Nói về trách nhiệm của đảng viên trong học tập lý luận chính trị, trong bài nói chuyện tại lớp huấn luyện đảng viên mới năm 1966 tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tất cả các đảng viên phải cố gắng học tập, coi việc học tập lý luận và chính trị là một nhiệm vụ quan trọng của mình”[1].
Đảng ta cũng đã có quy định số 54-QĐ/TW, ngày 12/5/1999 về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng do Bộ Chính trị ban hành, quy định rõ “Học tập là nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp phải có kế hoạch thường xuyên học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức chuyên môn và năng lực hoạt động thực tiễn”.
Trong nhiệm kì 2015 - 2020, Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận đã mở 114 lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính với 8.090 học viên là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn toàn tỉnh. Nhìn chung trong quá trình học tập, phần lớn học viên nghiêm túc tiếp thu, có tinh thần trách nhiệm trong phát biểu xây dựng bài, chịu khó nghiên cứu, tìm hiểu; chấp hành nghiêm những nội quy, quy định của Nhà trường. Qua học tập, nhận thức của cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ngày càng được nâng lên. Học viên sau khi tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị - hành chính, luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, vận dụng tốt kiến thức lý luận vào thực tiễn công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều học viên chưa thực sự quan tâm đến việc học lý luận chính trị; hầu như chỉ chú trọng đến chuyên môn, chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học lý luận chính trị, chưa xem đó là nhu cầu của bản thân. Nhiều học viên tham gia học với tư tưởng bắt buộc phải học để có bằng đủ điều kiện đề bạt, bổ nhiệm, cho nên thái độ học không nghiêm túc, học chống đối, ít tương tác trao đổi với giảng viên. Có những học viên không thực hiện đúng quy chế trong lớp học, đi trễ, sử dụng điện thoại lướt web, chơi game, đọc báo hoặc đem việc của cơ quan đến lớp học để làm việc; các buổi thảo luận ở lớp rất ít hoặc không có học viên tự nghiên cứu, trao đổi, thảo luận mà hầu như giảng viên phải hệ thống lại kiến thức đã học...Đó chính là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhiều học viên thi rớt hoặc kết quả học tập thấp.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, ngày 30-10-2016 “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” cũng chỉ rõ “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” là 1 trong 9 biểu hiện của sự suy thoái tư tưởng chính trị. Đồng thời cũng đề ra giải pháp “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức trong toàn Đảng về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương”.
Qua thực tiễn việc dạy và học ở Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận trong thời gian qua, tôi xin mạnh dạn đưa ra một số giải pháp để khắc phục những biểu hiện trên trong học tập lý luận chính trị, góp phần ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên:
Trước hết, cần tăng cường nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lý luận chính trị cũng như những kiến thức về chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong mỗi học viên. Từng học viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm; nhận thức rõ việc học tập lý luận chính trị là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình, là nhu cầu của chính bản thân mình, là biện pháp quan trọng để giữ vững lập trường giai cấp, góp phần bổ sung thêm sự hiểu biết về lý luận, nhằm vận dụng vào thực tiễn, nâng cao năng lực công tác. Đồng thời, phải nâng cao tính tự giác, tự nghiên cứu, tự học tập, phải có thái độ và phương pháp học tập đúng. Những người giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu trong học tập lý luận chính trị.
Thứ hai, cấp ủy các địa phương, cơ quan, đơn vị cử người đi học cần phải chọn, cử đúng đối tượng, theo tiêu chuẩn và đặc biệt cần hết sức quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ, nhất là về mặt thời gian để họ yên tâm tham gia học tập; đồng thời, lấy kết quả học tập, ý thức rèn luyện trong quá trình học tập là một tiêu chí để đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên và bình xét thi đua khen thưởng cuối năm.
Thứ ba, về phía giảng viên, cần tích cực nghiên cứu, trau dồi kiến thức chuyên môn, tăng cường kiến thức thực tiễn, gắn lý luận với thực tiễn trong mỗi bài giảng. Cùng với đó, cần tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động đóng góp ý kiến xây dựng bài học, khơi dậy niềm hứng thú trong học tập lý luận chính trị của học viên.
Rõ ràng, trong tình hình hiện nay, việc học tập lý luận chính trị là điều cần thiết góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị cũng như năng lực công tác cho mỗi cán bộ, đảng viên. Vì vậy bản thân mỗi học viên khi được cấp ủy lựa chọn cử đi học cần nâng cao ý thức trách nhiệm, nhận thức của mình về sự cần thiết phải học tập lý luận chính trị, góp phần ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị./.
[1] Hồ Chí Minh, học tập lý luận và chính trị là nhiệm vụ quan trọng của đảng viên, nxb Sự thật, H, 1978