Giá trị lịch sử của ngày Tổng tuyển cử đầu tiên

Ngày 06/01/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, mọi người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt già trẻ, nam nữ, dân tộc, tôn giáo, đều được hưởng quyền bầu cử và ứng cử. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã đánh dấu sự khai sinh Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một sự kiện lịch sử trọng đại, mở đầu cho việc hiện thực hóa một nước Việt Nam độc lập và sự đoàn kết, đồng lòng xây dựng chế độ dân chủ mới của toàn dân tộc ta.

Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, trước hàng chục vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân và thế giới: “Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời” - một kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam bắt đầu: Kỷ nguyên độc lập - tự do.

Ngày 03/9/1945, một ngày sau khi đọc bản tuyên ngôn độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị 6 nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay, trong đó có nhiệm vụ phải tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu để bầu ra Quốc hội, Người chỉ rõ: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giầu, nghèo, tôn giáo, dòng giống...”[1].

Ngày 08/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra Sắc lệnh số 14-SL về cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Để xúc tiến công việc chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử, ngày 26/9/1945, Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 39-SL về thành lập Uỷ ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử và Sắc lệnh số 51-SL, ngày 17/10/1945 quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử phải thực hiện theo lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Cuộc Tổng tuyển cử lúc đầu được dự kiến là ngày 23/12/1945. Để thực hiện chủ trương thống nhất và hòa giải, đồng thời, để có thêm thời gian cho công tác chuẩn bị, nhất là để các ứng cử viên có điều kiện nộp đơn và vận động tranh cử, ngày 18/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày chủ nhật, ngày 06/01/1946.

Ngày 05/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: “…Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình…”[2].

Trong không khí vô cùng phấn khởi, với tinh thần dân tộc dâng cao chưa từng có sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, ngày 06/01/1946, nhân dân cả nước đã đón nhận và chuẩn bị Tổng tuyển cử như ngày hội lớn của mình. Ở Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng hàng vạn cử tri đã thực hiện quyền lợi công dân trong ngày lịch sử 06/01/1946. Ở các tỉnh không có chiến sự ở miền Bắc và miền Trung bầu cử diễn ra an toàn, mặc dù một số nơi phải đấu tranh quyết liệt để ngăn chặn sự phá hoại của bọn đối lập cực đoan. Riêng ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, cuộc bầu cử diễn ra vô cùng khó khăn, quyết liệt do sự đánh phá của thực dân Pháp. Ở nhiều nơi, máu của cán bộ, chiến sĩ của chúng ta đã đổ. Tại Sài Gòn - Chợ Lớn, 42 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ Tổng tuyển cử, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Tư, Ủy viên Ban Quản trị Tổng Công đoàn Nam Bộ. Ở Nha Trang, Mỹ Tho, Cần Thơ, Tân An, Tây Nguyên, quân đội Pháp cũng ném bom, bắn phá, làm một số người chết và bị thương.

Kết quả, cuộc bầu cử đã thành công rực rỡ. Ở 71 tỉnh, thành phố trong cả nước, 89% số cử tri đã đi bầu cử, bầu được 333 đại biểu, trong đó 57% số đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước và cách mạng khác nhau, 43% không đảng phái, 10 đại biểu nữ, 34 đại biểu các dân tộc thiểu số. Trong cuộc Tổng tuyển cử này, mọi công dân Việt Nam đều tự do và bình đẳng thực hiện quyền bầu cử và ứng cử vào Quốc hội. Trong số hàng nghìn người ra ứng cử, nhân dân đã tự mình lựa chọn bầu được 333 đại biểu. Riêng ở Hà Nội, cử tri đã chọn được sáu đại biểu trong số 74 người ứng cử ở thành phố này. Quốc hội đã hội tụ các đại biểu của cả ba miền Bắc, Trung, Nam, đại diện cho ý chí của dân tộc, có đại diện của các thế hệ người Việt Nam, đại diện của Ðảng Cộng sản, Ðảng Dân chủ, của Việt Minh, các ngành, các giới, các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc thiểu số, các tôn giáo; có những nhà tư sản dân tộc, công thương, những nhân sĩ, trí thức, kể cả sự có mặt của Vĩnh Thụy, người vừa mới tuyên cáo thoái vị trước đó mấy tháng và những người vốn là quan lại cấp cao của chế độ cũ...

