng câu từ hào hùng của Lời kêu gọi ấy vẫn còn mãi với thời gian, để lại cho sự nghiệp cách mạng của đất nước ta những bài học hết sức quý báu, có ý nghĩa thiết thực đối với công cuộc đổi mới đất nước hiện nay. Một trong số đó là bài học quy tụ, tập hợp và phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc.

Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 của nhân dân ta giành thắng lợi đã chấm dứt chế độ thực dân và phong kiến ở nước ta, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, chỉ sau ba tuần sau ngày tuyên bố độc lập, thực dân Pháp đã nổ súng xâm lược ở Nam Bộ. Chính phủ ta đã nhân nhượng và ký với Chính phủ Pháp Hiệp định sơ 6/3 và Tạm ước 14/9 nhưng với âm mưu cướp nước ta một lần nữa, thực dân Pháp ngày càng thực hiện nhiều hành động quân sự của chúng đối với đất nước ta. Trước tình hình hết sức căng thẳng và gấp rút, ngày 18 và 19/12/1946, tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì. Để hiệu triệu toàn dân đứng lên chống Pháp và để có đường lối chung chỉ đạo thực tiễn, Hồ Chủ tịch đã thay mặt Trung ương Đảng, thay mặt Chính phủ viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Trong cuộc họp chiều ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Hội nghị đóng góp ý kiến cho văn bản Người đã soạn thảo. Vào lúc 20 giờ ngày 19/12/1946, tiếng đại bác từ pháo đài Láng hiệu lệnh toàn quốc kháng chiến được phát ra, cuộc kháng chiến chống xâm lược bùng nổ trên phạm vi cả nước. Sáng sớm ngày 20/12/1946, qua sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi cả nước với quyết tâm cao độ là đánh thắng giặc Pháp xâm lược, bảo vệ Tổ quốc.

Trên cơ sở kế thừa truyền thống quý báu của dân tộc về phát huy sức mạnh của toàn thể nhân dân trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đồng thời vận dụng một cách sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin về cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân vào điều kiện thực tế của cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy và phát huy sức mạnh vô tận của quần chúng nhân dân, từ đó tạo thành sức mạnh tổng hợp đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, viết nên những trang sử hào hùng, oanh liệt của dân tộc. Và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đã trở thành biểu tượng của việc khơi dậy và phát huy sức mạnh của toàn dân tộc trong thời đại mới – thời đại Hồ Chí Minh.

Mở đầu của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng cụm từ “Hỡi đồng bào toàn quốc”[1] và sau đó Người cũng đã lặp lại ba từ “Hỡi đồng bào”. Đồng bào là khái niệm vốn dùng để chỉ những người cùng có nguồn cội, cùng giống nói, cùng một dân tộc, là những người có quan hệ thân thiết như ruột thịt. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng thuật ngữ này để làm lay động đến hàng triệu trái tim của dân tộc, tác động vào tư tưởng, tình cảm của mỗi người con đất Việt để từ đó thức tỉnh lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc, ý chí tự lực, tự cường, niềm tự hào, tự tôn của dân tộc ở mỗi người dân Việt Nam. Chính Lời kêu gọi đã tác động đến nhận thức của mỗi người dân là mình cần phải làm gì để đóng góp một phần công sức nhỏ bé vào công cuộc bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến không chỉ dừng lại ở việc nêu lên ý thức trách nhiệm chung chung mà còn chỉ đánh giá đúng vị trí, vai trò của mỗi thành phần, mỗi lực lượng trong xã hội ta lúc bấy giờ. Người viết: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”[2]. Thực tế lịch sử đã cho thấy lực lượng tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là mọi người dân Việt Nam, không phân biệt tuổi tác, giới tính, lương giáo, đảng phái, dân tộc, thành phần giai cấp,… Tất cả mọi người ai ai cũng ý thức được bổn phận và trách nhiệm của mình, phải ra sức chống thực dân Pháp để giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan niệm: mỗi dân tộc trên thế giới đều có quyền được hưởng độc lập, tự do. Mỗi công dân của một nước độc lập có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ quyền độc lập thiêng liêng của dân tộc. Do đó, đã là người Việt Nam đều có nghĩa vụ và trách nhiệm chung là phải đánh giặc để cứu nước. Quyền và nghĩa vụ ấy như một lẽ tự nhiên, là lẽ sống của mỗi một người dân Việt Nam.

Với tinh thần không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ, quân dân Thủ đô mở đầu toàn quốc kháng chiến bằng những thắng lợi quan trọng, giam chân địch trong hai tháng, để cả nước chuyển sang điều kiện kháng chiến trường kỳ. Việc nổ súng phát động toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946 giữa Thủ đô là một trường hợp hiếm thấy trong lịch sử, thể hiện một nghệ thuật quân sự khởi đầu cuộc chiến tranh cách mạng nhân dân đúng nghĩa, quả cảm và sáng tạo. Cùng với Hà Nội, quân dân cả nước vùng lên chiến đấu, các mặt trận Nam Định, Huế, Đà Nẵng… giành được nhiều chiến công, đẩy quân địch lâm vào thế lung túng, bị động. Tinh thần quật cường của dân tộc được khơi dậy, cả nước tiến công, mỗi người dân là một chiến sĩ đã tạo nên thế trận rộng khắp. Đó chính là sức mạnh bảo đảm để quân và dân ta giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lời kêu gọi: “Kháng chiến thắng lợi muôn năm”[3]. Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu năm 1954 đã chứng tỏ sức mạnh phi thường của lòng yêu nước của quân và dân ta, sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Bác Hồ. Cả dân tộc gian khổ chiến đấu và hy sinh giành lại một nửa Việt Nam hoà bình làm tiền đề cho một Việt Nam độc lập và thống nhất. Tiếp đó nhân dân ta đã kế thừa tinh thần ấy, quyết chiến, quyết thắng đánh tan giặc Mỹ xâm lược. Toàn dân ta đã đứng lên tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội theo nguyện ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trải qua gần 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, nước ta vẫn là nước đang phát triển, khoảng cách tụt hậu về kinh tế, về trình độ khoa học công nghệ vẫn còn xa so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Do đó, tinh thần “không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” cần được hun đúc và phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong công cuộc chống nghèo nàn, lạc hậu, tinh thần sánh vai cùng các cường quốc năm châu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ, … Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đã để lại nhiều bài học quý báu cho công cuộc đổi mới của Nhân dân ta, nhất là công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới hiện nay. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cũng đã xác định: “phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia – dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người dân ở trong nước và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”[4]. Đồng thời, thực hiện đoàn kết mọi tầng lớp, lực lượng trong xã hội trên nền tảng khối liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, kiên quyết đấu tranh có hiệu quả chống lại tệ quan liêu, tham nhũng, tạo dựng lòng tin của Nhân dân ta đối với Đảng và Nhà nước góp phần xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh như Bác Hồ hằng mong ước./.


[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 534.

[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr. 534.

[3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr. 534.

[4]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 158-159.


Các tin khác