Một số ghi nhận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa qua chuyến đi nghiên cứu thực tế của lớp Trung cấp LLCT-HC khóa 109

Thực hiện kế hoạch số 68-KH/TCT của Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận về việc tổ chức cho học viên lớp Trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính (LLCT-HC), hệ không tập trung khóa 109 - Lagi đi nghiên cứu thực tế tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Chuyến nghiên cứu thực tế với sự tham gia của đồng chí Trưởng khoa Lý luận Cơ sở làm trưởng đoàn; giáo viên chủ nhiệm và 60 học viên của lớp với nội dung nghiên cứu về tình hình kinh tế - xã hội tại tỉnh Khánh Hòa. Đoàn được nghe đồng chí Võ Thị Kim Thơm, Phó Hiệu trưởng, Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa báo cáo tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Khánh Hòa trong những năm qua; với một số nét chính sau:

Hệ thống giao thông, thủy lợi của tỉnh được quan tâm đầu tư. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 162 công trình giao thông, với tổng mức đầu tư 152.295 triệu đồng. Năm 2020, đã phân bổ 34.495 triệu đồng hỗ trợ xây dựng 33 công trình. Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ khu vực nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện. Hệ thống thủy lợi giai đoạn 2016 - 2019 đã thực hiện được 30 công trình thủy lợi, với tổng mức đầu tư là 46.202 triệu đồng. Năm 2020, đã phân bổ 13.487 triệu đồng hỗ trợ xây dựng thêm 13 công trình.

Mạng lưới trường học được rà soát, sắp xếp, bổ sung điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, đáp ứng nhu cầu dạy học của các cấp, các ngành học. Hiện nay, toàn tỉnh có 71 trường mầm non, 86 trường tiểu học, 71 trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia. Giai đoạn 2016 - 2019, từ nguồn vốn ngân sách các cấp trực tiếp hỗ trợ, tỉnh đã đầu tư thực hiện 42 công trình đầu tư trường học, với tổng mức đầu tư là 126.573 triệu đồng. Năm 2020, tỉnh đã phân bổ 17.552 triệu đồng hỗ trợ xây dựng 08 công trình.

Hệ thống thiết chế văn hóa thôn, xã cơ bản được phát huy công năng sử dụng, tổ chức được nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao và các hoạt động khác để nhân dân địa phương tham gia. Đến cuối năm 2019, có 42 thiết chế văn hóa thể thao xã và 231 thiết chế văn hóa thể thao thôn đạt chuẩn theo quy định.

Về kinh tế và tổ chức sản xuất, công tác triển khai chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn. Năm 2016, tỉnh đã phân bổ 27.312 triệu đồng (trong đó vốn ngân sách cấp tỉnh là 14.941 triệu đồng, vốn đối ứng là 12.371 triệu đồng) để hỗ trợ các địa phương mua giống cây trồng, vật nuôi. Giai đoạn 2017 - 2019, tỉnh đã phân bổ 104.109 triệu đồng (trong đó vốn ngân sách cấp tỉnh 44.545 triệu đồng, vốn đối ứng là 59.564 triệu đồng) thực hiện các nội dung: hỗ trợ chuyển đổi 1.630 ha cây trồng gồm 238 ha cây hàng năm và 1.392 ha cây lâu năm. Năm 2020, phân bổ 16.354 triệu đồng hỗ trợ các địa phương phát triển sản xuất. Qua công tác triển khai thực hiện cho thấy, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân đã mạnh dạn đầu tư để phát triển nông nghiệp, nhờ đó đất sản xuất kém hiệu quả, bỏ hoang nay đã chuyển mình, từng bước hình thành các vùng sản xuất, với những loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Bưởi da xanh, sầu riêng, xoài, chôm chôm, đậu phộng, khoai sáp… Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục triển khai Đề án chuyển đổi cây trồng trong thời gian tới, góp phần tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp hiệu quả hơn, đồng thời tạo điều kiện cho mỗi xã xây dựng thành công được một sản phẩm mang tính đặc trựng của địa phương.

