Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận

Hiện nay, du lịch đã trở thành một trong những hoạt động không thể thiếu của phần lớn người dân trong xã hội. Con người tìm đến du lịch không chỉ để thỏa mãn các nhu cầu về tham quan, giải trí, nghĩ dưỡng mà còn muốn tìm hiểu về các giá trị văn hóa của các dân tộc khác nhau trên cả nước. Với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc, Bình Thuận là điểm đến được du khách yêu thích.

Trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh đón khoảng 3.971.500 lượt khách (đạt 89,25% kế hoạch năm, tăng 2,27 lần so cùng kỳ); trong đó khách quốc tế ước đạt 51.500 lượt (đạt 24,52% kế hoạch năm, tăng 2,44 lần so cùng kỳ); doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt khoảng 9.200 tỷ đồng (86,79% kế hoạch năm, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, các địa điểm và sản phẩm du lịch về văn hóa các dân tộc thiểu số ở Bình Thuận chưa thật sự thu hút nhiều khách du lịch, chủ yếu tập trung Tết Katê đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn (Bắc Bình, Tuy Phong); các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian tại di tích tháp PôSahInư phục vụ khách tham quan. Ngoài ra, tỉnh Bình Thuận đã tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc năm 2022, với chủ đề “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Bình Thuận trong thời kỳ đổi mới, hội nhập”, nhằm tôn vinh, giới thiệu đến với du khách nét văn hóa đặc trưng về dân ca, dân vũ, dân nhạc… của các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, như: Dân tộc Chăm, Hoa, Cơ Ho, Raglai, Chơ ro.

Vì vậy, để tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc, đặc biệt là giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với việc phát triển du lịch, nâng cao đời sống cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận, thiết nghĩ cần thực hiện một số vấn đề sau:

Thứ nhất, giữ gìn, phổ biến, trao truyền và phát huy những giá trị đặc sắc của các dân tộc chẳng hạn như về dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số trong tỉnh; nâng cao nhận thức và lòng tự hào, ý thức tự giác, trách nhiệm của cộng đồng và người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; từng bước bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội các địa phương.

Thứ hai, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho công chức văn hóa và các chủ thể văn hóa (nghệ nhân, người có uy tín...) trong công tác quản lý, gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc thiểu số tại địa phương. Tổ chức phục dựng trình diễn, truyền dạy, sáng tạo, phổ biến giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số trong cộng đồng, gia đình, trường học; xây dựng các mô hình câu lạc bộ, đội văn nghệ thôn bản, hội, chi hội sinh hoạt văn hóa dân gian, bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số; lựa chọn phục dựng không gian văn hóa dân tộc tiêu biểu trong các dịp tết, lễ, hội truyền thống tạo ra các sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa; thực hành bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể dân ca, dân vũ, dân nhạc ngay chính trong đời sống cộng đồng; phát huy vai trò của các quy ước, hương ước trong bảo tồn các giá trị văn hóa.

Thứ ba, hướng dẫn các trường phổ thông trong tỉnh triển khai giảng dạy tốt nội dung giáo dục của địa phương theo tài liệu giáo dục địa phương được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, đặc biệt là các nội dung liên quan đến văn hóa, nghệ thuật của địa phương. Đưa một số loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào dân tộc thiểu số vào các trường dân tộc nội trú và các trường học trong cấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng nội dung bài giảng giới thiệu nguồn gốc, giá trị và vai trò của một số loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào dân tộc thiểu số trong trường học với các hình thức tích hợp thực hành, tập diễn; tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, hoạt động ngoại khóa cho học sinh nhằm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trong việc gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp nói chung và giá trị dân tộc thiểu số.

 Thứ tư, tuyên truyền, phổ biến, quảng bá, giới thiệu giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Các cơ quan báo chí trong tỉnh, cổng thông tin điện tử tỉnh, hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Xây dựng các sản phẩm phim khoa học, phim tài liệu, phim quảng bá hình ảnh di sản văn hóa về dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống các dân tộc thiểu số; xuất bản các ấn phẩm về nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc thiểu số phục vụ công tác lưu trữ, truyền dạy, phổ biến và quảng bá du lịch.

Thứ năm, xây dựng các hành trình kết nối di sản dân ca, dân vũ, dân nhạc gắn với phát triển du lịch kết nối các tour, tuyến ở các khu vực có tiềm năng hình thành chuỗi liên kết với sản phẩm du lịch. Đồng thời, ứng dụng khoa học, công nghệ, trọng tâm là công nghệ số trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; phát huy tài nguyên số dữ liệu dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống các dân tộc thiểu số trên các nền tảng không gian mạng qua: Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok… gắn kết với thị trường, đối tượng, sản phẩm du lịch.

Với sự nỗ lực của tỉnh, các sở, ban, ngành có liên quan sẽ tập trung khai thác hiệu quả các chương trình, điểm - tuyến du lịch mới, đa dạng, hấp dẫn phù hợp nhu cầu thị trường khách du lịch mà địa phương đang hướng đến, góp phần phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc gắn với việc phát triển du lịch tại tỉnh Bình Thuận. Tin tưởng rằng, ngành du lịch Bình Thuận phấn đấu đến năm 2025 sẽ đón 8,9 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế từ 10-12%; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 23.300 tỷ đồng; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 từ 18-20%/năm; du lịch đóng góp vào GRDP của tỉnh 10-11%./.


Các tin khác