Tiếp tục nỗ lực trong thực hiện thủ tục hành chính góp phần nâng cao các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI

Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị của Tỉnh ủy Bình Thuận, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, và nhờ sự quan tâm kịp thời, sâu sát của các cấp, các ngành, các địa phương, Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã có nhiều cải thiện, một trong những yếu tố góp phần nâng cao các chỉ số đó chính là sự nỗ lực trong thực hiện thủ tục hành chính.

Tại Bình Thuận, các cấp, các ngành, các địa phương thời gian qua đã luôn quan tâm thực hiện thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị theo tinh thần Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 07/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc nâng cao các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và các kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao các chỉ số này.

Về xây dựng và hoàn thiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính liên thông, liên thông điện tử giữa các cấp, các ngành gắn với việc rà soát cắt giảm thời gian quy định rõ trách nhiệm trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan đến thủ tục hành chính đạt được một số kết quả nhất định. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã rà soát ban hành danh mục, quy trình giải quyết và cập nhật trên hệ thống phần mềm một cửa điện tử của tỉnh với 1.841 thủ tục hành chính. Trong năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đăng ký và phê duyệt rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định của 103 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 02 thủ tục hành chính trong lĩnh vực giám định y khoa và lĩnh vực dược thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Y tế Bình Thuận. Trong năm 2022, tỉnh tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với thời gian quy định là 95 thủ tục hành chính.

Tất cả các thủ tục hành chính sau khi được Chủ tịch UBND tỉnh công bố danh mục, các cơ quan, đơn vị, địa phương công khai tại Bộ phận một cửa các cấp, Trang thông tin về thủ tục hành chính của tỉnh (https://tthc.binhthuan.gov.vn), Cổng dịch vụ công của tỉnh (https://dichvucong.binhthuan.gov.vn) và đồng bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia về thủ tục hành chính (https://dichvucong.gov.vn). Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã công bố, công khai với 1.841/1.841 thủ tục hành chính.

Điều quan trọng trong thực hiện thủ tục hành chính đó là đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, dịch vụ bưu chính công ích, gắn với tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, tổ chức biết và thực hiện. Đối với vấn đề này ngoài các hoạt động tuyên truyền bằng màn hình tivi (tại Trung tâm hành chính công), trên ứng dụng zalo, phát tờ rơi, tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh..., UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch và chỉ đạo triển khai thực hiện các mô hình thí điểm trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính.

Về thực hiện các mô hình thí điểm trong giải quyết thủ tục hành chính đã được được một số kết quả nhất định:

Một là, đối với Mô hình “Chuyển giao để Bưu điện thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân”, các địa phương đã phối hợp với Bưu điện tỉnh bố trí nhân viên bưu điện về làm việc tại Bộ phận một cửa để hỗ trợ hướng dẫn, tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân, góp phần giảm khối lượng hồ sơ công việc cho công chức Bộ phận một cửa, nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân.

Hai là, kết quả thực hiện thí điểm Mô hình “Công dân không viết”: Các địa phương đã tổ chức quán triệt, xây dựng Kế hoạch phân công công chức Bộ phận một cửa để trực tiếp hỗ trợ kê khai thủ tục hành chính cho người dân. Trong thời gian thực hiện thí điểm tại Bộ phận một cửa các cấp, công chức Bộ phận một cửa đã hỗ trợ kê khai các Mẫu đơn, tờ khai cho 1.897 hồ sơ ở các lĩnh vực thí điểm.

Ba là, Mô hình “Hướng dẫn nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4”. Với mục tiêu của mô hình nhằm từng bước nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đối với các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tỉnh đã triển khai cung cấp, kết quả: các đơn vị, địa phương đã tổ chức quán triệt, phân công công chức, bố trí trang thiết bị làm việc, trực tiếp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Trong thời gian thực hiện thí điểm, số lượng hồ sơ tiếp nhận giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn tỉnh là 10.684 hồ sơ.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả trong thực hiện thủ tục hành chính, tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn lực cho Trung tâm hành chính công tỉnh và Bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã; tuyển chọn những công chức có năng lực, phẩm chất, tinh thần, trách nhiệm cao để bố trí tại Bộ phận tiếp nhận, trả kết quả và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với việc giải quyết thủ tục hành chính ở các lĩnh vực phức tạp, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện thủ tục hành chính nên kết quả về thực hiện các Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có nhiều cải thiện rõ rệt.

Năm 2021, Chỉ số PAR Index của tỉnh Bình Thuận đạt 83,26/100 điểm, chỉ số đạt 83,26% - xếp thứ 56/63 tỉnh, thành, tăng 1,86 điểm so với năm trước; Chỉ số SIPAS đạt 83,1 % - xếp thứ 61/63 tỉnh, thành, tăng 02 bậc so với năm 2020; Chỉ số PAPI đạt 41,15/80 điểm – xếp thứ 12/63 tỉnh, thành, tăng 3,17 điểm và tăng 41 bậc so với năm 2020; Chỉ số PCI đạt 65,96 điểm – xếp thứ 21/63 tỉnh, thành, tăng 2,67 điểm và tăng 13 bậc so với năm trước.

Như vậy, qua kết quả các chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI, PCI thấy rằng, các điểm số và vị trí xếp hạng về các chỉ số đa phần đều tăng và có cải thiện rõ rệt so với năm trước đó. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn còn xếp thứ hạng thấp trong cả nước, do đó cần tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao thứ hạng các chỉ số này của tỉnh trong những năm tiếp theo, trong đó cần chú trọng đến sự công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính./.


Tài liệu tham khảo

1. Chỉ thị số 11 –CT/TU ngày 07/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc nâng cao các Chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh giai đoạn 2021-2025.

2. Báo cáo số 1457/BC-SNV ngày 06/7/2022 của Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận về phân tích, đánh giá chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) năm 2021 của tỉnh

3. Báo cáo số 98 – BC/BCS ngày 20/6/2022 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Thuận về sơ kết thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 07/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc nâng cao các Chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh giai đoạn 2021-2025.

 

 


Các tin khác