Một số vấn đề cần tập trung nghiên cứu, làm rõ trong giảng dạy và các hoạt động nghiên cứu khoa học, góp phần tuyên truyền về thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 25/01 đến ngày 01/02/2021; với tinh thần làm việc khẩn trương và ý thức trách nhiệm cao trước Đảng, trước Nhân dân, “Đại hội đã thành công rất tốt đẹp”. Đó là đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong diễn văn bế mạc Đại hội.

Để sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống, biến những quyết định của Đại hội thành hiện thực sinh động trong thực tế, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “Ngay sau Đại hội, tất cả các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung làm tốt việc phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về kết quả Đại hội; nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Nghị quyết và các văn kiện Đại hội; khẩn trương xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch hành động, phát động phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, tinh thần đổi mới sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức[1].

Để góp phần thực hiện những nhiệm vụ nêu trên, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận cần tập trung nghiên cứu để thông qua các bài giảng, các bài viết, làm sâu sắc hơn kết quả của Đại hội, làm rõ những nội dung mới, cơ bản, quan trọng trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Về kết quả của Đại hội, cần phải nhấn mạnh, sự thành công của Đại hội là toàn diện trên tất cả các mặt. Đại hội thành công rất tốt đẹp thể hiện trên 3 phương diện: Một là, quá trình chuẩn bị mọi mặt để tổ chức Đại hội. Hai là sự thành công của công tác nhân sự kỹ lưỡng để bầu được Ban Chấp hành Trung ương mới có tâm, có tầm, gánh vác được trọng trách khi đất nước bước sang giai đoạn phát triển mới. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII gồm 200 đồng chí có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực, trình độ, uy tín để gánh vác trọng trách mà Đảng và Nhân dân giao phó. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã bầu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ba là, vấn đề tổ chức Đại hội, trong đó có công tác hậu cần, an ninh. Đây là Đại hội có số lượng đại biểu đông nhất trong 13 kỳ Đại hội của Đảng (1.587 đại biểu); Đại hội diễn ra trong tình hình dịch bệnh phức tạp nhưng vẫn được tổ chức tốt, khẩn trương nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Về những nội dung mới của Đại hội XIII, giảng viên cần nghiên cứu kỹ các văn kiện quan trọng Đại hội đã thông qua, đó là: Báo cáo chính trị; Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng khóa XII; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Các văn kiện này đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nhưng được xây dựng trên cơ sở tổng kết 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011). Như vậy, Đại hội XIII của Đảng không chỉ dừng lại ở việc kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII mà quan trọng hơn là tổng kết việc thực hiện Nghị quyết. Vì vậy, việc xây dựng dự thảo các văn kiện đã được chuẩn bị rất sớm; từ Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập các tiểu ban chuẩn bị văn kiện và công tác nhân sự, trong đó có 3 tiểu ban liên quan đến việc chuẩn bị các văn kiện: Tiểu ban Văn kiện do đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước, làm trưởng tiểu ban; Tiểu ban Kinh tế - xã hội do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ làm trưởng tiểu ban; Tiểu ban Điều lệ Đảng do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm trưởng tiểu ban. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đưa ra các vấn đề có tính nguyên tắc trong việc xây dựng và hoàn thiện các văn kiện: một là, tính kế thừa, phát triển; hai là, ổn định và đổi mới; ba là, kết hợp nhuần nhuyễn giữa thực tiễn với lý luận.

Những điểm mới của Đại hội XIII thể hiện tập trung nhất trong Báo cáo chính trị. Trước hết là điểm mới trong chủ đề Đại hội XIII: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí và quyết tâm phát triển đất nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa[2]. So với Đại hội XII, chủ đề Đại hội XIII có các điểm mới đáng chú ý: Một là, gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Hai là, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước. Ba là, xác định mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, giảng viên cần nhấn mạnh việc xác định cơ đồ đất nước ta sau 35 năm đổi mới trong báo cáo chính trị: “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”[3]; hệ thống lại những thành tựu nổi bật trên tất cả các lĩnh vực trong sự nghiệp đổi mới từ năm 1986 đến nay, đặc biệt là những thành tựu trong nhiệm kỳ khóa XII để làm sáng tỏ nhận định này.

Thư ba, một trong những điểm mới nổi bật là báo cáo chính trị lần này đã nêu lên hệ thống quan điểm chỉ đạo mà trong giai đoạn tới đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải quán triệt trong nhận thức và hoạt động thực tiễn;  đó là: tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong giai đoạn tới; tư tưởng chỉ đạo về chiến lược tổng thể phát triển đất nước; định hướng tạo động lực phát triển; định hướng huy động, phát huy mọi nguồn lực; định hướng xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ.

