Việt Nam chuẩn bị triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19

Dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp tại Việt Nam và trên thế giới. Trước tình hình trên, dù còn nhiều khó khăn, Việt Nam đã quyết tâm đàm phán với nhiều nước trên thế giới để mua vaccine phòng dịch và sẽ triển khai tiêm phòng cho toàn dân.

Lô hàng gồm 117.600 liều vaccine Covid-19 đầu tiên đã chính thức về Việt Nam vào hơn 10h sáng ngày 24/02/2021; lô hàng được vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam, số vaccine này dự kiến sẽ ưu tiên tiêm cho những đối tượng có nguy cơ cao, với khoảng hơn 50.000 người, mỗi người tiêm 2 mũi. Vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca đã được phê duyệt cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam vào đầu tháng 02/2021. Lô vaccine này nằm trong số 30 triệu liều  mà Việt Nam đặt Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam VNVC mua. Ngoài ra, Liên minh vaccine toàn cầu COVAX sẽ viện trợ cho Việt Nam khoảng 4,9 triệu liều vaccine cũng của AstraZeneca trong quý 1 và 2 này; trong quý 3 sẽ có thêm khoảng 30 triệu liều.

GS, TS Nguyễn Thanh Long, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Y tế cho biết những liều vaccine Covid-19 đầu tiên của AstraZeneca đã có mặt kịp thời trong lúc cả nước đang ứng phó với đợt bùng phát mới; hiện nay Bộ Y tế đang nỗ lực đàm phán với các nhà sản xuất vaccine khác để cung cấp đầy đủ vaccine cho người dân trong năm 2021 theo chỉ đạo của Bộ Chính trị. Như vậy, bằng nguồn mua và nhận viên trợ, Việt Nam có chắc chắn 60 triệu liều vaccine trong năm 2021; Việt Nam đang tiếp tục đàm phán để mua thêm vaccine để có đủ tiêm cho toàn dân. Sau này, khi đảm bảo được nguồn cung cấp, người dân sẽ được tiêm miễn phí tương tự các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng hiện nay, bên cạnh đó sẽ có một phần nhỏ là vaccine dịch vụ cho những người có khả năng chi trả cao hơn.

Trước đó, Bộ Y tế vừa công bố hơn 18,3 triệu người thuộc 11 nhóm đối tượng được tiêm vaccine Covid-19, theo mức độ ưu tiên tình huống dịch và trong bối cảnh nguồn vaccine hạn chế hiện nay gồm: người làm việc trong các cơ sở y tế điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên tham gia phòng chống dịch, lực lượng biên phòng tại các điểm chốt, công an tại khu cách ly, nhân viên xét nghiệm, nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh, giáo viên, người trên 65 tuổi mắc bệnh mạn tính, một số nhóm khác như tình nguyện viên, phóng viên tham gia chống dịch, người sống tại vùng dịch...

Với việc nhận lô hàng vaccine đầu tiên này, Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á tiếp cận nguồn vaccine phòng Covid-19, điều đó càng cho thấy ý nghĩa của việc chăm lo cho sức khỏe của Nhân dân mà Đảng, Chính phủ đang quyết tâm thực hiện. Song, một điều đáng lưu ý là dù có vaccine cũng cần chú ý công tác phòng bệnh với thông điệp 5K, không phải vì có vaccine mà chủ quan phòng dịch. Điều đáng mừng, ngày 26/02, vaccine phòng Covid-19 nội địa (Nanocovax) cũng sẽ bắt đầu tiêm thử nghiệm giai đoạn 2 trên người tình nguyện ở Long An và Hà Nội. Nếu việc tiêm thử nghiệm thành công, trong thời gian đến việc sản xuất vaccine tại Việt Nam sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu trong nước.

Trong khi Nhân dân cả nước đang vui mừng vì Việt Nam đã tiếp cận được vaccine phòng dịch, một số phần tử phản động đã cố tình lu loa cho rằng vaccine này nhập về chủ yếu tiêm phòng cho quan chức và lực lượng vũ trang; mặc dù Việt Nam đã công bố 11 đối tượng được ưu tiên tiêm phòng trước chủ yếu là những người trên tuyến đầu chống dịch. Chúng cố tình không hiểu biết và đưa thông tin sai sự thật nhằm làm cho người dân hiểu sai về chính sách của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, với các thông tin công khai trên các phương tiên thông tin đại chúng, cùng với việc quyết tâm có đủ vaccine cho người dân và triển khai tiêm vacicine trong thời gian tới sẽ làm cho những tiếng sủa vốn đã lạc lõng sẽ im tiếng. Một lần nữa, việc tiếp cận sớm vaccine của Việt Nam cùng với quyết tâm, nỗ lực, thành công của Việt Nam trong phòng chống dịch Covid - 19 càng thể hiện tính ưu việt của Nhà nước Việt Nam./.


Các tin khác