Tỉnh Bình Thuận thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển bền vững

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một hợp phần của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước gắn với phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là tập trung triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng giá trị trên đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập cho nông dân, nông thôn, góp phần thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2018 - 2020 (Ban hành kèm theo Quyết định số 939/QĐ-UBND ngày 11/4/2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận) với mục tiêu: cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; chú trọng phát triển những cây trồng, vật nuôi chủ lực, lợi thế của địa phương; cải thiện đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, sinh thái và bảo đảm an ninh quốc phòng.

Qua thời gian thực hiện, việc tái cơ cấu nông nghiệp đạt kết quả bước đầu, năng suất, chất lượng, hiệu quả được nâng lên.

Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư tăng thêm, nhất là hệ thống thủy lợi, tính đến tháng 4/2020, có 71% diện tích lúa được chủ động về nước tưới. Cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp từng bước được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của địa phương gắn với nhu cầu thị trường. Bước đầu thu hút một số dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi đúng hướng, diện tích cây lâu năm từ 33,36% (năm 2015) tăng lên 37,75% (năm 2020); diện tích cây hàng năm từ 66,64% (năm 2015) giảm còn 62,25% (năm 2020); hệ số sử dụng đất lúa tiếp tục tăng, những vùng đất lúa kém hiệu quả được luân canh trồng các loại cây khác có hiệu quả hơn. Cây Thanh Long vẫn là cây trồng lợi thế có sự tăng trưởng nhanh về diện tích, gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 10.500 ha Thanh Long được cấp chứng nhận VietGAP (chiếm 31,5% tổng diện tích Thanh Long toàn tỉnh) và hình thành vùng chuyên canh Thanh Long quy mô lớn. Diện tích cao su ổn định, năng suất, sản lượng tăng. Đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình trồng nấm linh chi, nấm rơm và sản xuất phân hữu cơ tại HTX nông nghiệp Lạc Tánh, huyện Tánh Linh; mô hình trồng rau thủy canh ở HTX rau Tiến Phát xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh; HTX Thanh Long Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc ứng dụng khoa học - công nghệ, chế biến thành công rượu vang từ trái Thanh Long…

Ngành chăn nuôi dần chuyển từ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, toàn tỉnh hiện có 212 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung; trong đó có khoảng 49 cơ sở chăn nuôi quy mô lớn đã đi vào hoạt động, ứng dụng khoa học kỹ thuật, kiểm soát môi trường và dịch bệnh. Ngành thủy sản giữ ổn định, gắn với chế biến, tạo ra giá trị gia tăng. Hoạt động khai thác hải sản xa bờ được khuyến khích và hỗ trợ về chính sách vay vốn, gắn với dịch vụ hậu cần, toàn tỉnh hiện có 6.800 tàu thuyền/1.080.000 CV, công suất bình quân 158,8 CV/thuyền, trong đó tàu thuyền từ 90 CV trở lên có 3.190 chiếc. Sản lượng khai thác hải sản năm 2020 ước đạt 222.000 tấn, tăng 12,39% so với năm 2015, vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020 (200.000 tấn). Hoạt động nuôi trồng thủy sản từng bước chuyển sang thâm canh, quy mô công nghiệp, đa dạng hóa loài nuôi, sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2020 ước đạt 14.500 tấn, tăng 14,7% so năm 2015. Thương hiệu tôm giống Bình Thuận giữ vững uy tín, toàn tỉnh hiện có 141 cơ sở sản xuất tôm giống, 783 trại bể ương, sản xuất theo quy trình công nghiệp; sản lượng sản xuất và tiêu thụ tôm giống năm 2020 ước đạt 24,5 tỷ post, tăng 14,6% so năm 2015. Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài được đẩy mạnh, từ năm 2015 đến nay đã phát hiện, xử lý 2.386 vụ vi phạm, trong đó có 240 vụ tàu giã cào bay vi phạm; phát hiện, xử lý 35 vụ/49 tàu cá/430 lao động vi phạm vùng biển nước ngoài.

