Quá trình đẩy mạnh cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên số hóa và kết nối mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời cũng đưa đến những thách thức đối với quá trình phát triển. Có thể nói, trong môi trường kỹ thuật số năng động này đòi hỏi phải xây dựng và phát triển những tài năng mới, đặc biệt là đội ngũ thanh niên, bởi vì thanh niên là “người chủ tương lai của nước nhà”, là người xung phong trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Nắm bắt được tình hình trên, Đoàn Thanh niên tỉnh Bình Thuận đã chủ động trang bị các kỹ năng liên quan đến nhận thức (tư duy, giải quyết vấn đề, tự phê bình); các kỹ năng về thể chất, trí tuệ (ngôn ngữ, sáng tạo tri thức, chiến lược học tập, rèn luyện thể lực) và các kỹ năng về xã hội (giao tiếp ứng xử, tạo lập quan hệ) cho thanh, thiếu niên tỉnh nhà với các hoạt động thiết thực, đáng chú ý có Chương trình “Hỗ trợ Thanh niên phát triển kỹ năng, sức khoẻ thể chất, đời sống văn hoá tình thần”. Đoàn Thanh niên Bình Thuận cũng luôn chú trọng đến công tác hợp tác quốc tế cho thanh niên như tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực hội nhập quốc, tiếp cận, phối hợp tổ chức các chương trình giao lưu quốc tế, học bổng, hội thảo du học các nước,…
Bên cạnh đó, những thay đổi về mặt công nghệ, ảnh hưởng đến đời sống thì khả năng thích ứng và khả năng giải quyết vấn đề một cách linh hoạt, sáng tạo là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động. Thanh niên Bình Thuận đã và đang học tập, nghiên cứu, lao động sáng tạo trong một số lĩnh vực quan trọng, đặc biệt là vật lý, sinh học, khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo, các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ mang tính đột phá. Việc học tập và nghiên cứu của thanh niên luôn xuất phát từ thực tiễn sản xuất - đời sống, và để phục vụ lại cho thực tiễn sản xuất - đời sống thông qua các chương trình “Hỗ trợ Thanh niên học tập, nghiên cứu, làm chủ khoa học công nghệ”, “Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”, phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” do Tỉnh Đoàn phát động, kêu gọi. Nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, đồng loạt, mang lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội được cộng đồng thanh niên kêu gọi, phát động trên mạng xã hội đã tạo hiệu ứng tốt đẹp trong xã hội và đạt kết quả cao.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận thanh niên, đoàn viên có biểu hiện mờ nhạt về lý tưởng, dễ dao động về lập trường chính trị, lệch lạc về giá trị đạo đức, sống thực dụng, ích kỷ, thiếu trách nhiệm, sa vào tệ nạn xã hội. Trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp của thanh niên tuy được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được sự phát triển và yêu cầu của nền kinh tế. Tiêu cực và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp, tác động xấu đến sự phát triển của thanh niên. Một bộ phận không nhỏ thanh niên thiếu hụt kiến thức lịch sử, văn hoá dân tộc, ngoại ngữ, tin học, tác phong làm việc, khả năng tư duy độc lập, và các kỹ năng xã hội. Ngoài ra, phải kể đến sự chênh lệch về mức sống, cơ hội học tập, điều kiện tiếp cận thông tin, công nghệ, trình độ học vấn của thanh niên giữa các khu vực trong tỉnh vẫn còn. Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm cũng là một áp lực lớn đối với thanh niên.
Đứng trước những khó khăn, thách thức nêu trên, thanh niên cần nhận thức rõ vị trí, vai trò của mình trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thanh niên cần phải tăng cường học tập, tự rèn luyện để nâng cao trình độ về mọi mặt, trau dồi bản lĩnh chính trị, giữ vững lý tưởng xã hội chủ nghĩa với vai trò là chủ thể tích cực, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Đoàn Thanh niên tỉnh Bình Thuận cần đóng một vai trò quan trọng trong hơn nữa trong việc “xây dựng thế hệ thanh niên Bình Thuận phát triển toàn diện, cổ vũ thanh niên thi đua học tập, khởi nghiệp, lao động sáng tạo, làm chủ khoa học”[1]. Bên cạnh công tác truyên truyền, định hướng tư tưởng cho thanh niên, Đoàn Thanh niên tỉnh Bình Thuận cần đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên về Đảng; đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng bằng những phương pháp, mô hình hoạt động gần gũi, thiết thực.
Tổ chức cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phòng chống tham nhũng, lãng phí, góp ý đảng viên, phòng chống suy thoái về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chính là những hoạt động cần thiết giúp thanh niên “đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc”[2]. Hướng dẫn, bổ sung các kiến thức và kỹ năng liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) vào chương trình giáo dục ngoại khoá, hoạt động định kì của Đoàn Thanh niên là một trong những yêu cầu cần thiết hiện nay nhằm xây dựng đội ngũ thanh niên sáng tạo, xung kích trong thời đại Cách mạng 4.0.
Cần mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên, rà soát, nắm bắt thực lực thanh niên để tạo nguồn phát triển đoàn viên mới đảm bảo chất lượng Đoàn Thanh niên. Đổi mới phương thức giáo dục của Đoàn theo hướng ứng dụng các sản phẩm của công nghệ thông tin: infographic, baner tuyên truyền, video, clip, trailer, đồ họa 3D, các hội nghị, cuộc thi trực tuyến, những thông tin định hướng, chia sẻ, trao đổi trên Internet xuất hiện ngày càng nhiều và thường xuyên hơn, nhanh hơn và có màu sắc của giới trẻ, nhất là khi mạng xã hội phát triển như hiện nay nhằm tiếp cận thanh niên một cách hiệu quả hơn.
Cùng với tuổi trẻ cả nước, trong những năm qua, thế hệ thanh niên Bình Thuận đã không ngừng phấn đấu vươn lên trở thành một trong những đơn vị tiên phong trong Cuộc cách mạng 4.0 với tinh thần chủ động, sáng tạo, góp phần tạo nên những thành tựu mới to lớn và có ý nghĩa cho tỉnh nhà như lời Bác dạy “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”[3]. Hy vọng trong những năm tới, phong trào Đoàn và công tác thanh niên của tỉnh nhà sẽ có nhiều khởi sắc, lực lượng thanh niên sẽ tiếp tục thể hiện tốt vai trò nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vững bước trong thời kỳ hội nhập 4.0./.
[1] Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Bình Thuận lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017 – 2022
[2] Khoản 2, Điều 37, Hiến pháp năm 2013.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.216