Ứng dụng lý thuyết tăng trưởng kinh tế mới đối với các nước đang phát triển ở Châu Á - Gió mùa

1. Lý thuyết tăng trưởng kinh tế mới đối với các nước đang phát triển ở châu Á - gió mùa

Harry Toshima – nhà kinh tế Nhật Bản đã nghiên cứu mối quan hệ giữa khu vực nông nghiệp và công nghiệp dựa vào điểm khác biệt của các nước đang phát triển châu Á – gió mùa, đó là nền nông nghiệp lúa nước với tính thời vụ cao. Theo Harry Toshima, mô hình kinh tế nhị nguyên của Lewis (1) cho rằng việc tăng trưởng kinh tế do chuyển lao động dư thừa trong khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp mà không làm sản lượng nông nghiệp giảm đi là không mang lại ý nghĩa thực tế đối với các nước châu Á– gió mùa vì ở các nước này trong khu vực nông nghiệp, nền nông nghiệp lúa nước vẫn thiếu lao động ở những thời điểm mùa vụ và chỉ thừa lao động lúc nhàn rỗi.

Chính vì vậy Harry Toshima đã đưa ra lý thuyết tăng trưởng kinh tế mới đối với các nước đang phát triển ở châu Á gió mùa để từ đó phân tích mối quan hệ giữa khu vực nông nghiệp và công nghiệp trong sự phát triển kinh tế từ nông nghiệp chiếm ưu thế sang nền kinh tế công nghiệp.

Nội dung lý thuyết tăng trưởng kinh tế đối với các nước đang phát triển ở châu Á tập trung vào việc giữ nguyên lao động nông nghiệp song phải tạo nhiều việc làm trong những thời kỳ nhàn rỗi bằng các biện pháp như tăng vụ; đa dạng hóa cây trồng vật nuôi; mở rộng quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi và đánh bắt cá; mở mang nhiều ngành nghề mới để tạo việc làm tăng thu nhập, nông dân cũng sẽ có điều kiện thâm canh, tăng vụ như đầu tư thêm giống cây trồng mới, phân hữu cơ, công cụ, máy móc, kỹ thuật lao động mới. Thực hiện công nghiệp hoá nông nghiệp: xây dựng kết cấu hạ tầng vật chất như hiện, nước, giao thông, thông tin liên lạc phát triển công nghiệp chế biến và cơ sở hạ tầng xã hội (giáo dục, y tế, văn hóa) cho nông thôn, giúp đỡ về cải tiến các tổ chức kinh tế nông thôn như hợp tác xã nông nghiệp, tổ chức dịch vụ nông thôn, tổ chức tín dụng,… Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ câu lao động, thay thế lao động thủ công bằng lao động máy móc năng suất lao động cao. Từ đó sẽ cải thiện đời sống nông dân, văn minh hóa nông thôn và kinh tế sẽ tăng trưởng, lại tránh được các sức ép về nhiều mặt đối với đô thị.

Tiếp tục quá trình đa dạng hóa nông nghiệp, việc làm sẽ tăng lên, thúc đẩy mở rộng thị trường sang các lĩnh vực khác như tiểu thủ công nghiệp, rồi công nghiệp chế biến và các dịch vụ khác. Muốn vậy đòi hỏi phải có sự đồng bộ các hoạt động từ sản xuất, giao thông, dịch vụ, công nghiệp phân bón, công nghiệp cơ khí trong nông nghiệp. Như vậy, sự phát triển của khu vực nông nghiệp đã tạo điều kiện để phát triển khu vực công nghiệp và dịch vụ.

Trong nông nghiệp, năng suất lao động tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di dân từ nông thôn ra thành thị để phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ. Quá trình này diễn ra liên tục, cho đến một thời kỳ cụ thể sức kéo dài việc làm sẽ vượt qua tốc độ mở rộng lao động, khiến cho cung thị trường lao động thu hẹp và tiền lương thực tế trong nông nghiệp tăng lên. Khi đó, các chủ trại sẽ tăng cường sử dụng máy móc để thực hiện cơ giới hoá trong nông nghiệp, thay thế lao động thủ công, tăng năng suất lao động nông nghiệp góp phần giải phóng lao động ở nông thôn. Do đó, lao động di chuyển từ nông thôn ra thành thị nhiều hơn nhưng không làm giảm sản lượng nông nghiệp, tổng sản phẩm quốc dân GNP (2) bình quân đầu người tăng nhanh. Khi đó, quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp được hoàn thành. Nền kinh tế tiếp tục chuyển sang giai đoạn sau là sự quá độ từ công nghiệp sang dịch vụ. Từ đó, ông kết luận nông nghiệp hoá là con đường tốt nhất.