Triển khai thực hiện nhiều biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả rừng trồng, từ năm 2016 - 2020, diện tích rừng trồng mới toàn tỉnh đạt 10.774 ha, trong đó rừng sản xuất 9.777 ha, đưa diện tích rừng trồng sản xuất đến năm 2020 ước đạt 41.203 ha, tổ chức giao khoán bảo vệ 132.500 ha rừng; trong đó, giao khoán cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số quản lý 86.253 ha, tăng độ che phủ của rừng; công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng, bảo vệ 277.928 ha rừng tự nhiên trong quy hoạch lâm nghiệp và 6.782 ha rừng tự nhiên ngoài quy hoạch lâm nghiệp, chống lấn chiếm đất lâm nghiệp được tăng cường, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 2.313 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó có 77 vụ phá rừng, 01 vụ sử dụng đất lâm nghiệp trái phép.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn chậm, tăng trưởng ngành nông nghiệp chưa bền vững. Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn yếu, chưa lan tỏa rộng rãi. Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng tốt yêu cầu. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp chưa nhiều, khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông, lâm, thủy sản còn yếu, thị trường nhỏ lẻ. Phát triển nuôi hải sản trên biển chưa tương xứng với tiềm năng. Tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp chưa được ngăn chặn; vi phạm Luật Thủy sản còn diễn biến phức tạp, nhất là các nghề cấm đánh bắt vùng ven bờ và việc đánh bắt hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài.

Xuất khẩu hàng hóa chưa mạnh; tiêu thụ các sản phẩm lợi thế của tỉnh còn khó khăn, bấp bênh và nhiều rủi ro. Một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả chưa cao. Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã còn yếu. Kinh tế tư nhân phát triển nhanh nhưng chưa vững chắc, quy mô nhỏ. Kết quả thu hút đầu tư nước ngoài còn ít. Thu ngân sách nhà nước chưa đảm bảo nhiệm vụ chi, nhất là chi đầu tư phát triển.

Để thực hiện có hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới tỉnh Bình Thuận tiếp tục:

Khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng sức cạnh tranh và bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Sử dụng linh hoạt diện tích đất trồng lúa để nâng cao hiệu quả sử dụng đất; khuyến khích chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống dịch bệnh. Hình thành vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng năng suất, chất lượng và thu nhập trên từng đơn vị diện tích, nhất là các sản phẩm có giá trị kinh tế cao; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiệu quả. Đẩy mạnh thực hiện các chính sách của Nhà nước về khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, ngày 17/4/2018 của Chính phủ về khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, ngày 05/7/2018 của Chính phủ về tổ chức triển khai có hiệu quả chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đối với sản phẩm chủ lực, lợi thế. Tăng cường công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng hàng hóa và đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương và huy động các nguồn lực của tỉnh để đầu tư các công trình thủy lợi theo quy hoạch; vận động nhân dân đẩy mạnh phong trào làm thủy lợi nhỏ, phấn đấu đến năm 2025 đảm bảo chủ động nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất và dịch vụ.

Khuyến khích trồng rừng sản xuất với các loại cây có giá trị kinh tế cao gắn với tái tạo, phát triển các loại cây bản địa. Thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận của Đảng, Nhà nước về quản lý, sử dụng rừng, đất lâm nghiệp; tiếp tục hoàn thiện việc rà soát, đánh giá tổng thể rừng, theo dõi, giám sát, cập nhật hiện trạng, diễn biến tài nguyên rừng; nâng cao chất lượng độ che phủ rừng; huy động sự tham gia của toàn xã hội vào công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; nâng cao năng suất, giá trị rừng trồng. Xây dựng vùng nguyên liệu gỗ; tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị.

Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn gắn với kiểm soát chăn nuôi và hoạt động giết mổ tập trung, bảo đảm vệ sinh môi trường. Chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi hải sản trên biển gắn với chế biến, tạo giá trị gia tăng cao. Phát huy hiệu quả khai thác xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá. Triển khai các biện pháp phù hợp để bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái vùng ven bờ, hải đảo. Giữ vững uy tín, chất lượng, thương hiệu tôm giống Bình Thuận song song với phát triển vùng sản xuất tôm giống tập trung, ứng dụng công nghệ cao, có hiệu quả.

Xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững, từng bước xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đạt mục tiêu đề ra, góp phần cải thiện điều kiện sản xuất và nâng cao chất lượng đời sống khu vực nông thôn, miền núi, vùng ven biển và hải đảo./. 


 Tài liệu tham khảo:

1/ Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2018 - 2020 (Ban hành kèm theo Quyết định số 939/QĐ-UBND ngày 11/4/2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận).

2/ Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2020 - 2025).


Các tin khác