Ngành y tế Việt Nam thực hiện lời căn dặn của Bác

Vào ngày 27/02 hằng năm, cả nước Việt Nam hướng về kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam nhằm tri ân sự đóng góp, hy sinh thầm lặng của đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế trên khắp cả nước, đồng thời ghi nhớ và thực hiện lời căn dặn của Bác: Phải thật thà đoàn kết; Thương yêu người bệnh - Lương y phải như từ mẫu; Phấn đấu xây dựng nền y học nước nhà; Không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt lên mọi khó khăn gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó.

Cách đây 66 năm, nhân dịp tổ chức Hội nghị Cán bộ y tế (27/02/1955), Bác Hồ đã gửi thư cho Hội nghị căn dặn ba điều:

1. Trước hết là phải thật thà đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích.

Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bác sỹ, Dược sỹ cho đến các anh chị em giúp việc.

Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân.

2. Thương yêu người bệnh. Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang.

Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn.“Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng.

3. Xây dựng một nền y học của ta. Trong những năm nước ta bị nô lệ thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta.

Y học cần phải dựa trên nguyên tắc: khoa học dân tộc và đại chúng. Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “ Đông” và thuốc “Tây”".

Với ý nghĩa sâu sắc của bức thư này, từ năm 1955, ngày 27/02 được chọn là Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Năm nay, kỷ niệm 66 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, trong bối cảnh cả nước đang đoàn kết cùng nhau chống lại đại dịch Covid-19 thì sự hướng về ngày kỷ niệm này càng có ý nghĩa đặc biệt.

 Với sự nỗ lực của ngành tế Việt Nam trong suốt thời gian qua đã minh chứng cho sự phát triển và không ngừng vươn lên để khẳng định vị thế y tế nước nhà: Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân được quan tâm. Y tế dự phòng được tăng cường, cơ bản không để dịch bệnh lớn xảy ra. Việt Nam từng bước kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, không để lây lan trên diện rộng, được ghi nhận, đánh giá cao. Mạng lưới cơ sở y tế phát triển rộng khắp, năng lực, chất lượng khám, chữa bệnh và y đức được nâng lên; y tế cơ sở được chú trọng. Nhiều bệnh viện công lập được thực hiện tự chủ. Công nghiệp dược phát triển nhanh, năng lực sản xuất thuốc trong nước có nhiều tiến bộ. Thuốc sản xuất trong nước chiếm 74% mặt hàng, đáp ứng được trên 50% về lượng và 40% về giá trị; đã sản xuất được nhiều loại thuốc đòi hỏi công nghệ cao, yêu cầu kỹ thuật ngặt nghèo; đã sản xuất được 11/12 loại vắc-xin sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đặc biệt là triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh trực tuyến, từ xa. Nhiều dịch vụ y tế kỹ thuật cao, tiên tiến được áp dụng. Tình trạng quá tải bệnh viện, nhất là tuyến Trung ương và tuyến cuối từng bước được khắc phục.

Tuổi thọ trung bình tăng từ 72,9 tuổi năm 2010 lên 73,7 tuổi vào năm 2020, trong đó nam giới 71,2 tuổi, nữ giới 76,5 tuổi[1]. Số bác sĩ trên 1 vạn dân tăng từ 7,2 bác sĩ năm 2010 lên khoảng 9 bác sĩ năm 2020. Số giường bệnh trên 1 vạn dân tăng từ 21,9 giường năm 2010 lên 28 giường năm 2020, vượt mục tiêu đặt ra (26 giường). Thay đổi căn bản về bảo hiểm y tế, hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân; tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng nhanh từ 60,9% dân số năm 2010 lên 90,7%[2] vào năm 2020. Mức sinh thay thế được duy trì, chất lượng dân số được cải thiện. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh[3].

Đặc biệt, trong năm 2020 còn là một năm đáng nhớ của ngành y tế Việt Nam với những thành tựu ấn tượng:

Mổ tách cặp song sinh dính liền phức tạp: Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao bằng công nhận kỷ lục “Ca đại phẫu thuật phức tạp với đội ngũ y, bác sĩ tham gia nhiều nhất Việt Nam để mổ tách dính vùng bụng chậu cho cặp song sinh” cho Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh. Ca dính bụng chậu như thế này chỉ chiếm khoảng 6%. Ca mổ tách cặp song sinh dính liền được xem là dấu mốc quan trọng với ngành y tế Việt Nam trong năm 2020.

Hai ca ghép ruột đầu tiên tại Việt Nam: Bệnh viện Quân Y 103 (Hà Nội) thực hiện thành công 2 ca ghép ruột từ người cho sống. Hiện thế giới chỉ có 61 trung tâm ghép ruột ở 19 nước với khoảng 1.000 ca được triển khai. Việt Nam trở thành quốc gia thứ 20 ghép ruột thành công.

