Kết quả thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính ở tỉnh Bình Thuận năm 2020

Thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình CCHC giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1069/QĐ-UBND ngày 15/4/2016 của UBND tỉnh; để triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác CCHC năm 2020 trên địa bàn tỉnh, theo tinh thần Nghị quyết số 30c/NQ-CP, ngày 08/11/2011 của Chính phủ về ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, ngày 31/12/2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3423/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2020 của tỉnh Bình Thuận, Kế hoạch triển khai đồng bộ trên 06 nội dung về cải cách hành chính: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính nhà nước. Trong đó, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là một trong 3 khâu đột phá của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với phương châm: đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư kinh doanh, liên kết, hợp tác, phát triển.

Trong năm 2020, để tăng cường cải cách hành chính, cải thiện năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư, giải quyết khó khăn của cơ quan, tổ chức trong giải quyết TTHC, tỉnh Bình Thuận yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiếp tục tập trung rà soát, đối chiếu các nội dung còn hạn chế, nội dung tổ chức, cá nhân chưa hài lòng về TTHC thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý để xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của đơn vị, địa phương và xây dựng kế hoạch, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục triệt để trong năm nay. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện cải cách TTHC. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin gắn với thực hiện cải cách TTHC; thường xuyên khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân trong giải quyết TTHC để kịp thời tiếp thu ý kiến góp ý, điều chỉnh.

Cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ hành chính cho tổ chức, cá nhân được duy trì nề nếp; Trung tâm Hành chính công tỉnh đi vào hoạt động và phát huy có hiệu quả được tổ chức, cá nhân đồng tình ủng hộ; các thủ tục hành chính đã được thường xuyên kiểm tra, rà soát, công bố chuẩn hóa và niêm yết công khai; dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4 và dịch vụ Bưu chính công ích ngày được mở rộng. Tổ chức bộ máy được triển khai đồng bộ, khắc phục những chồng chéo, vướng mắc trong quá trình kiện toàn tổ chức của từng cơ quan, đơn vị.

Một số kết quả về thực hiện cải cách thủ tục hành chính của tỉnh trong năm 2020, cụ thể như sau:

Về Thực hiện cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước theo quy định của Chính phủ, các bộ, ngành, UBND tỉnh:

UBND tỉnh tiếp tục xác định cải cách TTHC là công việc thường xuyên, liên tục, là nhiệm vụ then chốt trong chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền. Trên cơ sở văn bản quy định của Trung ương đã có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành thường xuyên thống kê, cập nhật kịp thời những TTHC được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ theo quy định. Trong năm 2020, UBND tỉnh đã ký ban hành 41 quyết định công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Lao động, Thương binh và xã hội, Sở Giao thông vận tải, Sở Công thương, Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp, Sở Khoa học và Công nghệ, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh[1].

Về rà soát, đánh giá và thực hiện các quy định về đơn giản hóa thủ tục hành chính:

Ngày 31/01/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 260/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Trong năm 2020, tỉnh đã phê duyệt danh mục TTHC rút ngắn thời gian giải quyết trên địa bàn tỉnh với 108 TTHC (gồm: 78 TTHC cấp tỉnh,  24 TTHC cấp huyện và 06 TTHC cấp xã).

Việc triển khai rà soát, đánh giá thủ tục hành chính của các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh được thực hiện một cách nghiêm túc, có hiệu quả, đã kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những quy định, TTHC không cần thiết, phức tạp, rườm rà; đồng thời cắt giảm chi phí về thời gian và tài chính của cá nhân, tổ chức trong giải quyết TTHC, góp nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC ngày một tốt hơn.

Về công khai thủ tục hành chính:

Các TTHC sau khi công bố đã cập nhật đầy đủ, đồng bộ vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, tính đến nay tỉnh đã cập nhật công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia và liên kết với Trang thông tin điện tử các cơ quan, đơn vị trong tỉnh với 1.846/1.846 TTHC đạt tỷ lệ 100% (Trong đó: Cấp tỉnh 1.467 TTHC, cấp huyện 344 TTHC, cấp xã 163 TTHC, các cơ quan khác 40 TTHC); đồng thời các TTHC được công khai, niêm yết tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, tại Bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã để tổ chức, cá nhân tra cứu, thực hiện; công khai thủ tục và tiến độ, kết quả giải quyết hồ sơ TTHC trên Cổng dịch vụ công của tỉnh (tại địa chỉ: http://dichvucong.binhthuan.gov.vn)... và 100% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã công khai TTHC đầy đủ, đúng quy định tại nơi tiếp nhận, giải quyết TTHC.

Ngoài ra, Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Trang thông tin của các cơ quan, địa phương duy trì công khai địa chỉ tiếp nhận các phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay, đã tiếp nhận và xử lý, công khai kết quả 22 phản ánh, kiến nghị và đang xử lý 08 phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân liên quan đến thủ tục hành chính trên các lĩnh vực Lao động - Thương binh và xã hội; Tư pháp; Tài nguyên và Môi trường; các sở, ngành, địa phương đã xây dựng chuyên mục “Hỏi - Đáp” trên Trang thông tin điện tử, tại trụ sở làm việc để tiếp nhận, trả lời các ý kiến phản ánh của tổ chức, cá nhân liên quan lĩnh vực ngành quản lý.

