Những giá trị Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng, Nhà nước ta đối với thương binh, gia đình liệt sĩ

  • /
  • 30.7.2012 - 7:58

Như một nghĩa cử cao quý được đúc kết qua hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, ngày 27/7 - là một sự tri ân đối với thương binh, liệt sĩ và gia đình có công với đất nước, dân tộc

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Mỗi nǎm đến ngày ấy, thì những người ái quốc Việt Nam càng tưởng nhớ đến anh em thương binh, tưởng nhớ đến các gia đình tử sĩ, tưởng nhớ đến những người vô danh anh hùng, hoặc đã hy sinh tính mệnh, hoặc đã góp một phần xương máu trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta... ”(1).

Sinh thời, Bác luôn căn dặn chúng ta: “Tôi mong cán bộ và đồng bào các nơi sẵn sàng sǎn sóc và giúp đỡ các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh trong công việc sản xuất, trong các hợp tác xã, tổ đổi công. Tôi nhắc các cơ quan, đoàn thể chấp hành chu đáo chính sách của Đảng và Chính phủ đối với thương binh và liệt sĩ, để anh em thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ được ổn định hơn nữa trong công tác và trong đời sống (2). Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ǎn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta (3).

Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm kết hợp chặt chẽ các mục tiêu kinh tế với các mục tiêu xã hội trên cả nước cũng như ở từng lĩnh vực, địa phương; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển, thực hiện tốt các chính sách xã hội trên cơ sở phát triển kinh tế, gắn bó hữu cơ giữa quyền lợi và nghĩa vụ, cống hiến và hưởng thụ. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X khẳng định:  “Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi và không ngừng nâng cao mức sống đối với người có công...”(4). Với chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân đã huy động mọi nguồn lực xã hội cùng Nhà nước chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho đối tượng thương binh, bệnh binh và gia đình có công với cách mạng.

Cùng với cả nước, phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” đã không ngừng phát triển sâu rộng trong các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Trong 5 năm (2007 - 2012), nhân dân trong tỉnh đã lập hồ sơ đề nghị và được Nhà nước giải quyết chế độ ưu đãi cho gần 4.800 người có công với cách mạng: trong đó chủ yếu là người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc (2.850 người), người có công giúp đỡ cách mạng (1.290 người), người hưởng chính sách như thương binh 50 hồ sơ …; toàn tỉnh đã đóng góp xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa được 25.500 triệu đồng, cùng với ngân sách của tỉnh hỗ trợ 10,3 tỷ đồng đã tập trung xây dựng và sửa chữa được 1.695 căn nhà cho người có công với cách mạng đang gặp khó khăn về nhà ở, đến nay, về cơ bản Tỉnh đã giải quyết xong những khó khăn, bức xúc về nhà ở cho người có công với cách mạng (5). Bên cạnh đó, việc tổ chức họp mặt, thăm viếng, tặng quà cho các gia đình chính sách nhân các ngày Lễ, Tết đã được duy trì thường xuyên và trở thành tập quán trong đời sống nhân dân ta, trong đó không chỉ có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp mà còn có sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, nhân dân, các doanh nghiệp.

Đất nước ta được sống trong hòa bình và phát triển như ngày hôm nay là thành quả đấu tranh lâu dài của cả dân tộc, trong đó có sự hy sinh, cống hiến vô cùng to lớn của các liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng. Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” - đó là tư tưởng, đạo đức cao đẹp mãi mãi được các thế hệ không ngừng phát triển sâu rộng và lưu truyền trong đời sống nhân dân Việt Nam./.

Tài liệu tham khảo

(1). Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 6, NxbCTQG, Hà Nội, năm 1996, tr.75.

(2). Sđd, tập 9, tr.485.
(3). Sđd, tập 12, tr.503.
(4). Văn kiện ĐHĐB lần thứ XI của Đảng, NxbCTQG, Hà Nội, năm 2011.
(5). Nguồn của Sở LĐ-TBXH tỉnh Bình Thuận, tháng 7/2012.
 
ThS. Dụng Văn Duy

  • |
  • 907
  • |

Các tin khác