2. Thực trạng công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn Việt Nam và ứng dụng lý thuyết tăng trưởng kinh tế mới đối với các nước đang phát triển ở Châu Á - gió mùa.

Nông nghiệp là ngành sản xuất sử dụng đất đai để trồng trọt và chăn nuôi, khai thác cây trồng và vật nuôi làm tư liệu và nguyên liệu lao động chủ yếu để tạo ra của cải vật chất, lương thực và thực phẩm để thỏa mãn nhu cầu bản thân, cung cấp lương thực và thực phẩm cho xã hội; hệ số co dãn của thu nhập với cầu về lương thực ở các nước đang phát triển là cao, tức là khi chất lượng cuộc sống tăng thì nhu cầu về lương thực cũng tăng theo. Trong đó nếu sản xuất nông nghiệp trong nước không tự cung cấp được thì bản thân nước đó phải xuất ngoại để nhập khẩu lương thực chứ không phải nhập khẩu khoa học công nghệ để phát triển công nghiệp. Quy mô và tốc độ tăng của nguyên liệu là nhân tố quan trọng quyết định quy mô và tốc độ tăng trưởng của các ngành đó. Tạo ra nguồn vốn thặng dư để đầu cơ trong quá trình công nghiệp hóa. Đó là một thị trường quan trọng cho các ngành nông nghiệp và nông thôn tập trung phần lớn lao động và dân cư nên đây có thể là thị trường rất quan trọng của công nghiệp và dịch vụ. Muốn ổn định nền kinh tế thì phải phát triển nông thôn qua việc nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho dân cư nông thôn.

Trong những năm vừa rồi, nông nghiệp, nông thôn nước ta đạt được nhiều thành tựu quan trọng và nổi bật trong quá trình dịch chuyển các ngành kinh tế ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa. Nông nghiệp nước ta luôn duy trì ở mức tăng trưởng trung bình khoảng 3,5%/ năm, nằm ở mức cao trong khu vực châu Á nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói riêng. GDP toàn ngành nông nghiệp Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 2,66%/ năm, năm 2018 đạt 3,76% đến năm 2019, 2020, 2021 dù trong bối cảnh khó khăn nhưng nền nông nghiệp nước ta vẫn duy trì đà tăng trưởng 2,2%. Hơn nữa thị trường tiêu thụ nông sản của việt Nam được mở rộng hơn với cơ cấu sản xuất hiệu quả cao hơn, các vùng nông thôn từ đó mà cũng khoác lên mình những bộ mặt mới. Công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ được triển khai tại các khu vực vùng nông thôn đem lại giá trị hàng hóa lớn. Nông, lâm thủy sản của nước ta tiếp tục khẳng định vị thế khi đạt mức tăng 2,89% trong giai đoạn từ năm 2012-2018 đóng góp 0,36% vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Chuyển đổi khoảng 200.000 ha trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng có hiệu quả cao hơn, bên cạnh đó tăng cường chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng khác có hiệu quả cao hơn.

Tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tăng từ 22 nghìn tỷ đồng lên 231 nghìn tỷ đồng vào năm 2018 - một con số tương đối lớn. Chương trình mục tiêu quốc gia về công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2010-2020, đến nay sau 10 năm triển khai đã đạt nhiều kết quả khả quan, làm thay đổi sâu sắc diện mạo nông thôn Việt Nam. Năm 2019, tỷ lệ các xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 54% và có 111 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2020, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát tại Việt Nam, đồng thời chúng ta phải hứng chịu những hậu quả do lũ lụt, hạn hán gây ra, khó khăn là thế nhưng chúng ta vẫn hoàn thành tốt mục tiêu kép là vừa phát triển ngành, vừa phòng chống dịch hiệu quả đảm bà an toàn cho bà con yên tâm sản xuất. So với năm 2019 thì năm 2020 giá trị sản xuất toàn ngành tăng 2,75% và trong 5 tháng đầu 2021, tình hình sản xuất nông, lâm, thủy sản, toàn ngành đã được 22,58 tỷ USD tăng 30,3% so với cùng kỳ 2020. Các loại cây lương thực truyền thống như ngô khoai sắn có xu hướng giảm mạnh về diện tích và gần 200.000 ha trồng lúa kém hiệu quả đã được thay thế bằng các loại cây trồng có năng suất và đạt hiệu quả cao hơn. Các mô hình, cách làm ăn mới được hình thành và phát triển, nông thôn quy hoạch theo hướng công nghiệp hóa, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch tích cực, kinh tế phát triển khá cao, nâng cao thu nhập cư dân nông thôn. Tính đến nay cả nước có hơn 900 hệ thống thủy lợi quy mô diện tích phục vụ từ 200 ha trở lên. Trong đó, có 122 hệ thống thủy lợi vừa và lớn với diện tích phục vụ hơn 2000 ha, gần 20 nghìn trạm bơm, 290 nghìn ki- lô-mét kênh mương, và 26 nghìn ki-lô-mét đê các lọai bảo đảm cấp nước tưới cho khoảng 4,28 triệu ha đất canh tác nông nghiệp, 686.600 hecta nuôi trồng thủy sản và khoảng 6 tỷ mét khối nước sinh hoạt. Việc áp dụng các công nghệ sinh học vào trong nông nghiệp nước ta đã đạt được nhiều thành tựu trước hết là việc tạo ra nhiều giống cây trông mới có khả năng chống lại các bệnh nấm tốt, vật nuôi mới, bên cạnh đó thuốc trừ sâu vi sinh cũng được sản xuất nhiều. Việc đạo tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp nông thôn cũng đạt được những thành tựu nhất định. Nhà nước không chỉ chú trọng đến việc nâng cao trình độ của người lao động mà đội ngũ cử nhân, các kỹ sư có trình độ học vấn đại học có lòng yêu nghề muốn gắn bó với nông nghiệp nông thôn để phát triển nền nông nghiệp nước nhà cũng được chú trọng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong công cuộc công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn thì còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Tỷ lệ người nghèo, hộ nghèo tuy có xu hướng giảm nhưng mức sống còn thấp. Chênh lệch mức sống vật chất và văn hóa giữa nông thôn và thành thị giữa các vùng ngày càng tăng. Ngành nghề tiểu thủ công nghiệp còn nhiều yếu kém, trong những năm gần đây khi các làng nghề, ngành nghề đã bắt đầu được phục hồi nhưng quy mô và tốc độ phát triển còn chậm, sự đa dạng về mẫu mã và chủng loại còn hạn chế, chưa có sự đa dạng phong phú về hình dáng, chất liệu và được các thợ làm hoàn toàn thủ công chính vì thế mà giá trị sản phẩm còn thấp, số lượng sản xuất ra chưa được nhiều, hiệu quả hoạt động của các ngành nghề còn chưa cao. Trong quá trình hoạt động và sản xuất các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về khoản đầu vào (nguyên liệu, vốn, công nghệ) và đầu ra (thị trường tiêu thụ). Vì là những ngành nghề mang đặc trưng của một vùng, khu vực nào đó nên vốn của các cơ sở tiểu thủ công phần lớn là vốn tự có, khả năng vay vốn ít vì gặp nhiều trở ngại.

Trước tiên cần phát triển lực lượng sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, an toàn ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn nhằm phát triển các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn đưa cơ giới hóa vào sản xuất, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại gắn với chế biến, bảo quản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức mạnh cạnh tranh của hàng hóa nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Tăng cường nghiên cứu khảo nghiệm, tuyển chọn các loại giống cây trồng vật nuôi. Giống thủy sản có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao để đua vào sản xuất, hỗ trợ quảng bá phát triển thị trường và chuyển giao công nghệ, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, đào tạo khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nâng cao trình độ sản xuất , ưu tiên đầu tư các dự án khuyến nông phát triển các sản phẩm nông nghiệp, ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghệp công nghệ cao phải thường xuyên nắm bắt thông tin số liệu, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các địa phương trong nước, đặc biệt là các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid – 19.