Về thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông:

Đến nay, các sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục duy trì thực hiện tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân thông qua Bộ phận tiếp nhận và Trả kết quả tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, Bộ phận một cửa các đơn vị, địa phương. Đến nay, Trung tâm Hành chính công tỉnh đã tập trung hướng dẫn, tiếp nhận và trả kết quả của 18/19 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (trừ lĩnh vực của Thanh tra tỉnh) và một số TTHC của các cơ quan ngành dọc như: Bảo hiểm xã hội tỉnh, Công an tỉnh; tại cấp huyện, cấp xã, các địa phương đã rà soát đưa các TTHC tập trung thực hiện tại Bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã. Bưu điện tỉnh đã phối hợp các cơ quan, địa phương để bố trí nhân viên Bưu điện phối hợp luân chuyển thủ tục hành chính giữa nội bộ các cơ quan hành chính; trả kết quả TTHC tại quầy giao dịch, trả tại địa chỉ theo nhu cầu của tổ chức, cá nhân và thu phí, lệ phí (nếu có) theo quy định. 100% các TTHC của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đều thực hiện theo cơ chế một cửa; các TTHC có liên quan đến các cấp, ngành giải quyết được tổ chức thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông.

Về đánh giá chất lượng giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh: Triển khai thực hiện Quyết định số 1063/QĐ-UBND ngày 26/4/2019 của UBND tỉnh về quy định thực hiện đánh giá và khảo sát mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh; các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch thường xuyên tiến hành khảo sát lấy ý kiến người dân và doanh nghiệp đối với các cơ quan hành chính trong thực hiện TTHC và báo cáo kết quả khảo sát về Văn phòng UBND tỉnh để tổng hợp làm cơ sở đánh giá, xếp loại chỉ số CCHC của các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh hàng năm; ngoài ra, tại Bộ phận một cửa các cấp đều bố trí thiết bị màn hình cảm ứng, phần mềm để phục vụ việc đánh giá của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của đội ngũ công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận một cửa. Qua khảo sát, các cấp, ngành đã kịp thời tiếp thu các góp ý, điều chỉnh những hạn chế, thiếu sót, góp phần phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn trong thực hiện thủ tục hành chính công.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành khảo sát thực tế tại 10 trường thuộc thành phố Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Nam với 486 phiếu ý kiến của phụ huynh và 176 phiếu ý kiến của học sinh lớp 10, kết quả: Đối với phụ huynh (rất không hài lòng 0,8%; không hài lòng 1,02%; phân vân 7%; hài lòng 70,58%; rất hài lòng 20,6%); đối với học sinh (Rất không hài lòng 0,6%; không hài lòng 4,5%; phân vân 11,9%; hài lòng 64,2%; rất hài lòng 18,8%). Sở Y tế đã tiến hành khảo sát thực tế với 800 phiếu, tại 14 Bệnh viện và Trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh, kết quả: Về nội trú (tỷ lệ hài lòng chung 90,1%; tỷ lệ hài lòng so với mong đợi 90,9%; tỷ lệ người bệnh sẽ quay trở lại 99,3%); về ngoại trú (tỷ lệ hài lòng chung 89,4%; tỷ lệ hài lòng so với mong đợi 89,4%; tỷ lệ người bệnh sẽ quay trở lại 99,3%).

Về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại địa phương:

Các hồ sơ đều giải quyết tuân thủ đúng quy trình, thủ tục theo quy định. Kết quả giải quyết hồ sơ từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết đúng hẹn 583.518 hồ sơ (chiếm 98,9%), trễ hẹn 6.495 hồ sơ (chiếm 1,1%), có 9.183 hồ sơ đang giải quyết[2]. Các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện xin lỗi tổ chức, cá nhân đối với các trường hợp giải quyết hồ sơ chậm trễ.

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế nhất định trong cải cách thủ tục hành chính của tỉnh:

Một là, ý thức trách nhiệm phục vụ tổ chức, người dân trong giải quyết hồ sơ hành chính của một số công chức, viên chức chưa cao, chất lượng phục vụ còn hạn chế.

Hai là, kết quả thực hiện thủ tục hành chính và chỉ số hài lòng của người dân nhất là tại cấp huyện, cấp xã đạt thấp, người dân còn gặp phiền hà do hồ sơ trễ hẹn.

Ba là, một số cơ quan, đơn vị, địa phương tình trạng để sót việc, quên việc, hoặc thiếu sự phối hợp vẫn còn.

Ngoài ra, có một số TTHC trễ hẹn do phải chờ ý kiến phúc đáp của các Bộ, ngành có liên quan...

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế:

Thứ nhất là do thủ tục hành chính của các Bộ, ngành, Trung ương thường xuyên thay đổi từ đó ảnh hưởng đến việc rà soát chuẩn hóa và tổ chức thực hiện TTHC tại địa phương.

