Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) gồm đánh giá bên trong của cơ quan (có thẩm định của Hội đồng Thẩm định Trung ương) và đánh giá bên ngoài của người dân. Nội dung của Chỉ số được xác định trên 8 lĩnh vực, gồm: (1) Công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính; (2) xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương; (3) cải cách thủ tục hành chính; (4) cải cách tổ chức bộ máy hành chính; (5) xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; (6) cải cách tài chính công; (7) hiện đại hoá hành chính nhà nước; (8) đánh giá tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế xã hội ở địa phương với 43 tiêu chí, 102 tiêu chí thành phần (tổng thang điểm đánh giá là 100 điểm, trong đó đánh giá qua kết quả thực hiện là 66,5 điểm và qua điều tra xã hội học (ĐTXHH) là 33,5 điểm). Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) bắt đầu được thực hiện từ năm 2012 để đánh giá, xếp hạng công tác cải cách hành chính đối với các địa phương và các bộ, ngành Trung ương.
Đối với tỉnh Bình Thuận, Chỉ số CCHC năm 2020 cấp tỉnh được Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ, ngành, Trung ương thẩm định, đánh giá, công bố1 qua kết quả thực hiện (trên cơ sở báo cáo tự đánh giá, chấm điểm, các tài liệu kiểm chứng do địa phương cung cấp và công tác theo dõi trên từng lĩnh vực có liên quan của các Bộ, ngành, Trung ương) và qua kết quả điều tra xã hội học của Bộ Nội vụ. Việc đánh giá kết quả thực hiện công tác CCHC dựa trên Báo cáo kết quả thực hiện của UBND tỉnh, kèm theo các tài liệu kiểm chứng và Hội đồng thẩm định của Trung ương (do Bộ Nội vụ phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông) tiến hành thẩm định và công bố.
Việc ĐTXHH để xác định Chỉ số cải cách hành chính do Bộ Nội vụ phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tiến hành khảo sát lấy ý kiến của 02 nhóm đối tượng để đánh giá cho công tác CCHC của tỉnh, gồm:
Một là, Khảo sát lấy ý kiến cán bộ, công chức lãnh đạo quản lý trên địa bàn tỉnh với 179 Phiếu, gồm: Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (30 Phiếu); lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (51 Phiếu); lãnh đạo cấp phòng thuộc Sở (89 Phiếu); đại diện lãnh đạo của 03 đơn vị UBND cấp huyện (La Gi, Đức Linh, Hàm Tân: 09 Phiếu) để tự đánh giá các nội dung lĩnh vực cho công tác CCHC của tỉnh2.
Hai là, Khảo sát lấy ý kiến của người dân và doanh nghiệp về sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trong thực hiện thủ tục hành chính3 với 460/480 Phiếu khảo sát, gồm: Cấp tỉnh: Khảo sát về thực hiện TTHC của 06 Sở, ngành với 113 Phiếu, gồm: Tài nguyên và Môi trường (lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, môi trường: 24 Phiếu); Giao thông Vận tải (lĩnh vực cấp phép lái xe, vận tải: 25 Phiếu); Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi thú y: 15 Phiếu); Xây dựng (lĩnh vực cấp phép xây dựng, quy hoạch xây dựng: 23 Phiếu); Văn hóa, Thể thao và Du lịch (lĩnh vực văn hoá; thể dục, thể thao: 12 Phiếu); Tư pháp (lĩnh vực trợ giúp pháp lý, lý lịch tư pháp: 14 Phiếu). Cấp huyện, cấp xã: Khảo sát về thực hiện TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của 06 địa phương (Tuy Phong, Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Phú Quý, Đức Linh trong lĩnh vực đăng ký hộ kinh doanh và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) và 18 xã, phường, thị trấn thuộc các địa phương trên (khảo sát lĩnh vực Tư pháp và Lao động, Thương binh và Xã hội) với 347 Phiếu.
Kết quả, Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2020 của tỉnh Bình Thuận4 đạt 81,40/100 điểm, chỉ số đạt 81,40% - xếp thứ 55/63 tỉnh, thành, tăng 1,66 điểm nhưng giảm 08 bậc so với năm 2019 và thuộc Nhóm B5 (Chỉ số trung bình cả nước 83,72% và cao nhất là 91,04%). Trong đó:
Kết quả chỉ số qua thẩm định đánh giá công tác chỉ đạo điều hành và kết quả thực hiện trên các nội dung CCHC của tỉnh: Bình Thuận đạt 55,85/66,5 điểm (chỉ số đạt 83,98% - tăng 1,56% so với năm 2019) - xếp thứ 52/63 tỉnh, thành (chỉ số trung bình cả nước 85,53% và cao nhất là 94,23%).
