Một số hình thức văn bản quy phạm pháp luật mới theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi năm 2020

Ngày 18/6/2020, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV thông qua Luật số: 63/2020/QH14, ngày 18/6/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật năm 2020) và ngày 01/7/2020, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Lệnh công bố số 09/2020/L-CTN.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021; sửa đổi, bổ sung 54 điều về nội dung và 14 điều về kỹ thuật của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật năm 2015); trong đó bổ sung thêm một số loại văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, bổ sung vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật:

- Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Điểm a, Khoản 1, Điều 1, Luật năm 2020).

- Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ (Điểm b, Khoản 1, Điều 1, Luật năm 2020).

Việc bổ sung 02 hình thức văn bản quy phạm pháp luật của Luật năm 2020 xuất phát từ các nguyên nhân:

Thứ nhất, để bảo đảm thống nhất với Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, cũng như quy phạm hóa vấn đề phát sinh trong thực tiễn, Luật năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật năm 2015. Bởi theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 (Khoản 3, Điều 16; Điều 19; Khoản 5, Điều 27; Điều 34; Điều 41…) và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm phối hợp để hướng dẫn các nội dung liên quan đến hình thức giám sát, phản biện xã hội; hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Luật năm 2015 chưa quy định hình thức nghị quyết liên tịch giữa UBTVQH, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhưng trên thực tế đã phát sinh việc ban hành nghị quyết liên tịch để hướng dẫn nội dung này(1).

Thứ hai, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (Khoản 5, Điều 5), Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 (Điều 13), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2019 (Khoản 2, Điều 1) và Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 (Khoản 1, Điều 88) thì Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu của tội phạm, khi chuyển hồ sơ, tài liệu có liên quan và kiến nghị xem xét, khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, theo quy định của Luật năm 2015 thì Tổng Kiểm toán nhà nước không có thẩm quyền liên tịch ban hành thông tư, do vậy, việc phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước với các cơ quan có liên quan gặp nhiều khó khăn, làm giảm hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng nói chung và vai trò, trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước nói riêng trong phòng, chống tham nhũng. Để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, Luật năm 2020 đã bổ sung hình thức thông tư liên tịch với Tổng Kiểm toán nhà nước(2).

Như vậy, theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi năm 2020, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay bao gồm:

1. Hiến pháp của Quốc hội.

2. Bộ luật của Quốc hội.

3. Luật của Quốc hội.

4. Nghị quyết của Quốc hội.

5. Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

6. Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

7. Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

8. Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

9. Lệnh của Chủ tịch nước.

10. Quyết định của Chủ tịch nước.

11. Nghị định của Chính phủ.

12. Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

13. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

14. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

15. Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

16. Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

17. Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

18. Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Không ban hành Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

19. Quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.

20. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

21. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

22. Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

23. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện.

24. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

25. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã.

26. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã./.


(1), (2) Tài liệu Hội nghị triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan.


Các tin khác