Thứ hai là, số lượng TTHC trong danh mục công bố của các sở, ngành, địa phương rất lớn nhưng việc tiếp nhận, chuyển phát qua Bưu điện còn rất hạn chế do nhiều TTHC phát sinh hồ sơ ít, người đứng đầu chưa quyết liệt, người dân chưa có thói quen, kỹ năng sử dụng, chưa thực hiện thanh toán trực tuyến.

Thứ ba là, nguồn nhân lực và kinh phí đảm bảo phục vụ cho công tác CCHC của tỉnh chưa được đầu tư thỏa đáng, trong đó việc đầu tư cho các thiết bị màn hình cảm ứng, phần mềm để phục vụ việc đánh giá của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của đội ngũ công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận một cửa và tra cứu thông tin ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh về thủ tục hành chính còn thiếu, chưa đồng bộ.

Để tiếp tục triển khai và thực hiện các nhiệm vụ trong công tác cải cách hành chính giai đoạn sắp tới mà một trong những nhiệm vụ trọng tâm là: Cải cách thủ tục hành chính, lấy mục tiêu nâng cao dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công làm khâu đột phá; đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính của tỉnh theo kế hoạch đề ra. Trong năm 2021, tỉnh Bình Thuận sẽ xây dựng Chương trình, Kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2021- 2030 theo Kế hoạch, Chương trình tổng thể CCHC của Chính phủ và theo  hướng dẫn của Bộ Nội vụ nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện công tác CCHC trong thời gian qua; nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác CCHC để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


[1] Quyết định số 3251/QĐ-UBND ngày 17/12/2019; Quyết định số 3421/QĐ-UBND ngày 31/12/2019; Quyết định số 109/QĐ-UBND ngày 13/01/2020; Quyết định số 131/QĐ-UBND ngày 14/01/2020; Quyết định số 330/QĐ-UBND ngày 11/02/2020; Quyết định số 1111/QĐ-UBND ngày 15/5/2020; Quyết định số 818/QĐ- UBND ngày 07/4/2020; Quyết định số 744/QĐ-UBND ngày 31/3/2020; Quyết định số 810/QĐ-UBND ngày 07/4/2020; Quyết định số 1138/QĐ-UBND ngày 20/5/2020; Quyết định số 595/QĐ-UBND ngày 17/3/2020; Quyết định số 1120/QĐ-UBND ngày 18/5/2020; Quyết định số 1092/QĐ-UBND ngày 14/5/2020; Quyết định số 831/QĐ-UBND ngày 09/4/2020; Quyết định số 1028/QĐ-UBND ngày 06/5/2020; Quyết định số 1091/QĐ- UBND ngày 14/5/2020; Quyết định số 1263/QĐ-UBND ngày 03/6/2020; Quyết định số 1264/QĐ-UBND ngày 03/6/2020; Quyết định số 872/QĐ-UBND ngày 16/4/2020; Quyết định số 866/QĐ-UBND ngày 15/4/2020; Quyết định số 1410/QĐ-UBND ngày 22/6/2020; Quyết định số 1527/QĐ-UBND ngày 06/7/2020; Quyết định số 1584/QĐ-UBND ngày 08/7/2020; Quyết định số 1480/QĐ-UBND ngày 26/6/2020; Quyết định số 1587/QĐ- UBND ngày 08/7/2020; Quyết định số 1766/QĐ-UBND ngày 03/8/2020; Quyết định số 1800/QĐ-UBND ngày 05/8/2020; Quyết định số 1943/QĐ-UBND ngày 13/8/2020; Quyết định số 1999/QĐ-UBND ngày 18/8/2020; Quyết định số 2083/QĐ-UBND ngày 26/8/2020; Quyết định số 1672/QĐ-UBND ngày 20/7/2020; Quyết định số 2160/QĐ-UBND ngày 01/9/2020; Quyết định số 1700/QĐ-UBND ngày 22/7/2020; Quyết định số 2005/QĐ- UBND ngày 19/8/2020; Quyết định số 2004/QĐ-UBND ngày 19/8/2020.

[2] Trong đó:

Cấp tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết đúng hẹn 104.249 hồ sơ (chiếm 99,8%), quá hạn 247 hồ sơ (0,2%), đang giải quyết 1.105 hồ sơ;

Cấp huyện đã tiếp nhận và giải quyết đúng hẹn 120.052 hồ sơ (chiếm 95,8%), quá hạn 5.245 hồ sơ (chiếm 4,2%), đang giải quyết 6.110 hồ sơ;

Cấp xã đã tiếp nhận và giải quyết đúng hẹn 359.217 hồ sơ (chiếm 99,7%), quá hạn 1.003 hồ sơ (chiếm 0,3%), đang giải quyết 1.968 hồ sơ.

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết 30c/NQ-CP Ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020

2. Báo cáo số: 305/BC-UBND, ngày 09/12/2020 của UBND tỉnh Bình Thuận về công tác cải cách hành chính năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021.

 

 


Các tin khác