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử phát triển của thể chế chính trị ở Việt Nam, đó là thời kỳ nước ta có một Quốc hội dân tộc thống nhất, một Chính phủ liên hiệp kháng chiến có đầy đủ tư cách pháp lý đại diện cho nhân dân toàn quốc đảm đương nhiệm vụ đối nội và đối ngoại. Trên cơ sở giải quyết những mâu thuẫn, xung đột giai cấp, đảng phái trong điều kiện hòa bình, cuộc Tổng tuyển cử đã được tiến hành và thành công tốt đẹp: Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời; Quốc hội đã cử ra Chính phủ chính thức, ấn định cho Việt Nam một Hiến pháp dân chủ. Đây là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam, không những là sự hợp pháp hóa, chính đáng hóa quyền lực của Nhà nước, mà việc ban hành Hiến pháp, thành lập Chính phủ chính thức là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để củng cố và tăng cường chính quyền của nhân dân.

Cuộc Tổng tuyển cử không chỉ là một cuộc vận động chính trị thông thường, mà thực chất là một cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh giai cấp và dân tộc vô cùng gay go, phức tạp và không kém phần quyết liệt nhằm hợp pháp hóa nước Việt Nam độc lập. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội, đối ngoại; là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ - Nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.

Không chỉ hợp pháp hóa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta còn thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, tất cả vì mục tiêu độc lập dân tộc với những giải pháp “dĩ bất biến, ứng vạn biến” đầy nghệ thuật, không phải sử dụng bạo lực trong điều kiện đất nước “thù trong giặc ngoài”. Ngày 06/01/1946, nhân dân Việt Nam từ Bắc đến Nam, trên khắp mọi miền của Tổ quốc nô nức tham gia bầu cử, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các thế lực xâm lược và chống đối, góp phần mang đến sự thành công cho cuộc Tổng tuyển cử. Niềm tin, hy vọng của người dân đã theo từng tiếng trống, hòa cùng lời ca, gửi gắm trong từng lá phiếu của họ. Đó thực sự là cuộc Tổng tuyển cử của lòng dân, thể hiện truyền thống đoàn kết của dân tộc, thể hiện niềm tin tuyệt đối của nhân dân vào tương lai tươi sáng của dân tộc.

Cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 còn trở thành một sự kiện lịch sử trọng đại, mở đầu cho quá trình xây dựng chế độ dân chủ mới; là sự khởi đầu và phát triển của Quốc hội, một thiết chế dân chủ, trụ cột trong Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Quốc hội Việt Nam lần đầu tiên ra đời vừa là thành quả, vừa là yêu cầu bức thiết của cách mạng. Đó là Quốc hội của độc lập dân tộc, của thống nhất đất nước và của đại đoàn kết toàn dân. Quốc hội đã hội tụ các đại biểu của cả ba miền Bắc – Trung – Nam, là ý chí của nhân dân cả nước. Quốc hội đã có đại diện của tất cả thế hệ những người Việt Nam yêu nước đương thời, hội tụ đại biểu của tất cả các ngành, các giới, các giai cấp, tầng lớp xã hội từ công nhân, nông dân, nam giới, nữ giới cho đến những nhà tư sản, công thương gia, những nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng, có đại diện của các thành phần tôn giáo trên mọi miền đất nước, tất cả các thành phần dân tộc, của tất cả những người không đảng phái và đảng phái chính trị như Đảng Cộng sản, Đảng Dân chủ, những đảng viên Xã hội cùng những người tiến bộ trong các phái chính trị khác...

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã khẳng định niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, biểu thị khát vọng dân chủ của nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đánh dấu mốc phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam độc lập. 75 năm đã đi qua, nhưng cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 vẫn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân Việt Nam, vì ý nghĩa to lớn và giá trị xuyên suốt lịch sử dân tộc. Đó là một cuộc Tổng tuyển cử để xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân trên cơ sở lập ra cơ quan đại biểu, đại diện quyền lực Nhà nước của nhân dân, từ đó lập ra các cơ quan Nhà nước khác để hình thành bộ máy Nhà nước thống nhất, phân công, phân nhiệm thực thi quyền lực. Tổng tuyển cử đã thể hiện và bảo đảm thực hiện các nguyên tắc bầu cử tiến bộ, tạo mọi điều kiện để nhân dân thực hiện quyền của mình, tham gia bầu cử đông đủ, thể hiện quyền lợi và nghĩa vụ của công dân trong việc xây dựng chính quyền nhân dân. Đây cũng là những bài học quý giá cho chúng ta vận dụng để xây dựng chính quyền dân chủ, xây dựng khối đoàn kết dân tộc, thực hiện bầu cử Quốc hội hiện nay./.


[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr 8

[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 166


Các tin khác