Lựa chọn sáng suốt về con đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc ta và của nhân loại. Cả cuộc đời Người đã dành trọn cho Tổ quốc và dân tộc Việt Nam. Dấu ấn trước hết là sự lựa chọn con đường cứu nước, cứu dân đúng đắn của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành năm xưa.

Thấm thoát đã 110 năm trôi qua, kể từ ngày 05/6/1911, với tên là Văn Ba, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng (Sài Gòn) ra đi tìm con đường cứu nước. Cuối năm 1920, với sự kiện tham gia Đại hội Tua của Đảng Xã hội Pháp và ngay sau đó tham gia sáng lập Đảng Cộng Sản Pháp, Người đã chính thức tìm thấy con đường cứu dân, cứu nước đúng đắn – con đường theo cách mạng vô sản, theo chủ nghĩa Mác – Lênin, mở ra một hướng phát triển mới cho dân tộc Việt Nam. Suốt cả cuộc đời, Hồ Chí Minh hiến dâng cho dân tộc Việt Nam, cho mục đích cuối cùng và cao cả là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội – giai cấp, giải phóng con người. Hiện nay, dân tộc Việt Nam đang tiếp tục đi theo con đường phát triển của Hồ Chí Minh đã vạch ra. Điều này càng làm nổi rõ sự tác động lớn lao của người Anh hùng dân tộc vĩ đại Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh đã có ý thức rõ ràng đi tìm một con đường mới để cứu nước, cứu dân vào đầu thế kỷ XX, khi các con đường  cứu nước do các vị cách mạng tiền bối thực hiện đều bị bế tắc. Chắc chắn rằng, phải có một tư duy nhạy bén với thời cuộc, phải có một tinh thần vượt trội thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước nồng nàn, lòng dũng cảm, ý chí lớn lao và tinh thần phê phán đúng đắn thì mới có được sự ra đi tìm đường cứu nước của Người vào ngày 05/6/1911. Trong thời thơ ấu, Người đã được tận mắt chứng kiến cảnh đất nước rên xiết dưới gông cùm của chế độ thực dân – phong kiến, thấy được cảnh người lao động bị áp bức, bóc lột, được nghe các bậc cha anh nặng lòng yêu nước bàn luận về thế sự…Rồi vào trạc tuổi 13, Người đã nảy sinh ý muốn đi sang Pháp  và các nước  phương Tây tìm hiểu những điều ẩn đằng sau những từ “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” – vốn là khẩu hiệu cao đẹp của Đại cách mạng Pháp. Hồ Chí Minh tự nguyện từ bỏ một tư vị của một anh học sinh con quan, khác hẳn với nhiều con quan phong kiến lúc đó là học tập để trở thành trí thức, không chấp nhận con đường “Đông Du” đang hấp dẫn với nhiều thanh niên (sang Nhật Bản học tập) do cụ Phan Bội Châu khởi xướng và dẫn dắt đầu thế kỷ XX. Vào thời đó, yêu nước, thậm chí yêu nước cuồng nhiệt thì có nhiều người, đâu chỉ có Nguyễn Tất Thành, nhưng yêu nước để có một tư duy nhạy bén với thời cuộc, tư duy phê phán sắc sảo về các con đường cứu nước trước đó hoặc đương thời của các bậc cha anh rồi ra đi tìm con đường mới để cứu nước, thì chỉ có ở Nguyễn Tất Thành. Như vậy là yêu cầu cho sự mở đường phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam đã được đặt vào đúng Nguyễn Tất Thành và Người đã nhận trong trách đó suốt cả cuộc đời cách mạng oanh liệt đầy gian khổ hi sinh của mình.

Trong thời điểm đó, những bậc anh hùng hào kiệt của phong trào Cần Vương như những ngôi sao lóe lên trên bầu trời đất Việt khoảng hơn 10 năm cuối thế kỷ XIX. Phong trào Cần Vương bị thực dân Pháp dập tắt nhưng ngọn lửa yêu nước không tắt. Đầu thế kỷ XX, các phong trào mới xuất hiện, mới cả về thủ lĩnh lãnh đạo nhưng quan trọng hơn là mới cả về tính chất, về hệ tư tưởng và mới trong cách tổ chức lực lượng. Chống thực dân Pháp, giành độc lập, tự do cho Tổ Quốc thì tất cả các phong trào yêu nước đều giống nhau, nhưng để thiết lập một nhà nước Việt Nam như thế nào, một chế độ chính trị ra sao, tập hợp lực lượng nào, theo sự chỉ dẫn của lý luận chính trị nào thì  khác nhau một trời một vực. Chống Pháp mượn danh nghĩa của nhà vua rồi trở về chế độ phong kiến (Cần Vương) thì đã lỗi thời, không hợp xu thế và khó tránh khỏi thất bại.