Công tác khuyến nông, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp được chú trọng. Nhiều mô hình được triển khai và chuyển giao cho người dân thực hiện như: Kỹ thuật trồng tỏi trên vùng đất cát ven biển; quy trình canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng…Về đổi mới tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, các hợp tác xã đã tổ chức kinh doanh theo hướng đa dạng hóa các khâu dịch vụ, đáp ứng cơ bản yêu cầu của sản xuất nông nghiệp, nhiều hợp tác xã hoạt động gắn với sản phẩm chủ lực của vùng, áp dụng công nghệ cao, tiên tiến vào sản xuất, thực hiện liên kết theo chuỗi, liên kết với các siêu thị để tiêu thụ sản phẩm. Đến ngày 15/9/2020, có 111 hợp tác xã hoạt động trên các lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, dịch vụ tổng hợp với tổng số thành viên là 43.965 người với doanh thu bình quân 01 hợp tác xã là 1.256 triệu đồng/năm, lãi bình quân là 48,76 triệu đồng/năm.

Về lĩnh vực văn hóa - xã hội và môi trường, các địa phương luôn tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” chú trọng nhân rộng các mô hình hay, các điển hình tiên tiến trong việc thực hiện phong trào, các tổ chức hội, đoàn thể các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú, thiết thực hướng về xây dựng gia đình hạnh phúc, văn minh. Đảm bảo môi trường nông thôn, khắc phục, xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề, tỉnh đặc biệt quan tâm, thường xuyên chỉ đạo các địa phương kiểm tra, xử lý vệ sinh môi trường tại các điểm dân cư, nơi công cộng, tổ chức thu gom rác thải và tập kết bãi rác theo quy định. Với sự nỗ lực của địa phương, đặc biệt là vai trò của tổ chức hội, đoàn thể và sự tham gia tích cực của Nhân dân, nhiều mô hình bảo vệ môi trường đã được ra đời, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống.

Về hệ thống chính trị, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội trong xây dựng nông thôn mới; cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công; đảm bảo và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân. Cán bộ công chức ở các cấp đã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội theo quy định. Chất lượng dịch vụ hành chính công được cải thiện và nâng cao. Công tác tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân được các địa phương trong toàn tỉnh quan tâm, chú trọng thực hiện…

Bên cạnh những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội tại tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2020, vẫn còn tồn tại những hạn chế yếu kém như: mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được song kết quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm lực và khả năng của tỉnh. Đến 15/9/2020, tỉnh Khánh Hòa chỉ có 53,3% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thấp hơn so với cả nước (60,2%) là 6,9%; số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới bình quân chung của tỉnh là 15,6 tiêu chí/xã so với bình quân chung của cả nước (16,4 tiêu chí/xã) thì thấp hơn 0,8 tiêu chí/xã. Việc huy động nguồn lực trong nhân dân gặp nhiều khó khăn. Vốn ngân sách Nhà nước còn thấp so với nhu cầu của địa phương, nguồn lực huy động trong Nhân dân còn nhiều hạn chế (do thu nhập của người dân còn thấp, ngành nông nghiệp và người nông dân chịu nhiều thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh)…

Từ thực tiễn triển khai, lãnh đạo địa phương rút ra bài học kinh nghiệm trong thực hiện, đó là phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo cấp tỉnh, phát huy đồng bộ của hệ thống chính trị và sự đoàn kết, chung sức, chung lòng của toàn thể Nhân dân trong tỉnh… Để hiểu rõ và nắm chắc hơn vấn đề thực tiễn, giảng viên và các học viên đã nêu nhiều câu hỏi cũng như chia sẻ những giải pháp thực hiện để lãnh đạo địa phương biết. Với tinh thần trao đổi, học hỏi, đồng chí Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa đã trả lời rất chân thành, thẳng thắn những câu hỏi, băn khoăn của đoàn, đặc biệt đã nhấn mạnh khó khăn của tỉnh hiện nay là nguồn vốn còn hạn chế để thực hiện các công trình trọng điểm có ý nghĩa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Những thông tin trên đã giúp cho Đoàn nghiên cứu thực tế có được cách nhìn tương đối toàn diện về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa, có sự liên hệ với tính hình của tỉnh Bình Thuận và đề xuất những giải pháp cho địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội trong những năm sắp đến./. 


Các tin khác