Xác định nhân thân đối với trẻ được sinh bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản

Thông thường, nguồn gốc nhân thân của một con người là tất cả những thông tin liên quan đến xuất thân của người đó. Hầu hết chúng ta được xác định nguồn gốc nhân thân một cách rõ ràng ngay từ khi sinh ra. Một trong những nguồn gốc đó có thể là quốc tịch, quê hương, dòng tộc và gần gũi hơn là những người có mối quan hệ huyết thống. Tuy vậy, vì những lý do nhất định cũng không ít người chưa thể biết được gốc tích quê hương, đất nước, ông bà tổ tiên. Do đó pháp luật cần phải tạo cơ chế thuận lợi để mỗi cá nhân được tìm hiểu về cội nguồn của mình.

Theo khoản 1 Điều 25 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) quy định:

“Điều 25. Quyền nhân thân

1. Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Quyền nhân thân được quy định cụ thể từ điều 26 đến điều 39 BLDS 2015, cụ thể:

Quyền có họ, tên; quyền thay đổi họ, tên; quyền xác định, xác định lại dân tộc; quyền được khai sinh, khai tử; quyền đối với quốc tịch; quyền của cá nhân đối với hình ảnh; quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể; Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quyền xác định lại giới tính, chuyển đổi giới tính; quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình; quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình…

Như vậy, các quyền thân thân của cá nhân trong pháp luật dân sự có phạm vi rộng và đa dạng, liên quan đến mối quan hệ giữa cá nhân với các cá nhân, tổ chức và giữa cá nhân với Nhà nước. Thông qua các nội dung được quy định cụ thể tại BLDS năm 2015, các quyền nhân thân của cá nhân được quy định chặt chẽ hơn, qua đó, bảo đảm tốt hơn quyền của cá nhân. Tuy nhiên không có quy định rõ ràng nào về việc xác định nguồn gốc nhân thân đối với trẻ được sinh bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Luật dân sự Việt Nam có ghi nhận quyền thay đổi họ, tên khi một người “bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc nhân thân huyết thống của mình”[1].  Căn cứ theo Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng… Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng”. Trong trường hợp cha, mẹ không tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp, thì quá trình chứng minh quan hệ huyết thống thường dựa trên kết quả giám định gen. Luật Nuôi con nuôi năm 2010 đã chính thức thừa nhận về “quyền được biết nguồn gốc nhân thân” của người được nhận làm con nuôi. Điều 11 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định: “Con nuôi có quyền được biết nguồn gốc của mình. Không ai có quyền được cản trở con nuôi được biết về nguồn gốc của mình”. Điều này có nghĩa là: bên cạnh các quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ - con mà pháp luật ghi nhận giữa cha mẹ nuôi và con nuôi, thì người được nhận làm con nuôi vẫn được tìm hiểu và thừa nhận nguồn gốc nhân thân của mình.

Tuy nhiên, đối với việc sinh con không theo phương pháp thông thường mà sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như: thụ tinh nhân tạo[2] và thụ tinh trong ống nghiệm[3] thì việc xác định nguồn gốc nhân thân của đứa trẻ sinh ra vẫn còn là điều đáng quan tâm hiện nay ở Việt Nam. Kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được áp dụng với người không thể hoặc không muốn mang thai và sinh con bằng cách thức tự nhiên thì họ có thể áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như nhận tinh trùng, noãn hoặc phôi từ nguồn hiến tặng.

Nguyên tắc xác định cha, mẹ đối với trường hợp con được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được quy định tại Điều 93 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Theo đó, trong trường hợp người vợ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì việc xác định cha, mẹ được áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 88 của Luật này. Trường hợp người phụ nữ sống độc thân sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì người phụ nữ đó là mẹ của con được sinh ra. Quá trình sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ và con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, với người con được sinh ra. Cha, mẹ được xác định về mặt pháp lý có thể hoàn toàn không phải là cha mẹ về mặt huyết thống. Cùng với những quy định về đăng ký khai sinh, thì trẻ được sinh ra sẽ không thể biết được cha mẹ về mặt huyết thống của mình.

Vấn đề đặt ra ở đây là nếu người con được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, không có cùng huyết thống với người được xác định là cha hoặc mẹ khi muốn xác định nguồn gốc nhân thân về mặt sinh học của mình, thì điều này có được pháp luật cho phép hay không? 

