Kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong hiện đại hóa hành chính nhà nước ở tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2011-2020

Nghị quyết số 30c/NQ-CP, ngày 08/11/2011 của Chính phủ về ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 xác định nhiệm vụ cụ thể của hiện đại hóa hành chính, giai đoạn 2011-2020, trong đó ứng dụng công nghệ thông tin đóng vai trò then chốt với nhiệm vụ: Ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong quy trình xử lý công việc của từng cơ quan hành chính nhà nước, giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau và trong giao dịch với tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trong hoạt động dịch vụ hành chính công, dịch vụ công của đơn vị sự nghiệp công”.

Cụ thể hóa việc thực hiện hiện đại nền hành chính của tỉnh trong thời gian qua (2011-2020); Bình Thuận đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan hành chính, xem đây là nền tảng để xây dựng chính quyền điện tử. Từ đó là cơ sở để đảm bảo nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí hoạt động, tiết kiệm thời gian, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp; bước đầu đã đạt được một số kết quả:

Các cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt nghiêm túc cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của đơn vị mình về các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ, Chương trình hành động của Tỉnh ủy và UBND tỉnh; nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo triển khai và chịu trách nhiệm về kết quả ứng dụng CNTT trong cơ quan, đơn vị mình.

Tỉnh đã xây dựng và phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bình Thuận, phiên bản 1.0 đảm bảo yêu cầu, đồng bộ theo tinh thần hướng dẫn Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Quyết định số 3770/QĐ-UBND ngày 28/12/2017 của UBND tỉnh); xây dựng và đưa vào hoạt động Trục kết nối liên thông, chia sẻ, trao đổi dữ liệu quy mô cấp tỉnh ESB (dự án thành phần Khung Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh) theo hình thức thuê dịch vụ nhằm triển khai kết nối liên thông và tích hợp dữ liệu 02 hệ thống: phần mềm quản lý văn bản và điều hành và Một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến ở 4 cấp: Chính phủ - tỉnh - huyện - xã; xây dựng và phê duyệt “Đề án phát triển đô thị thông minh tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2019 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; hoàn thành cung cấp Cổng dịch vụ công thống nhất chung toàn tỉnh để công khai Thủ tục hành chính (TTHC), kết quả giải quyết hồ sơ, tổ chức, cá nhân tra cứu, sử dụng (địa chỉ cung cấp: dichvucong.binhthuan.gov.vn)

Về hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm quản lý, dữ liệu chuyên ngành, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh

Đến nay, 100% sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện có mạng LAN, kết nối Internet tốc độ cao và kết nối mạng WAN tỉnh bằng đường truyền số liệu chuyên dùng tốc độ cao, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin, kết nối ổn định; 100% UBND cấp xã có mạng LAN, kết nối Internet tốc độ cao; hệ thống Hội nghị truyền hình tiếp tục phục vụ có hiệu quả các cuộc họp trực tuyến giữa Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương với tỉnh; giữa UBND tỉnh với 10/10 UBND huyện, thị xã, thành phố. Đến nay toàn tỉnh đảm bảo 100% CBCC cấp tỉnh, huyện, xã có máy tính (01 máy tính/CBCC). Ngoài ra, từ năm 2019 các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn đã triển khai đầu tư bổ sung nâng cấp hạ tầng mạng, thiết bị CNTT cho Bộ phận Một cửa cấp huyện, xã theo lộ trình đầu tư trong Đề án nâng cấp Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã theo hướng hiện đại đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2376/QĐ-UBND ngày 12/9/2018.

Trung tâm Tích hợp dữ liệu (THDL) tỉnh đã triển khai phần mềm ảo hóa
và điện toán đám mây theo công nghệ mã nguồn mở để quản lý và tối ưu hóa
hạ tầng máy chủ và thiết bị mạng. Trung tâm THDL tỉnh với hơn 40 máy chủ và
nhiều thiết bị mạng, thiết bị bảo mật chuyên dụng (Coreswitch, Firewall,
Antispammail, thiết bị IDS/IPS, hệ thống lưu trữ (SAN), thiết bị lưu trữ tập trung (NAS); thiết bị chống sét trên đường truyền mạng LAN; giao thức truy cập bảo
mật HTTPS,…) duy trì hoạt động thông suốt, ổn định, đảm bảo an toàn, bảo đảm ngăn ngừa các cuộc tấn công từ bên ngoài.

