Một số kết quả thực hiện Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2011-2020

Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong những năm qua, đặc biệt là khi thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Các nội dung cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước trong những năm vừa qua đã tập trung cho việc tiến hành tổng rà soát và điều chỉnh phù hợp về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế hiện có của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, các cơ quan, tổ chức khác thuộc bộ máy hành chính nhà nước ở trung ương và địa phương (bao gồm cả các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước); tổng kết, đánh giá mô hình tổ chức và chất lượng hoạt động của chính quyền địa phương nhằm xác lập mô hình tổ chức phù hợp, bảo đảm phân định đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sát thực tế, hiệu lực, hiệu quả; hoàn thiện cơ chế phân cấp để đề cao vai trò chủ động, tinh thần trách nhiệm, nâng cao năng lực của từng cấp, từng ngành...

Thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, trong những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã triển khai và đạt được những kết quả cụ thể:

Về rà soát về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện

Căn cứ Chương trình hành động số 21-NQ/TU ngày 07/8/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XII) thực hiện Kết luận số 64-KL/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2778/QĐ-UBND ngày 07/11/2013 để triển khai thực hiện việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, sự nghiệp trên địa bàn tỉnh gắn liền với mục tiêu xây dựng tổ chức bộ máy đồng bộ, tinh gọn, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ gắn với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh theo hướng tinh gọn, thạo việc, công tâm, chuyên nghiệp, năng động, và hiệu quả nhằm khắc phục những khuyết điểm, tồn tại trong tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính sự nghiệp thuộc tỉnh theo kết quả của việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI).

Các tổ chức hành chính của địa phương được sắp xếp, kiện toàn theo quy định tại Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố. Căn cứ các Thông tư liên tịch của Bộ chuyên ngành và Bộ Nội vụ, UBND tỉnh đã ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh theo đúng quy định. Theo đó, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính được xác định rõ ràng, cơ bản đã khắc phục được sự chồng chéo giữa các sở, ngành, giữa các phòng ban chuyên môn cấp huyện, đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao một cách thông suốt, hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Bên cạnh đó, các tổ chức hành chính đã xác lập mối quan hệ với các cơ quan khác để phối hợp thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chung, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính (CCHC), khắc phục tình trạng tầng nấc trung gian trong quản lý, điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ. Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định phê duyệt cơ cấu tổ chức các phòng chuyên môn, nghiệp vụ của các sở, cơ quan ngang sở, triển khai thí điểm sáp nhập các cơ quan cấp huyện; hiện nay, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện sắp xếp lại và ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ các phòng chuyên môn, nghiệp vụ theo cơ cấu tổ chức mới. Tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện trên địa bàn tỉnh được rà soát, tổ chức thực hiện tuân thủ đúng quy định của Chính phủ.

Về sắp xếp tổ chức bộ máy của tỉnh

Đối với Khối các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh: thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 và Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ; số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh là 20 cơ quan, trong đó 17 cơ quan tổ chức thống nhất[1] và Ban Dân tộc, Văn phòng HĐND tỉnh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh (cơ quan được tổ chức theo đặc thù riêng của tỉnh). Về tổ chức bên trong các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh: có 18 Chi cục và tương đương Chi cục và 131 tổ chức phòng chuyên môn, thanh tra, văn phòng. Theo đó chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính được xác định rõ ràng, cơ bản khắc phục được sự chồng chéo giữa các sở, ngành, giữa các phòng ban chuyên môn cấp huyện, đảm bảo thực hiện chức năng nhiệm vụ một cách thông suốt, hoàn thành các nhiệm vụ được giao; bên cạnh đó các tổ chức hành chính đã xác lập mối quan hệ với các cơ quan khác để phối hợp thực hiện chức năng, nhiệm vụ chung, đáp ứng yêu cầu CCHC, khắc phục tình trạng tầng nấc trung gian trong quản lý điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Thực hiện Kế hoạch số 82-KH/TU ngày 30/01/2018 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 991/KH-UBND ngày 15/3/2018 thực hiện Kế hoạch số 82-KH/TU của Tỉnh ủy. Từ năm 2019, qua rà soát sắp xếp lại tổ chức bên trong các cơ quan, đơn vị hiện nay tỉnh có: 16 Chi cục và tương đương chi cục và 94 tổ chức phòng chuyên môn nghiệp vụ, văn phòng, thanh tra (giảm 02 Chi cục[2] và 37 tổ chức phòng chuyên môn nghiệp vụ, văn phòng, thanh tra).

