Áo dài - nét độc đáo của văn hóa Việt Nam

Theo tìm hiểu của bản thân, đến nay chúng ta vẫn còn nhiều ý kiến về nguồn gốc, thời gian xuất hiện của chiếc áo dài Việt Nam. Trong đó luồng ý kiến được nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận đó là áo dài xuất hiện vào giai đoạn năm 38 – 42 SCN. Những người đầu tiên khoác lên mình bộ trang phục này là Hai Bà Trưng- 2 vị nữ tướng đầu tiên của Việt Nam, trong cuộc kháng chiến chống lại quân Hán.

Từ "Áo dài" (ao dai /ˈaʊ ˌdʌɪ/) được đưa nguyên bản vào từ điển Oxford và được giải thích là loại trang phục của phụ nữ Việt Nam với thiết kế 2 tà áo trước và sau dài chấm mắt cá chân che bên ngoài chiếc quần dài. Trước đây, áo dài dành cho cả nam lẫn nữ, nhưng hiện nay thường được biết đến nhiều hơn với tư cách là trang phục nữ.

Đến nay, chiếc áo dài - niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung, đã trải qua nhiều giai đoạn biến thể khác nhau cùng với sự thay đổi của lịch sử nước nhà. Thời nhà Nguyễn với áo giao lãnh gắn với tên tuổi Chúa Nguyễn Phúc Khoát; Thế kỷ 17 với áo dài tứ thân; Thế kỷ 19 với chiếc áo dài ngũ thân; Áo dài Le Mur: đầu thập niên 1930 - 1943, gắn với tên tuổi họa sĩ Nguyễn Cát Tường; Áo dài Lê Phổ (1934) gắn với tên tuổi họa sĩ Lê Phổ; Áo dài Trần Lệ Xuân ra đời vào cuối năm 1958;  Áo dài Raglan (1960)) ra đời gắn liền với tên tuổi của hiệu may Dung ở Dakao Sài Gòn; Áo dài chít eo – áo dài miniraglan (1960 – 1970); Áo dài truyền thống Việt Nam từ những năm 1970 cho đến nay.

Như vậy, ít nhất chiếc áo dài đã có 09 lần biến thể. Qua hơn nghìn năm Bắc thuộc và trăm năm chịu sự đô hộ của thực dân Pháp, chiếc áo dài Việt Nam chịu sự ảnh hưởng phần nào bởi hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Nhưng nó vẫn giữ nguyên được giá trị, vẫn chứa đựng bản sắc văn hóa nghìn năm của dân tộc. Nó vẫn chiếm vị trí không một trang phục nào có thể thay thế được dù ngành thời trang hàng ngày, hàng giờ vẫn đang sáng tạo ra vô vàn phục trang mới lạ, hiện đại. Qua nhiều biến đổi từ kiểu dáng và chất liệu, chiếc áo dài đã được xem là quốc phục của phụ nữ Việt Nam, được sử dụng trong những dịp quốc lễ, những sự kiện trang trọng, lễ , Tết, cưới hỏi… Áo dài được bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nữ Bộ trưởng ngoại giao đầu tiên của nước ta mặc trong quá trình tham gia đàm phán tại Hội nghị Pari; áo dài theo chân các nữ chính khách của nước ta đi khắp thế giới, trong các sự kiện quan trọng; áo dài gắn liền với hình ảnh cô giáo như mẹ hiền, với tuổi học trò nghịch ngợm, hồn nhiên, với cô dâu mới trong lễ vu quy, áo dài luôn được các người đẹp Việt Nam lựa chọn trong các cuộc thi sắc đẹp trong nước và quốc tế… Áo dài là trang phục độc đáo, chứa đựng giá trị văn hóa nghìn năm của dân tộc, là sự nhận diện của phụ nữ Việt Nam, của đất nước Việt Nam với thế giới, và đã được bạn bè khắp năm châu ngưỡng mộ, ngợi khen, như lời bài hát “Một thoáng quê hương” của nhạc sĩ Từ Huy:

Đẹp biết bao, quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu,

Dù ở đâu, Pari, Luân đôn, hay những miền xa,

Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố,

Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó, em ơi.

Chiếc áo dài đem đến nét đặc trưng gợi cảm, kín đáo, dịu dàng, đoan trang phù hợp với vóc dáng, tính cách, thần thái của người phụ nữ Việt Nam. Quả vậy, áo dài đẹp nhất khi được chính những chủ nhân của nền văn hóa Việt Nam khoác lên người. Chỉ khi đó, nó mới thể hiện được hết những giá trị mà nó chứa đựng: những thăng trầm, biến thiên của lịch sử đất nước qua từng giai đoạn; tích cách, nhân phẩm của người phụ nữ Việt Nam; điều kiện tự nhiên, thời tiết khí hậu, hoàn cảnh kinh tế - xã hội của đất nước ta qua mỗi thời kỳ./.


Các tin khác