Chính trong bối cảnh đó, xuất hiện luồng gió mới mà những trí thức Việt Nam yêu nước là những người cảm nhận được trước hết. Sẵn lòng yêu nước, nhạy cảm với thời cuộc, qua tiếp xúc với một số sách  báo tiếng Pháp, tiếng Trung Hoa,  họ bắt gặp tư tưởng dân chủ tư sản; những tư tưởng của Cách mạng Pháp năm 1789, của Cách mạng Nga (1905-1907),  của trào lưu tư tưởng tư sản Trung Quốc, nhất là cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911 với tư tưởng “Tam dân” của lãnh tụ Tôn Trung Sơn, v.v. vẫn dội vào Việt Nam. Hơn nữa, cùng với tốc độ khai thác thuộc địa ngày càng tăng của thực dân Pháp, xã hội Việt Nam ngày càng phân hóa mạnh mẽ hơn. Đầu thế kỷ XX, những giai cấp, tầng lớp mới xuất hiện: giai cấp vô sản, tầng lớp tiểu tư sản, trí thức. Đồng thời, nhiều sĩ phu vốn thuộc thành phần giai cấp phong kiến, theo Nho học, sau bao trăn trở trước thời cuộc đã chuyển mình sang lập trường dân chủ tư sản. Nổi bật nhất đầu thế kỷ XX là phong trào cứu nước do cụ Phan Bội Châu lãnh đạo với mục đích giành độc lập dân tộc bằng bạo động vũ trang để lập chế độ đại nghị cộng hòa. Cụ Phan Bội Châu đề ra các phong trào: Đông Du (1906-1908), Việt Nam Quang phục hội (1912). Cùng với các phong trào của cụ Phan Bội Châu là các cuộc vận động Duy Tân (1906-1908) do cụ Phan Châu Trinh lãnh đạo và phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) cổ vũ lòng yêu nước, vận động học quốc ngữ, vận động thực thi đời sống mới, v.v. Ngọn cờ cứu nước theo hệ tư tưởng phong kiến đã bị bẽ gãy. Ngọn cờ cứu nước theo hệ tư tưởng tư sản tuy là mới ở Việt Nam nhưng cũng không đáp ứng nổi yêu cầu phát triển của dân tộc. Không chỉ phong trào của cụ Phan Bội Châu hoạt động theo lối vũ trang bạo động nên bị thực dân Pháp đàn áp mà cả các phong trào yêu nước khác theo lối cải lương, cải cách (“Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, “Bất bạo động, bạo động tắc tử”-Phan Châu Trinh) cũng bị thực dân Pháp không cho đất sống. Anh dũng có thừa, máu đào của các bậc tiên liệt đã đỗ xuống nhưng cây độc lập – tự do vẫn không ra hoa kết trái.

Nguyễn Tất Thành ra đi tìm con đường cứu nước mới ở người với ý chí lớn lao, tinh thần ham học hỏi, sẵn sàng vượt qua bao gian truân, từ một anh thanh niên học sinh gầy gò, mảnh khảnh tự nguyện hòa vào cuộc sống của người lao động chân tay (thuộc về giai cấp cần lao) để trực tiếp cảm nhận về thời cuộc, v.v.. Lúc Người rời bến Nhà Rồng để sang Pháp và các nước phương Tây, chỉ với hai bàn tay và khối óc đầy nhiệt huyết sẵn sàng chấp nhận mọi hiểm nguy. Đến nước nào, Người cũng làm việc để kiếm sống và hoạt động. Đi đến đâu Người cũng tự nghiên cứu, tự học. Cả cuộc đời của Người là sự tu dưỡng, rèn luyện, coi tất cả các sự kiện của cuộc sống là những bài học sống động cho mình. Hồ Chí Minh ở Người hội đủ những tri thức uyên bác, cổ kim Đông – Tây, là sự chắt lọc, tiếp biến văn hóa, đúc kết thành khối tri thức và bản lĩnh chính trị, nhân cách cao đẹp của con người Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Nguyễn Ái Quốc tiếp nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, qua đó tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn là bởi những yếu tố đó, khác với những người Việt Nam ở Pháp lúc đó cũng tài giỏi nổi tiếng như: Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh…

Hồ Chí Minh tìm được con đường cứu nước mới khác với con đường cứu nước của các bậc tiền bối và rồi, con đường ấy đã đưa dân tộc Việt Nam đi đến bến bờ hạnh phúc. Thực tế cho thấy, sau năm 1920 là thời gian trường kỳ truyền bá, huấn luyện, tổ chức để đưa con đường cứu nước đúng đắn về thực hành trên đất nước Việt Nam, mà vấn đề có tính then chốt nhất là thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam – một tổ chức có tính quyết định đến sự thành bại của cách mạng Việt Nam,  một tổ chức vạch đường, chỉ lối, lãnh đạo đoàn kết toàn dân tộc, hòa cùng thời thế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đoàn kết trong nước với đoàn kết quốc tế để dân tộc Việt Nam phát triển trên con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Hồ Chí Minh tìm ra con đường và dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân đi theo con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội với cả trái tim đầy nhiệt huyết, bộ óc sáng suốt và là tấm gương sáng cả cuộc đời luôn vươn tới những giá trị của Chân, Thiện, Mỹ, của đạo đức cách mạng trọn vẹn của cuộc đời. Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật tiêu biểu trong lịch sử có tác động mãnh liệt vào tiến trình phát triển của nhân loại. Sự nghiệp của Hồ Chí Minh, con đường Hồ Chí Minh tìm thấy và dẫn dắt những người dân Việt Nam yêu nước dựa vào nền văn hóa mà ở đó biểu đạt những giá trị toàn cầu, những khát vọng của con người, của các dân tộc khác nhau, có bản sắc, cốt cách, đặc tính khác nhau nhưng thống nhất, hài hòa trong những giá trị chung nhất, tốt đẹp nhất mà con người toàn nhân loại và các dân tộc trên thế giới khát khao vươn tới.

Hồ Chí Minh luôn sống trong những nhịp đập của đất nước, vì sự nghiệp của Người, tư tưởng của Người vẫn đồng hành cùng dân tộc. Người đã để lại một sự nghiệp, một tư tưởng ngời sáng, trở thành giá trị văn hóa có sức lan tỏa, thẩm thấu vô biên nhập vào các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc và nhân loại rong quá khứ, hiện tại và tương lai./.


Các tin khác