Để nghị quyết Đại hội Đảng thực sự là động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội

Mỗi kỳ đại hội Đảng các cấp là có nghị quyết mới được ban hành; đồng thời lựa chọn  đội ngũ những con người có tâm, có tầm vào Ban chấp hành để tổ chức, lãnh đạo thực hiện, làm cho nghị quyết của Đảng đi vào thực tiễn đời sống xã hội, trở thành sức mạnh vật chất, đòn bẩy để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước ngày càng phát triển theo đúng định hướng đề ra.

Từ quý II đến quý IV năm 2020,tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025, tiếp đến, đầu năm 2021 (từ 25/1 đến 01/2) Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (nhiệm kỳ 2021 -2026) tiến hành và được đánh giá thành công rất tốt đẹp. Như vậy hệ thống tổ chức đảng từ cơ sở cho đến Trung ương đã ban hành nghị quyết của nhiệm kỳ đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của cả nước trong giai đoạn mới của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhưng điều có ý nghĩa thiết thực là làm sao cho nghị quyết đó thành những kết quả cụ thể về kinh tế - xã hội, cho đời sống Nhân dân được nâng cao về vật chất và tinh thần, cho địa phương cùng cả nước phát triển về mọi mặt, chuyển biến mạnh mẽ hơn nhiệm kỳ trước - đó là nhiệm vụ chính trị trọng trách trước Đảng, trước Nhân dân. Vì lẽ đó trong phát biểu Bế mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (nhiệm kỳ 2021-2026) Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã rất lưu ý nhấn mạnh vấn đề tổ chức thực hiện nghị quyết của đại hội Đảng và yêu cầu: “Các ủy viên phải nhận rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, phát huy trí tuệ, tính năng động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động biến những quyết định quan trọng của đại hội thành hiện thực sinh động trên thực tế chứ không phải đại hội kết thúc là coi như đã xong”; đồng thời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ: “Đây (kết thúc Đại hội) chỉ là mở đầu, có làm được hay không, mai kia có biến nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có làm ra của cải vật chất mang lại giàu có, hạnh phúc cho Nhân dân hay không – đó mới là thành công trên thực tế của đại hội. Điều này cực kỳ quan trọng. Vừa qua kiểm điểm thì tổ chức thực hiện nghị quyết vẫn là khâu yếu”.

Người đứng đầu Đảng và Nhà nước nhấn mạnh điều trên đây càng cho thấy vai trò của việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, nhất là nghị quyết đại hội Đảng hết sức quan trọng. Có thể nói đây là thước đo trên thực tế năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng. Bởi phương thức lãnh của Đảng chủ yếu được thể hiện thông qua việc ban hành cương lĩnh, nghị quyết để đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn đời sống xã hội.

Những thành tựu quan trọng của cả nước cũng như địa phương Bình thuận đạt được trong sự nghiệp cách mạng nói chung và qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới (1986 -2021) để khẳng định đó là kết quả của việc thực hiện các nghị quyết của Đảng được Nhà nước thể chế hóa thành chính sách, pháp luật và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng chung sức của Nhân dân để thực hiện một cách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

Bước vào thời kỳ mới, đời sống xã hội và Nhân dân đòi hỏi tính thực tiễn rất cao. Không thể chấp nhận tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, kết thúc đại hội coi như đã xong nhiệm vụ. Tình trạng nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm dứt khoát phải đẩy lùi vào quá khứ. Phương châm nói đi đôi với làm, nói ít, làm nhiều, nói và làm theo nghị quyết của Đảng phải trở thành tư tưởng chỉ đạo trong mọi hành động việc làm. Để nghị quyết đại hội Đảng  thực sự là động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội ở địa phương Bình Thuận trong giai đoạn mới, thì giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả là: cụ thể hóa, thể chế hóa các mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp địa phương Bình Thuận cho phù hợp tình hình thực tế. Xác định các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và có kế hoạch lộ trình thực hiện trong từng giai đoạn, từng bước đi thích hợp.

Quá trình lãnh đạo tổ chức thực hiện phải bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết nhằm tập trung chỉ đạo triển khai một cách bài bản từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tránh tình trạng chỉ đạo chung chung, tình trạng mục tiêu nhiệm vụ được đề ra trong nghị quyết nhưng không được trọng tâm chú ý, lại chạy theo giải quyết các sự vụ tự phát nhất thời. Cấp ủy đảng các cấp nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể, tôn trọng dân chủ, đề cao vai trò cá nhân, phân công trách nhiệm cho từng đồng chí ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành phụ trách, đặc biệt người đứng đầu phải thật sâu sát thực tế, quyết liệt, kiểm tra thường xuyên, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt; nghiêm khắc phê bình, thậm chí kỷ luật những người làm sai, làm trái nghị quyết của Đảng. Trong từng giai đoạn thực hiện cần tăng cường tổng kết, trao đổi, rút kinh nghiệm để càng làm càng hoàn thiện hơn, nhằm đi đến đích cần đạt được là hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm sau cao hơn năm trước, nhiệm kỳ sau tốt hơn nhiệm kỳ trước.

 Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần tổ chức nghiên cứu, quán triệt, học tập nghị quyết nghiêm túc trong cán bộ, đảng viên, đồng thời tuyên truyền phổ biến rộng rãi trong Nhân dân, qua đó khơi dậy mạnh mẽ tinh thần, ý chí tự tự cường, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và khát vọng xây dựng phát triển địa phương giàu mạnh để biến nghị quyết của Đảng thành hiện thực. Bởi Đảng không ở đâu xa, mà Đảng trong cuộc sống của chúng ta./.


Các tin khác