Kết quả chỉ số qua khảo sát lấy ý kiến cán bộ, công chức là lãnh đạo quản lý để tự đánh giá về công tác CCHC của tỉnh: Bình Thuận đạt 17,93/23,5 điểm (chỉ số đạt 76,3% - tăng 1,5% so với năm 2019) - xếp thứ 43/63 tỉnh, thành (chỉ số trung bình cả nước là 78,04% và cao nhất là 86,77%).
Kết quả khảo sát lấy ý kiến của người dân và doanh nghiệp về sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trong thực hiện thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh (Chỉ số SIPAS): Bình Thuận đạt 7,63/10 điểm, chỉ số đạt 76,3% (tăng 2,49% so với năm 2019) - xếp thứ 63/63 tỉnh, thành (chỉ số trung bình cả nước là 85,2% điểm và cao nhất là 95,6% điểm).
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được thì qua phân tích đánh giá kết quả ở các nội dung của Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của tỉnh Bình Thuận còn có những hạn chế như sau:
Một là, năm 2020, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh chưa có sáng kiến, giải pháp mới hoặc mô hình áp dụng có hiệu quả trên các lĩnh vực liên quan công tác cải cách hành chính.
Hai là, việc tổng kết, đánh giá tình hình thực tiễn, đánh giá tác động chính sách của các cấp, ngành chưa thường xuyên chú trọng; các Sở, ngành còn chậm, chưa chủ động rà soát các văn bản của Trung ương có nội dung giao cho địa phương quy định chi tiết để triển khai thực hiện; công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của các ngành chưa thường xuyên để kịp thời phát hiện những nội dung trái quy định, mâu thuẫn, chồng chéo với quy định của văn bản cấp trên hoặc nội dung không phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để sửa đổi, bổ sung.
Ba là, việc cập nhập, đăng tải công khai vào Cơ sở dữ liệu quốc gia đối với các thủ tục hành chính được Chủ tịch UBND tỉnh công bố không kịp thời.
Bốn là, một số cơ quan, đơn vị chưa chấp hành nghiêm Quy chế làm việc của UBND tỉnh; chưa đẩy nhanh tiến độ sắp xếp bộ máy nội bộ bên trong các cơ quan, đơn vị, nhất là sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; chưa đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả phân cấp quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quản lý của ngành, địa phương.
Năm là, một số đơn vị chưa thường xuyên chú trọng công tác quản lý cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền của đơn vị; một bộ phận cán bộ, công chức chưa thường xuyên tu dưỡng đạo đức, rèn luyện kỹ năng chuyên môn nên dẫn đến hạn chế trong công tác tham mưu, vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính.
…
Để khắc phục những hạn chế nêu trên; các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tổ chức quán triệt mục đích, ý nghĩa và kết quả Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2020 đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người dân gắn thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về công tác CCHC năm 2021. Căn cứ kết quả Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2020 của tỉnh để tiến hành kiểm tra, rà soát, đối chiếu các chỉ số chính, chỉ số thành phần và chỉ tiêu giảm điểm, giảm thứ hạng; hoặc thấp hơn chỉ số trung bình của cả nước. Từ đó, xây dựng kế hoạch, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục triệt để hạn chế nhằm nâng cao chỉ số CCHC trong năm 2021./.
(1) Quyết định số 641/QĐ-BNV ngày 25/5/2021 của Bộ Nội vụ về phê duyệt và công bố Chỉ số CCHC năm 2020 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
(2) Thang điểm khảo sát đánh giá ở mỗi nội dung có 5 mức: Từ mức 1 là tốt nhất đến mức 5 là kém nhất (do người tự đánh giá lựa chọn tại phiếu lấy ý kiến do Bưu điện cung cấp theo Mẫu của Bộ Nội vụ).
(3) Trên cơ sở danh sách các Sở, ngành, địa phương cung cấp theo tiêu chí của Bộ Nội vụ hướng dẫn, Sở Nội vụ tổng hợp gửi Bộ Nội vụ.
(4) Chiều ngày 24/6, tại trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2020) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020 (SIPAS 2020).
(5) Chỉ số CCHC năm 2020 cấp tỉnh được chia thành 3 Nhóm: Nhóm A, có chỉ số từ 90% trở lên (có 2 tỉnh Quảng Ninh 91,04% và Hải Phòng 90,51%); Nhóm B, chỉ số từ 80% đến dưới 90% (có 56 tỉnh, thành); Nhóm C, chỉ số từ 70% đến dưới 80% (có 5 tỉnh, thành).