100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, các đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành cấp tỉnh, các phòng ban cấp huyện và cấp xã được cấp chứng thư số và sử dụng chứng thư số góp phần đẩy mạnh tăng cường trao đổi, sử dụng văn bản điện tử qua môi trường mạng. Đến nay, toàn tỉnh đã cấp 1.045 chữ ký số cho cán bộ, công chức để sử dụng.

Về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh

Tỉnh đã hoàn thành triển khai mở rộng ứng dụng phần mềm đến các đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành cấp tỉnh, các phòng ban cấp huyện, cấp xã (290 đơn vị), đảm bảo 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, các đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành cấp tỉnh, các phòng ban cấp huyện, cấp xã và 10 đơn vị khác được triển khai sử dụng phần mềm; hoàn thành kết nối liên thông phần mềm theo mô hình liên thông 04 cấp (xã - huyện - tỉnh - Trung ương) và thực hiện phát hành văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Việc khai thác, sử dụng phần mềm ở các đơn vị cấp tỉnh và cấp huyện sử dụng theo quy trình khép kín, thực hiện ký số, gửi nhận văn bản liên thông qua phần mềm, không gửi văn bản giấy; hiện nay 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh được trao đổi dưới dạng điện tử (trừ văn bản mật). Số lượng văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia 9.041 văn bản và đã gửi trên Trục liên thông quốc gia với 3.743 văn bản (triển khai năm 2019 đến 06 tháng đầu năm 2020).

Hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh đã được triển khai đến cấp xã, nâng tổng
số tài khoản đã cấp gồm: 78 tên miền cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh với số lượng tài khoản là 14.213 tài khoản, đảm bảo 100% cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã và cán bộ, công chức các cấp được cấp hộp thư điện tử và triển khai tốt hệ thống hộp thư điện tử công vụ đã cấp[1].

Xử lý hồ sơ trên môi trường mạng: triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành, gắn với ứng dụng chữ ký số, đến nay hầu hết các văn bản trên địa bàn tỉnh đều tiếp nhận, chuyển xử lý, xem xét phê duyệt và phát hành được xử lý khép kín trên môi trường mạng (trừ văn bản mật).

Cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp; triển khai các hệ thống một cửa điện tử: Cổng thông tin điện tử tỉnh và các Trang thông tin điện tử thành viên: được nâng cấp đảm bảo các quy định tại Nghị định số 43/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ, tin tức và văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh được cung cấp đầy đủ, kịp thời; thực hiện mở chuyên trang đối thoại (mục Hỏi - Đáp) giữa cơ quan Nhà nước và người dân, doanh nghiệp để cung cấp thông tin và giải đáp những yêu cầu của người dân, tạo kênh thông tin để tiếp nhận góp, giám sát của người dân; cung cấp hộp thư điện tử trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để tiếp nhận, phân loại và chuyển đến các ngành chức năng xem xét, giải quyết kịp thời các kiến phản ánh, kiến nghị, đánh giá của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính; các văn bản chỉ đạo, điều hành (đã ký số) được cập nhật trên Cổng và các Trang thông tin điện tử thành viên kịp thời, đúng quy định. Hiện nay 100% TTHC các cơ quan Nhà nước tỉnh được cung cấp trực tuyến ở mức độ 02; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 03, 04 với tổng số 397/1.991 TTHC trên toàn tỉnh, đạt tỷ lệ 20% (trong đó có 216 dịch vụ mức độ 03 và 181 dịch vụ mức độ 04) được đưa lên Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến tập trung của tỉnh (địa chỉ http://dichvucong.binhthuan.gov.vn); tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 03, mức độ 04 có phát sinh hồ sơ trung bình hàng năm là 20%[2]. Tại Trung tâm Hành chính công tỉnh và Bộ phận một cửa các địa phương trang bị hệ thống phần mềm và trang thiết bị phục vụ khảo sát đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân; kết quả khảo sát được công khai trên Cổng dịch vụ công của tỉnh.

