Dấu ấn lãnh đạo của Đảng về phát triển kinh tế trong nhiệm kỳ Đại hội XII

Đất nước ta bước vào năm 2021 với một khí thế mới, quyết tâm mới, được đánh dấu bằng sự kiện chính trị trọng đại: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây cũng là dấu mốc kết thúc 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, đánh dấu Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta đã đi trọn hành trình 35 năm đổi mới với những thành tựu đáng tự hào.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 đã mang lại mùa xuân cho dân tộc và chỉ 15 năm sau đã tổ chức, tập hợp và lãnh đạo thành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân. Từ 1945 - 1975, Đảng tiếp tục lãnh đạo thành công hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ cứu nước, chấm dứt sự thống trị của chế độ thực dân hơn 100 năm và thống nhất đất nước, thu non sông về một dải. Tiếp đó, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân vừa ra sức khôi phục kinh tế, tìm tòi, tháo gỡ khó khăn, khắc phục trì trệ, khủng hoảng kinh tế - xã hội; vừa tiến hành hai cuộc chiến đấu chống xâm lược ở hai đầu biên giới, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia.

Tháng 12/1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng quyết định đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước trên tất cả các lĩnh vực, mà trước hết, trọng tâm là “đổi mới về tư duy kinh tế”, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh thế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Đảng đã ngày càng thể hiện được vai trò của mình trong việc lãnh đạo phát triển kinh tế, nhất là khi chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hiện đại và hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường; hướng tới mục tiêu phát triển lấy con người làm trung tâm, vừa là mục tiêu vừa là động lực vì một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; gắn kết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường trong từng bước đi và từng chính sách phát triển. 

Sau 35 năm đổi mới, nước ta đã giành được những thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và sự ổn định chính trị. Đường lối đổi mới vừa hợp quy luật, hợp lòng người nên đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, khơi dậy sự sáng tạo, tạo nên sức mạnh của toàn dân tộc. 35 năm qua, nền kinh tế không chỉ tăng trưởng về quy mô mà chất lượng tăng trưởng cũng được cải thiện. Sau giai đoạn đầu đổi mới (1986 - 1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4% thì giai đoạn 1996 - 2000, tốc độ tăng GDP đạt 7%.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã mở cửa, trở thành thành viên của ASEAN, APEC, WTO và nhiều tổ chức quốc tế khác, tham gia nhiều định chế thương mại tự do, chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương, trở thành đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu, từng bước mở rộng hội nhập vào tất cả các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh và văn hóa - xã hội…

Từ một nền kinh tế nông nghiệp, lạc hậu, quy mô nhỏ bé, với GDP chỉ 14 tỷ USD và GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 250 USD trong những năm đầu đổi mới, Việt Nam đã thoát ra khỏi tình trạng đói nghèo, chuyển sang thực hiện và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Năm 2019, Việt Nam đã có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia của Liên Hợp quốc (so với 11 nước năm 1954); có quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư với trên 224 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới; có 16 đối tác chiến lược, 11 đối tác chiến lược toàn diện; tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực (trong đó, có 16 FTA);  có 71 nước đã công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII vừa qua, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP. Trong 5 năm qua, nền kinh tế của nước ta đã tạo ra được hơn 8 triệu việc làm mới cho người dân, thu nhập bình quân của người dân tăng gần 145%. Quy mô nền kinh tế tăng 1,4 lần so với đầu nhiệm kỳ, trở thành nền kinh tế có quy mô đứng thứ tư trong ASEAN; kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016 – 2020 tăng từ 176,58 tỷ USD năm 2016 lên gần 281,5 tỷ USD năm 2020; tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2016 – 2020 đạt trung bình khoảng 11,7%/năm, cao hơn mục tiêu 10% đề ra tại Văn kiện Đại hội XII của Đảng. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện; năng suất lao động tăng bình quân 5,8%/năm, cao hơn nhiều so với giai đoạn 2011 – 2015. Nợ công giảm từ 63,7% GDP đầu nhiệm kỳ xuống còn 55% năm 2019, dưới ngưỡng an toàn do Quốc hội quy định. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2020 được xếp thứ 42/131 nước, đứng đầu nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập. Xếp hạng về phát triển bền vững của Việt Nam đã tăng từ thứ 88 năm 2016 lên thứ 49 năm 2020, cao hơn nhiều so với các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế. Đặc biệt, trong năm 2020 vừa qua, trong khi phần lớn các nước có mức tăng trưởng âm hoặc đi vào trạng thái suy thoái do tác động của đại dịch COVID – 19 nhưng kinh tế của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương 2,91%, góp phần làm cho GDP trong 5 năm qua tăng trung bình 5,9%/năm, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Điều đó một lần nữa khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta.

Dấu ấn lãnh đạo kinh tế của Đảng còn được thể hiện qua một loạt các văn bản được Đảng ta ban hành trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng như: Nghị quyết số 10 tạo động lực phát triển kinh tế tư nhân – Đây là nghị quyết có thể coi là sự đột phá trong tư duy, giúp kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, hiệu quả, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; Nghị quyết số 11 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm hoàn thiện và định hình rõ nét hơn đường lối phát triển này; Nghị quyết số 23 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Những nghị quyết này đã thể hiện sự đột phá trong tư duy và tầm nhìn, góp phần không nhỏ vào tháo gỡ khó khăn, nút thắt, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia và huy động nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Lịch sử đã cho thấy đất nước ta đã trải qua biết bao khó khăn, thử thách bởi thiên tai, dịch bệnh, nghèo nàn, lạc hậu nhưng chúng ta đã vượt lên và chiến thắng bằng khát vọng dân tộc. Đúng như dự thảo Văn kiện Đại hội XIII khẳng định: “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Có thể nói, nền kinh tế nước ta đã tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ 2016 – 2020, tô đậm thành tựu của 35 năm đổi mới với những bước tiến vượt bậc. Những kết quả, thành tựu rất đáng trân trọng, tự hào đó ấy chính là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, là sự hòa quyện của “Ý Đảng và lòng dân”.

Thực tiễn lịch sử của hơn 90 năm qua và 35 năm thực hiện công cuộc Đổi mới đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta nói chung và trong phát triển kinh tế Việt Nam nói riêng. Một mùa xuân mới đang về mang theo những điều tốt lành, chúng ta có quyền tự hào và tin tưởng vào sức mạnh, bản lĩnh, trí tuệ và ý chí của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong sự nghiệp Đổi mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.


Các tin khác