Nhà nước không ngừng chăm lo cho lợi ích của Nhân dân

Trong suốt 76 năm qua, từ ngày thành lập (2/9/1945) đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta - Nhà nước của dân, do dân, vì dân luôn lấy phục vụ lợi ích, chăm lo hạnh phúc cho Nhân dân làm mục tiêu hoạt động. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, chính quyền cách mạng non trẻ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do chế độ thực dân, phong kiến để lại. Trước tình hình đó, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách hàng đầu là phải chăm lo đời sống của Nhân dân. Bởi, như điều Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người khai sinh cho nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa đã nói: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Và Người luôn tâm niệm: “Dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết, trong bầu trời không có gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”. 

Chính từ nguồn sức mạnh vô tận và sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân với Đảng và Nhà nước mà sự nghiệp cách mạng Việt Nam tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (năm 1954), kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; Đại thắng mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4/1975), thống nhất nước nhà, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH), và tiếp tục chiến đấu, giành thắng lợi trong 2 cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc năm 1979. Qua đó, càng thấy được Nhân dân ta luôn một lòng, một dạ trung thành với Đảng và Nhà nước. Đúng như điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại trong Di chúc thiêng liêng của Người: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”, và Người  căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Sự nghiệp cách mạng Việt Nam đang tiến hành cũng nhằm hướng tới thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Vì vậy, trong quá trình hoạt động, nhất là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, với phương châm “lấy dân làm gốc”, mọi chủ trương đường lối của Đảng được Nhà nước thể chế hóa thành pháp luật, chính sách để phục vụ lợi ích, không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của Nhân dân. Từ chỗ cái ăn, mặc của dân chưa đủ, Việt Nam đã vươn lên không chỉ đảm bảo lương thực cho cuộc sống của Nhân dân mà còn đứng vào những cường quốc xuất khẩu gạo và hàng dệt may trên thế giới (hiện nay Việt Nam trở thành nước đứng thứ 2 về xuất khẩu hàng dệt may, chỉ sau Trung Quốc). Cùng với việc coi trọng các chính sách phát triển kinh tế thì các chính sách xã hội, như: y tế, giáo dục, an sinh xã hội ngày càng hoàn thiện và nâng cao, coi trọng thực hiện chính sách đối với người có công; người yếu thế luôn được quan tâm. Nhà nước chú trọng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, với chủ trương thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm cho sự phát triển tương đồng về các mặt và đời sống của Nhân dân giữa các vùng, miền của đất nước cũng như ở Bình Thuận được hài hòa hơn.   

Có thể nói, không một người dân nào mà không cảm nhận được sự vì dân của Nhà nước ta thể hiện qua những đợt thiên tai, địch họa nhiều năm qua, nhất là thảm họa thiên tai ở các tỉnh miền Trung năm 2020; đặc biệt, trong tình hình đại dịch Covid -19 kéo dài từ năm 2020 đến nay, cả hệ thống chính trị, trong đó trọng tâm là chính quyền Nhà nước từ trung ương đến địa phương đã làm tất cả những gì có thể để chăm lo cho Nhân dân. Thủ tướng Chính phủ đưa ra thông điệp sẵn sàng chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân. Nhà nước đã chi hàng trăm nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho các tầng lớp, các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, giảm giá điện sinh hoạt, giản thuế, giảm và miễn thuế cho người dân và doanh nghiệp. Ít có quốc gia nào như ở Việt Nam, Nhà nước phát động phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở Việt Nam năm 2016 là 9,9%, nhưng đến 2020 giảm xuống chỉ còn 4,8% (Bình Thuận, đến đầu năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo 1,31%). Các mục tiêu thiên niên kỷ đều đạt và vượt chỉ tiêu. Việt Nam được LHQ đánh giá cao và được các nước trên thế giới ca ngợi về thành tựu xóa đói giảm nghèo.

Cùng với việc không ngừng chăm lo hạnh phúc cho Nhân dân thì Nhà nước ngày càng coi trọng thực hiện cải cách hoạt động của bộ máy, trọng tâm là cải cách hành chính, nhằm phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn, và luôn đề cao phát huy quyền dân chủ của Nhân dân. Kế thừa các bản Hiến pháp trước, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân..., tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”. Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Do đó Nhân dân ngày càng nêu cao vai trò kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan và cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước, qua đó phát hiện, tố giác những hành vi vi phạm pháp luật đến các cơ quan có thẩm quyền, kết hợp với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh, đã xử lý kiên quyết, nghiêm minh, không có vùng cấm đối với những cán bộ, công chức, kể cả những người giữ chức vụ cao nhưng có sai phạm nghiêm trọng gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của Nhân dân. Điều đó được Nhân dân đồng tình ủng hộ, làm cho niềm tin của dân đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng trong việc giữ nghiêm kỷ cương, phép nước. Đồng thời, Nhà nước ta không ngừng hoàn hiện thể chế pháp lý, ban hành hệ thống các đạo luật, như: Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật tiếp công dân, Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước…để bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam. Đó chính là hiện thực hóa điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng và Nhà nước không có mục đích nào khác là vì lợi ích của Nhân dân”./.


Các tin khác