Nâng cao bản lĩnh chính trị cho học viên, sinh viên trong giáo dục và đào tạo ở bậc đại học, cao đẳng hiện nay

Bản lĩnh chính trị của sinh viên là tổng hoà những tri thức chính trị, ý chí chính trị và niềm tin chính trị. Ba yếu tố này có sự thống nhất, phát triển, tạo nên trạng thái chính trị bền vững, ổn định, bảo đảm định hướng chính trị đúng đắn, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn xã hội. Sinh viên là lực lượng chính tạo nên đội ngũ tri thức, chính họ là những người quyết định tương lai và vận mệnh của đất nước sau này. Nâng cao bản lĩnh chính trị là yêu cầu và trách nhiệm của các trường đại học, các tổ chức chính trị - xã hội và của bản thân mỗi sinh viên. Bên cạnh đó, nâng cao bản lĩnh chính trị của sinh viên không chỉ “tăng cường sức đề kháng”, khả năng “miễn dịch” trước những tác động của mặt trái kinh tế thị trường mà còn rèn luyện khả năng kiên trì vượt qua khó khăn, thách thức để đạt được mục tiêu.

Hệ thống giáo dục đại học Việt Nam hiện tại có 237 trường đại học, học viện (bao gồm 172 trường công lập, 60 trường tư thục và dân lập, 5 trường có 100% vốn nước ngoài)[1], các trường có nhiệm vụ trang bị tri thức khoa học nền tảng cho sinh viên trước khi tiếp cận khoa học chuyên ngành; các trường đã và đang thực hiện tốt chỉ thị số 42-CT/TW của Ban bí thư trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030”; Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã và đang trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thiết thực trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Ngoài ra, nhà trường và thầy cô cũng thực hiện tốt Kết luận số 94-KL/TW, ngày 28-3-2014, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân để xây dựng bản lĩnh chính trị cho sinh viên ngay từ trên ghế nhà trường.

Thông qua đó, sinh viên nắm rõ các quan điểm, học thuyết chính trị, hiểu biết về lịch sử, lý thuyết xây dựng các thể chế, đặc biệt là ý luận chủ nghĩa Mác - Lênin; tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Điều này giúp cho phần lớn sinh viên đều có lòng yêu nước, nhận thức đúng đắn và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới đất nước. Bởi lẽ, khi có niềm tin vào sự nghiệp cách mạng sẽ có tác động tích cực tới nhận thức và thái độ của sinh viên. Ngược lại, nếu sinh viên không có niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà mình đang tham gia thì dễ nảy sinh thái độ thụ động, thờ ơ, dễ đánh mất lý tưởng. Nhiều sinh viên tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào do Đoàn, Hội tổ chức; vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, góp phần hình thành nên thế hệ sinh viên có ước mơ, hoài bão, lý tưởng lớn, không ngừng khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu vươn lên để trở thành những công dân hữu ích cho xã hội, chủ động và tự tin trong hội nhập quốc tế.

Tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng việc rèn luyện bản lĩnh chính trị của sinh viên các trường đại học, cao đẳng vẫn còn nhiều hạn chế. Do nhiều nguyên nhân, một bộ phận thanh niên chưa quan tâm đến đời sống chính trị, thậm chí nhận thức sai lệch về tình hình chính trị của đất nước, vai trò lãnh đạo của của Đảng, và hoài nghi vào con đường cách mạng do bị ảnh hưởng bởi những thông tin sai trái của thế lực thù địch dẫn đến những phát ngôn và hành động sai trái trong đời sống thực và trên mạng xã hội. Ngoài ra, một số sinh viên có lối sống buông thả, chạy theo những trào lưu, xu hướng tầm thường, mắc vào các tệ nạn xã hội. Đặc biệt, trong những năm gần đây, tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” là một thực trạng đáng báo động trong tư tưởng, nhận thức chính trị của một bộ phận sinh viên. Công tác Đoàn, Hội vẫn còn chậm và lúng túng, chưa kịp thời có ý kiến và nghiên cứu đề xuất giải pháp trước những diễn biến phức tạp nêu trên.

Để giải quyết tình trạng trên, chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị cho học viên, sinh viên. Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với sinh viên – đây là giải pháp mang tính quyết định. Bởi lẽ, để sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với học sinh, sinh viên có có hiệu quả cao; trước hết, các trường đại học, cao đẳng cần đẩy mạnh công tác giáo dục lý luận cho thế hệ trẻ, chú trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước của dân tộc, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tăng cường giáo dục về thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin; bồi dưỡng tri thức cho sinh viên về đấu tranh tư tưởng, lý luận. Muốn làm tốt nhiệm vụ này, các trường học cần đổi mới phương pháp, chương trình dạy học phù hợp với từng đối tượng và lĩnh vực đào tạo. Tạo thói quen và sự hứng khởi cho sinh viên trong việc nắm bắt các vấn đề chính trị bằng các phong trào, hoạt động, phim ảnh, ca nhạc gần gũi với thanh thiếu niên. Thứ hai, Đoàn cần đề cao trách nhiệm nêu gương cán bộ Đoàn chủ chốt; kịp thời phát giác và định hướng tư tưởng cho những cá nhân có hành vi, suy nghĩ lệch lạc. Tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng và hệ thống chính trị là trách nhiệm, quyền lợi chính trị của đoàn viên thanh niên và tổ chức Đoàn, là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của các cấp bộ Đoàn. Đoàn phải thường xuyên bổ sung nguồn nhân lực trẻ, có chất lượng cho Đảng thông qua việc phát triển Đảng trong sinh viên.

 Ngoài ra, thầy cô, nhà trường, chính quyền địa phương, đoàn thể cần quan tâm, nắm bắt đến đời sống, tâm tư của học sinh, sinh viên; tránh bị đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ, làm lệch lạc tư tưởng. Đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung, phương thức hoạt động theo hướng: mở rộng về phạm vi; phong phú về nội dung; linh hoạt, đa dạng về hình thức; phù hợp với từng đối tượng sinh viên và đúng định hướng chính trị, làm cho học sinh, sinh viên không có cảm giác bị bắt buộc khi học tập hay tham gia các hoạt động. Bên cạnh đó, cần định hướng tư tưởng cách mạng, khơi gợi tình yêu quê hương, dân tộc, gia đình trong học sinh.

Sinh viên là những thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng nước nhà, là tầng lớp trí thức chủ yếu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay. Việc giáo dục, bồi dưỡng và rèn luyện ý thức chính trị cho sinh viên có liên quan đến xu thế phát triển trong tương lai của dân tộc, đến sự thành bại của cách mạng, đến định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh việc giáo dục những kiến thức chuyên môn để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với nền kinh tế tri thức, cần phải phải tăng cường giáo dục chính trị cho sinh viên như mục tiêu Đại hội đại biểu Hội sinh viên Việt Nam lần thứ X đã nhấn mạnh: “Xây dựng lớp sinh viên thời kì mới có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có trách nhiệm với Tổ quốc,…”./.


[1] Theo thống kê của Bộ giáo dục và đào tạo, năm 2019.


Các tin khác