Thứ tư, giảng viên cần nghiên cứu làm rõ điểm mới trong phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”[4]. Tại Đại hội VI, Đảng ta khẳng định “thực hiện có nền nếp khẩu hiệu dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, đó là nền nếp hằng ngày của xã hội mới, thể hiện chế độ nhân dân lao động tự quản lý Nhà nước của mình[5]. Như vậy, lần đầu tiên phương châm này được gọi là “khẩu hiệu”. Đến Đại hội VIII, Đảng ta đề ra nhiệm vụ: “Xây dựng cơ chế cụ thể để thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra[6]; ở đây khái niệm “khẩu hiệu” được thay bằng khái niệm “phương châm”. Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” sau hơn 30 năm thực hiện đã đem lại hiệu quả rất tích cực. Đến nay, Đảng ta bổ sung nội dung “dân giám sát, dân thụ hưởng” là rất đúng đắn, phù hợp cả về lý luận và đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng như đòi hỏi, nguyện vọng của chính người dân, nay đã chín muồi. Đây là một điểm mới của Đại hội XIII; thể hiện nền dân chủ xã hội ngày càng được mở rộng, đi vào nền nếp trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

 Thứ năm, giảng viên cần đặc biệt chú ý nghiên cứu 5 bài học kinh nghiệm. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá, đây có thể là những vấn đề lý luận của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thêm những bài học này. Đặc biệt, nếu nhìn lại những bài học kinh nghiệm được Đảng ta rút ra trong các kỳ Đại hội Đảng, nhất là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, thì đây là lần đầu tiên, bài học về xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Đảng ta đặt ở vị trí đầu tiên trong 5 bài học (tất cả các Đại hội trước, bài học về xây dựng Đảng được đặt ở vị trí cuối cùng). Tất nhiên, những bài học kinh nghiệm được Đảng ta đúc rút ra thông qua tổng kết, đánh giá, kiểm điểm quá trình lãnh đạo của mình, từ những thành công, thành tựu cũng như những sai lầm, khuyết điểm, yếu kém; những  bài  học của mỗi đại hội sau là sự kế thừa, bổ sung, phát triển những bài học của các đại hội trước; đó chính là sự tổng kết lý luận và thực tiễn, là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân ta, là những tư tưởng lớn mang tính chiến lược, định hướng cho sự phát triển đất nước, định hướng tư tưởng và hành động cho mọi tổ chức đảng và đảng viên. Do đó, thứ tự của các bài học không phải là yếu tố để đánh giá tầm quan trọng, ý nghĩa của bài học đó hay đánh giá bài học học nào quan trọng hơn bài học nào. Nhưng việc lần đầu tiên đưa bài học về xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên vị trí hàng đầu đã khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng ta đối với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Điều đó cũng cho thấy rằng, trong giai đoạn hiện nay, đây chính là nhiệm vụ cần kíp, sống còn của toàn Đảng; phải tiến hành công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thực sự hiệu quả; đảm bảo xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng để hoàn thành trọng trách vinh quang nhưng vô cùng khó khăn, phức tạp mà Nhân dân ta, dân tộc ta đã một lòng tin tưởng, giao phó. Điều này hoàn hoàn thống nhất với việc đây là Đại hội đầu tiên có một báo cáo riêng về công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ khóa XII. Điều này cũng hoàn toàn thống nhất với chủ đề của Đại hội lần này với 5 thành tố, trong đó thành tố đầu tiên là “xây dựng, chỉnh đốn Đảng”.

Trong bài học về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bên cạnh 4 mặt của công tác xây dựng Đảng mà Đại hội XII đã xác định (xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức), Đại hội lần này bổ sung thêm một mặt công tác quan trọng, đó là công tác cán bộ: “chú trọng đặc biệt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Báo cáo chính trị cũng xác định rõ những nội dung xây dựng Đảng về cán bộ như: tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; hoàn thiện thể chế, quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ; Nâng cao chất lượng đảng viên; xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc; coi trọng và làm tốt công tác bảo vệ cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ.

Để đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống, đem lại “thành công thực tế của Đại hội” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong diễn văn bế mạc Đại hội, công tác phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về kết quả Đại hội, nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Nghị quyết và các văn kiện Đại hội đóng vai trò quan trọng. Thông qua công tác tuyên truyền, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước; khơi dậy và cổ vũ tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước cường thịnh; tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng... Cùng với ban tuyên giáo, cấp ủy, đội ngũ báo cáo viên các cấp, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận sẽ hoàn thành tốt công tác tuyên truyền Nghị quyết thông qua công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đóng góp tích cực vào việc triển khai Nghị quyết Đại hội ở các cấp trong toàn tỉnh./.


[1] Diễn văn bế mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Đại hội XIII của Đảng.

[2] Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng.

[3] Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng.

[4] Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng.

[5] Báo cáo chính trị Đại hội VI của Đảng.

[6] Báo cáo chính trị Đại hội VIII của Đảng.

 


Các tin khác