Pháp luật hiện hành không có quy định cấm xác định nguồn gốc nhân thân sinh học của người được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Nhưng đồng thời cũng gần như không có cơ chế cụ thể nào tạo sự hỗ trợ để những người được sinh ra bằng phương pháp khoa học xác định cha mẹ về mặt huyết thống của mình. Cùng với đó, quyền xác định nguồn gốc nhân thân trong trường hợp này lại càng khó được thực hiện khi một trong những nguyên tắc cơ bản hiện đang được pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản bảo vệ là “quyền bảo mật thông tin” của người hiến trứng hoặc tinh trùng. Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định: việc cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi được thực hiện trên nguyên tắc vô danh giữa người cho và người nhận; tinh trùng, phôi của người cho phải được mã hóa để bảo đảm bí mật. Thông tin của người hiến trứng hoặc tinh trùng phải đảm bảo tính vô danh để không xác định được người hiến[4]. Với những quy định kể trên, việc xác định một cách cụ thể và chính xác cha, mẹ về mặt huyết thống của người được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là điều gần như không thể thực hiện. Hay nói cách khác, đây vẫn là một vấn đề còn bỏ ngỏ ở nước ta hiện nay.

Vì vậy việc xác định nguồn gốc nhân thân của trẻ được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản sẽ không được thực hiện - trong khi nhu cầu có những hiểu biết nhất định về nguồn gốc nhân thân sinh học được xem là bản năng tự nhiên của mỗi con người. Chúng ta cũng cần lưu ý rằng việc xác định này chỉ nhằm thỏa mãn mong muốn được cung cấp thông tin gắn liền với nguồn gốc bản thân, mà không nhằm xác lập bất cứ mối quan hệ nào về mặt pháp lý. Do đó khi mà pháp luật chưa có quy định thì  theo tôi một đứa trẻ sinh ra cần phải có quyền được biết về nguồn gốc nhân thân của mình, có thể thông qua một số “kênh” như sau:

Thứ nhất, trong hồ sơ nhân thân của trẻ sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản phải được ghi những thông tin cơ bản theo Điều 8 Công ước quốc tế về Quyền trẻ em, thông tin bao gồm: quốc tịch, tên, các mối quan hệ gia đình của trẻ. Có thể nói đây là những thông tin cơ bản để cho thấy sự khác biệt cơ bản giữa chủ thể này với chủ thể khác.

Thứ hai, bằng mối quan hệ pháp lý giữa người hiến trứng, tinh trùng với người con, pháp luật cần khẳng định rằng giữa người hiến trứng hoặc tinh trùng với người con được sinh ra từ nguồn được hiến tặng không phát sinh bất cứ quan hệ pháp lý nào, đặc biệt là quan hệ cha, mẹ - con. Ngay cả khi quyền xác định nguồn gốc nhân thân được thừa nhận và danh tính của người hiến tặng được công khai thì giữa người hiến tặng và người được sinh ra cũng không tồn tại mối quan hệ cha, mẹ - con. Có như vậy thì gánh nặng về mặt tâm lí sẽ được gỡ bỏ, từ đó “con đường” tìm hiểu về nguồn gốc nhân thân sinh học của những người con được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản sẽ được “sáng” hơn.

Thứ ba, khi trẻ đến một độ tuổi nhất định, nghĩa vụ thông báo việc con được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản của cha, mẹ phải được thực hiện. Thông thường, cha, mẹ chính là những người thông tin về sự khác biệt trong huyết thống với con. Điều này được thực hiện một cách chủ động và tự nguyện mà không có sự can thiệp của bất cứ quy định pháp luật nào.

Như vậy, quyền xác định nguồn gốc nhân thân của người sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là một vấn đề thể hiện nhiều tính nhân văn và tiến bộ trong khoa học pháp lý. Ở nước ta, quyền xác định nguồn gốc nhân thân của con được sinh ra bằng phương pháp khoa học chưa được thừa nhận một cách rõ ràng. Tuy vậy, trong tương lai không xa, pháp luật Việt Nam sẽ từng bước được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện; hy vọng rằng những người sinh ra bằng phương pháp khoa học không biết được cha, mẹ về mặt sinh học của mình sẽ có khả năng được tiếp cận một số thông tin nhất định để có thể hiểu rõ hơn về nguồn gốc nhân thân của bản thân mình./.


[1] Điều 27, Điều 28 Bộ luật Dân sự năm 2015.

[2] Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 12/2003/NĐ-CP ngày 12/2/2003: “Thụ tinh nhân tạo là thủ thuật bơm tinh trùng của chồng hoặc của người cho tinh trùng vào tử cung của người phụ nữ có nhu cầu sinh con để tạo phôi”.

[3] Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015: “Thụ tinh trong ống nghiệm là sự kết hợp giữa noãn và tinh trùng trong ống nghiệm để tạo thành phôi”.

[4] Điều 38 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, năm 2006.

 


Các tin khác