Trong năm 2019, tỉnh hoàn thành kết nối Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh và Hệ thống phần mềm Một cửa điện tử của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia theo nội dung và tiến độ của Văn phòng Chính phủ triển khai. Đến nay phần mềm một cửa điện tử triển khai tại 10/10 đơn vị cấp huyện, 124/124 đơn vị cấp xã và tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (trừ Thanh tra tỉnh). Hệ thống phần mềm Một cửa điện tử tỉnh, Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được kết nối với Zalo nhằm công khai kết quả giải quyết hồ sơ TTHC (tra cứu trên website, tin nhắn SMS, quét mã QR qua Zalo,…); và kết nối với hệ thống CNTT của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam nhằm triển khai tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh qua dịch vụ bưu chính công ích. Từ năm 2016 đến 30/6/2020 phần mềm một cửa điện tử tỉnh đã tiếp nhận, xử lý 244.758/346.979 hồ sơ, đạt tỷ lệ 70,5%.

Ngoài ra, từ năm 2019 tỉnh đã triển khai đầu tư bổ sung hạ tầng mạng, thiết bị CNTT, hệ thống các phần mềm ứng dụng cho Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã theo hướng hiện đại đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2376/QĐ-UBND ngày 12/9/2018.    

Bên cạnh những kết quả đạt được, thì việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hiện đại hóa hành chính ở tỉnh ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế:

- Một là, TTHC thường xuyên thay đổi, làm hạn chế việc đưa CNTT vào CCHC; máy tính, thiết bị CNTT tại một số địa phương đã cũ, xuống cấp, nên chưa đáp ứng tốt yêu cầu ứng dụng CNTT.

- Hai là, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến qua mạng, qua dịch vụ Bưu chính công ích còn hạn chế; chưa có nhiều hồ sơ phát sinh. Tình trạng hồ sơ trễ hẹn và tồn đọng do cán bộ, công chức không kịp thời xử lý trên hệ thống phần mềm một cửa điện tử vẫn còn nhiều.

- Ba là, các ứng dụng hoạt động độc lập, chưa kết nối liên thông, chia sẻ sử dụng cơ sở dữ liệu của các sở, ngành trong tỉnh với các cơ quan Trung ương, nên chưa đồng bộ.

Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế

- Một là, một số quy định của Trung ương về TTHC thường xuyên thay đổi nên ảnh hưởng đến việc cập nhật thủ tục, triển khai trên hệ thống phần mềm của địa phương.

- Hai là, một số quy định pháp lý về văn bản điện tử như bản sao, công chứng… chưa đồng bộ nên việc triển khai các dịch vụ công mức độ 3, 4 đối với một số ngành đòi hỏi có bản gốc như đất đai, xây dựng, y tế… gặp trở ngại trong triển khai tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả mức độ 3, 4; bên cạnh đó người dân, doanh nghiệp chưa quen nộp hồ sơ qua mạng, tâm lý là vẫn muốn nộp trực tiếp tại bộ phận một cửa; các đơn vị chưa quyết tâm trong triển khai thực hiện.

- Ba là, một số cán bộ, công chức tại các cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên sử dụng, cập nhật kết quả giải quyết hồ sơ trên hệ thống phần mềm một cửa điện tử, nên kết quả đạt được còn hạn chế.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hiện đại hóa hành chính thời gian tới, giai đoạn 2021-2030, tỉnh Bình Thuận đề xuất với Chính phủ, Bộ Nội vụ tiếp tục: xây dựng chuẩn hóa các hệ thống thông tin điện tử thống nhất, tập trung, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương phục vụ nhiệm vụ cải cách TTHC như: hệ thống thông tin báo cáo, một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, phần mềm khảo sát đánh giá sự hài lòng trong thực hiện TTHC... nhằm tiết kiệm kinh phí, rút ngắn thời gian triển khai và đồng bộ dữ liệu, nhanh chóng.


[1] Trên 95% CBCC cấp tỉnh, 85% CBCC cấp huyện và 65% CBCC cấp xã thường xuyên sử dụng thư điện tử công vụ trong công việc.

[2] Năm 2018 là 23,5%, năm 2019 là 22,6% và 06 tháng đầu năm 2020 là 13,6%.

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết 30c/NQ-CP Ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020

2. Báo cáo số: 148/BC-UBND, ngày 30/6/2020 của UBND tỉnh Bình Thuận tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, định hướng giai đoạn 2021-2030 của tỉnh Bình Thuận.


Các tin khác