Hướng dẫn khuyễn khích hỗ trợ các cơ sở làng nghề sử dụng máy móc, công cụ cải tiến, cơ giới hóa các khâu sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành cạnh tranh tốt trên thị trường trong nước và quốc tế. Nhà nước có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển mạnh công nghiệp nông thôn để thu hút và thực hiện phân công lao động trong phạm vi địa phương, trước hết các ngành sử dụng nguyên liệu tại chỗ cần nhiều lao động như: chế biến nông lâm, thủy sản.

Hình thành các khu công nghiệp ở nông thôn, gắn kết lợi ích kinh tế ngay từ đầu giữa người sản xuất vật liệu và cơ sở thu mua. Kinh doanh chế biến nông lâm thủy sản. Xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp với kinh tế hộ và kinh tế nhiều thành phần tồn tại lâu đời trong quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Các thành phần kinh tế đều có vai trò rất quan trọng và phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát triển cơ sở hạ tầng và đô thị hóa nông thôn. Nhà nước ưu tiên phát triển hệ thống thủy lợi theo hướng sử dụng tài nguyên nước, khai thác lưu vực sông để cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Phát triển nhanh hệ thống giao thông nông nghiệp: nâng cấp các tuyến đường giao thông để thuận tiện cho việc vận chuyển sản phẩm từ vùng này sang vùng khác, hình thành những khu vực trao đổi hàng hóa rộng lớn. Hỗ trợ đẩy mạnh khâu tiêu thụ hàng hóa nông sản giúp nông dân tiêu thụ hàng hóa ổn định, tạo thu nhập bền vững. Ngoài ra, điện còn có vai trò thực sự quan trọng để điều khiển máy móc thiết bị, do đó cần phải phát triển hệ thống mạng lưới điện nông thôn, các điểm văn hóa đến hầu hết các xã, mang lại hiệu quả chất lượng hàng đầu cho nhu cầu sản xuất sinh hoạt ở nông thôn. Phải coi công tác quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, vì phải đặt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vào từng vùng để phát triển theo hướng rẩt cụ thể.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc xây dựng mô hình nông thôn mới với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì cần coi trọng các nội dung về tổ chức sản xuất tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển ngành nghề nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn, nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội ở nông thôn, hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất để thoát nghèo bền vững .Phải có chính sách thỏa đáng đối với quy hoạch đô thị và cở sở hạ tầng, quy hoạch bố trí lại dân cư, xây dựng làng xã nhưng phải đảm bảo về vấn đề vệ sinh, môi trường sạch sẽ.

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ sản xuất, coi đây là khâu đột phá quan trong hàng đầu để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Trước hết cần tập trung vào công nghệ bảo quản và công nghệ chế biến nông, lâm, thủy sản. Dành kinh phí để nhập công nghệ, thiết bị hiện đại, giống tốt. Đầu tư hiện đại hóa hệ thống trường đại học, nâng cao năng lực đào tạo cán bộ khoa học, nghiên cứu, tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững nông thôn theo hướng công nghiệp hóa.

Tóm lại, công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn là con đường tất yếu để đưa nước ta đi lên từ một nước có nền nông nghiệp nghèo nàn lạc hậu tiến lên một nước phát triển, hướng tới mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh. Qua phân tích toàn diện cả nội dung thực trạng và biện pháp công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong những năm vừa qua, vấn đề công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn đã được điều chỉnh về cả mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong từng giai đoạn từng thời kỳ, tuy còn tồn tại nhiều nhiều vấn đề chưa hoàn thiện những đất nước ta vẫn cố gắng đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo đời sống của bà con các vùng nông thôn.


(1) Lí thuyết này do A. Lewis chủ xướng. Lí thuyết cho rằng ở các nền kinh tế có hai khu vực kinh tế song song tồn tại: Khu vực truyền thống, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và có đặc trưng là rất trì trệ, năng suất lao động rất thấp (năng suất lao động biên tế xem như bằng không) và lao động dư thừa; Khu vực công nghiệp hiện đại có đặc trưng năng suất lao động cao và có khả năng tự tích lũy. 

(2) Gross National Product, tức tổng sản lượng quốc gia hay tổng sản phẩm quốc gia, là một chỉ số đánh giá mức độ phát triển kinh tế của một đất nước.


Các tin khác