Ghép chi thể đồng loài đầu tiên trên thế giới: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thành công ca ghép chi thể lấy từ người cho sống để ghép bàn tay mới cho bệnh nhân. Trên thế giới, từ năm 1998 đến nay, chỉ có khoảng 89 ca ghép chi thể trên thế giới được thông báo trong y văn quốc tế. Các trường hợp được ghép đều lấy nguồn từ người cho chết não. Đây là ca ghép chi thể đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng là ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống.

Ghép tế bào tự thân chữa lành cho bệnh nhân bạch biến: Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) áp dụng thành công phương pháp ghép tế bào thượng bì tự thân không qua nuôi cấy điều trị bệnh bạch biến và các rối loạn giảm sắc tố da khác. Đây là bệnh viện đầu tiên của nước ta thực hiện phương pháp này để chữa cho bệnh nhân bạch biến.

Ca can thiệp bào thai chưa từng có trong y văn thế giới: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội truyền ối vào buồng tử cung để cứu thai nhi. Đây là trường hợp sản phụ có lỗ thủng trên tử cung dị dạng. Trường hợp này, nếu người mẹ phải khâu lại tử cung thì lần sau sẽ lại vỡ tiếp, mãi mãi không bao giờ có con. Nhưng chúng ta đã mang lại cơ hội cho sản phụ ngay từ đứa bé đầu tiên này nhờ y học bào thai tiếp tục.

Lần đầu lắp xương kim loại cho bệnh nhân ung thư: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Xanh Pôn đã thực hiện thành công ca phẫu thuật thay toàn bộ xương đùi bên phải cho bệnh nhân. Ca cắt bỏ tổn thương ung thư và thay toàn bộ xương đùi kim loại là phẫu thuật được thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam, mở ra hy vọng bảo tồn chi thể cho các bệnh nhân bị ung thư xương nói chung, ung thư xương đùi nói riêng. Đồng thời, đây cũng là minh chứng cho sự tiến bộ cho nền y học Việt Nam tiệm cận với các nước trên thế giới.

Đối với tỉnh Bình Thuận, năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tuy còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tập thể viên chức, người lao động của Bệnh viện tỉnh đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực, đặc biệt ngay từ đầu năm 2020, Bệnh viện đã chủ động xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Với tinh thần khẩn trương và quyết liệt, triển khai ngay với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; theo đó chuẩn bị mọi mặt về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, hóa chất, thuốc; thành lập đội cấp cứu ngoại viện sẵn sàng đáp ứng nhanh phòng, chống dịch và thu dung điều trị; xây dựng các phương án và kịch bản nhằm chủ động đối phó trong mọi tình huống; nhờ đó khi có ca bệnh đầu tiên (ngày 09/3/2020) bệnh viện đã chủ động tiếp nhận cách ly và điều trị kịp thời. Bằng việc quán triệt sâu sắc, bám sát chỉ đạo; chủ động mọi mặt, huy động tối đa các nguồn lực tại chỗ, sự chi viện và giúp đỡ của cấp trên và của toàn xã hội; sự nỗ lực của toàn thể VC-NLĐ trong bệnh viện, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, phương châm “4 tại chỗ” có thể nói đến thời điểm này cùng với toàn tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, song song nhiệm vụ cấp cứu, khám chữa bệnh kết hợp kiểm soát và điều trị hiệu quả các bệnh nhân Covid-19, tất cả 10 ca Covid-19 đều được điều trị khỏi, không có biến chứng và không có trường hợp lây nhiễm chéo. Bệnh viện không chủ quan, lơ là; luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó, tiếp nhận điều trị Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp khác.

Với quyết tâm thực hiện lời căn dặn của Bác, ngành y tế Việt Nam đã khẳng định vị thế của mình và không ngừng vươn lên để sánh vai với các cường quốc năm châu như mong muốn của Bác. Ngành y tế Việt Nam sẽ luôn tự hào khi nhìn lại những thành tích của mình để chào mừng kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02) hằng năm./.  


[1] Theo Tổ chức Y tế thế giới, tuổi thọ trung bình của Việt Nam đạt 76,3 tuổi, số năm sống khoẻ sau tuổi 60 đạt 17,2 năm, đứng thứ 42/183 nước.

[2] Nếu tính cả bảo hiểm thương mại thì đạt trên 93%.

[3] Tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm từ 17,5% năm 2010 xuống 12% năm 2020. Tỉ suất chết của người mẹ trong thời gian thai sản trên 100.000 trẻ đẻ sống giảm từ 69 người năm 2010 xuống 52 người năm 2020.


Các tin khác