Đối với khối cơ quan chuyên môn cấp huyện: thực hiện Nghị định số 14/2008/NĐ-CP 04/02/2008 của Chính phủ Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh: số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố có: 118 phòng chuyên môn cấp huyện (09 huyện có 12 phòng chuyên môn, riêng huyện Phú Quý 10 phòng chuyên môn).

Thực hiện Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố có: 123 cơ quan; trong đó, 04 huyện có 12 phòng chuyên môn[3].

UBND tỉnh triển khai thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy theo Kế hoạch số 991/KH-UBND ngày 15/3/2018, qua rà soát đã thực hiện sắp xếp giảm 04 phòng chuyên môn nghiệp vụ. Tính đến nay, có tổng cộng 119 cơ quan chuyên môn thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố; trong đó: 05 huyện có 12 phòng chuyên môn (Phan Thiết, Hàm Tân, La Gi, Đức Linh, Hàm Thuận Nam), 04 huyện có 13 phòng chuyên môn do có thêm Phòng Dân tộc (Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh) và huyện đảo Phú Quý có 07 phòng chuyên môn (giảm 04 phòng chuyên môn nghiệp vụ[4] trực thuộc cấp huyện).

Về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của Chính phủ về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021; mặc dù hiện tại trên địa bàn tỉnh Bình Thuận không có đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp ĐVHC theo quy định, tuy nhiên UBND tỉnh Bình Thuận đã xây dựng phương án sắp xếp các ĐVHC cấp xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 820/NQ-UBTVQH14 ngày 21/11/2019 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Bình Thuận; (theo đó tỉnh đã triển khai sắp xếp lại 06 đơn vị hành chính cấp xã thành 03 đơn vị hành chính cấp xã Bình Thuận hiện còn 124 ĐVHC cấp xã, giảm 03 đơn vị so với trước đây) và đi vào hoạt động từ đầu năm 2020; đồng thời, ngày 21/02/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 419/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ở thôn, khu phố tỉnh Bình Thuận theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ. Đối với đơn vị hành chính cấp huyện: Bình Thuận có 10 đơn vị; trong đó có 08 huyện, 01 thị xã (La Gi) và 01 thành phố (Phan Thiết).

Bên cạnh những kết quả đạt được, thì công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở tỉnh Bình Thuận trong giai đoạn 2011-2020 cũng còn một số tồn tại, hạn chế nhất định:

Một là, đối với việc sáp nhập một số cơ quan khối Đảng và cơ quan Nhà nước có cùng chức năng tương đồng tại địa phương, hiện nay còn nhiều vấn đề vướng mắc, chưa được hướng dẫn mang tính pháp lý về loại hình tổ chức, vị trí pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, biên chế, quy chế làm việc, mối quan hệ công tác của cơ quan sau hợp nhất, chế độ, chính sách của người làm việc tại đơn vị sau hợp nhất.

Hai là, việc tiến hành rà soát, xây dựng phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện, sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong, chuyển Chi cục quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập... vẫn chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện.

Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế:

Một là, trung ương ban hành chậm Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ, do đó việc tiến hành rà soát, xây dựng phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện khó khăn, lúng túng.

Hai là, một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chủ động, thiếu quyết liệt trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao; việc xây dựng đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa đảm bảo quy trình, bố cục, nội dung theo quy định.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước trong thời gian tới, giai đoạn 2021-2030, tỉnh Bình Thuận tiếp tục cụ thể hóa các văn bản pháp lý trên lĩnh vực tổ chức bộ máy để thực hiện phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy cơ quan, đơn vị, địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII)./.


[1] Các Sở: Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Thanh tra tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh.

[2] Sáp nhập Chi cục Lâm nghiệp vào Chi cục Kiểm lâm; chuyển Chi cục Quản lý thị trường về Cục quản lý thị trường.

[3] Phan Thiết, Hàm Tân, La Gi, Đức Linh; 05 huyện có 13 phòng chuyên môn do có thêm Phòng Dân tộc (Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh) và huyện Phú Quý có 10 phòng chuyên môn.

[4] Giải thể Phòng Dân tộc huyện Hàm Thuận Nam; sáp nhập giảm từ 10 phòng còn 07 phòng của huyện Phú Quý.

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết 30c/NQ-CP Ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020

2. Báo cáo số: 148/BC-UBND, ngày 30/6/2020 của UBND tỉnh Bình Thuận tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, định hướng giai đoạn 2021-2030 của tỉnh Bình Thuận.


Các tin khác