Văn kiện Đại hội đại biểu (ĐHĐB) toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định, một trong những nguyên nhân hạn chế yếu kém đó là: “Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước trên một số lĩnh vực và một số vấn đề lớn chưa tập trung, kiên quyết, dứt điểm”… “Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu” (1) và một trong những bài học rút ra từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng được ĐHĐB toàn quốc lần thứ XI nêu lên: “Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải rất nhạy bén, kiên quyết, sáng tạo, bám sát thực tiễn đất nước, kịp thời đề ra các giải pháp phù hợp với tình hình mới”(2). Như vậy làm thế nào đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống và thực hiện thắng lợi nghị quyết ? tôi xin nêu lên ba vấn đề sau đây:
Một là, nhận thức sâu sắc nghị quyết của Đảng - yêu cầu đầu tiên có ý nghĩa cơ bản, nền tảng cho tổ chức thực hiện nghị quyết. Nhận thức là quá trình có thời gian nhưng đối với nghị quyết của Đảng cần thiết phải rút ngắn quá trình nhận thức nhằm nhanh chóng tổ chức thực hiện; mặt khác, nghị quyết đưa ra cũng có thời gian xác định để thực hiện nó. Quán triệt nghị quyết cần có một cách nhìn biện chứng để tìm giải pháp phù hợp; hiểu thấu đáo, sâu sắc nghị quyết; đây là cơ sở để xây dựng và củng cố niềm tin khoa học vào nghị quyết của Đảng, từ đó mới quyết tâm tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết. Với ý nghĩa và tầm quan trọng của nghị quyết cũng như cơ sở khoa học của việc xây dựng nghị quyết, đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương cơ sở khi tổ chức quán triệt triển khai nghị quyết của Đảng, cần tránh tình trạng hình thức, chiếu lệ, qua loa, đại khái.
Hai là, thực hiện nghị quyết - đây là quá trình hiện thực hóa nghị quyết vào cuộc sống. Chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết - một trong những yêu cầu bắt buộc đối với tổ chức đảng, nhằm cụ thể hóa và tìm ra giải pháp tổ chức thực hiện ở mỗi tổ chức đảng trong thời gian 5 năm. Do đó, phải phân khai thành những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và xác định thời gian hoàn thành, đồng thời phân công cụ thể cho đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm chính hoặc phối hợp để tổ chức thực hiện. Quá trình tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết phụ thuộc vào các yếu tố sau đây:
Thứ nhất, nguồn nhân lực là yếu tố quyết định. Do vậy, để khơi dậy và phát huy nguồn nhân lực và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cần đòi hỏi tập trung và mở rộng dân chủ trong đảng, trong đơn vị, trong các tổ chức đoàn thể quần chúng và trong nhân dân; thống nhất, đoàn kết, quyết tâm của cả hệ thống chính trị là một trong những yếu tố hàng đầu thực hiện thắng lợi nghị quyết.
Thứ hai, huy động và sử dụng nguồn tài chính có hiệu quả để thực hiện nghị quyết. Cụ thể là thực hiện các đề án, chương trình, nhiệm vụ trọng tâm được cụ thể hóa từ nghị quyết. Vấn đề là quản lý nguồn kinh phí và sử dụng nó, chống thất thoát và lãng phí. Do đó, kiểm soát, giám sát hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiền tệ cần quán triệt và tổ chức thường xuyên.
Ba là, kiểm tra và giám sát việc thực hiện nghị quyết của Đảng, một yếu tố không kém phần quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành. Thông qua kiểm tra, giám sát thực hiện nghị quyết nhằm kiểm soát được tiến độ thực hiện nghị quyết đã được cụ thể hóa thành kế hoạch, đề án, chương trình, nhiệm vụ trọng tâm; đồng thời đánh giá lại nghị quyết có sát thực tiễn chưa để điều chỉnh kịp thời, nhất là các mục tiêu, chỉ tiêu các biện pháp, giải pháp đã đề ra. Trong quá trình thực hiện cần đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, tránh hình thức, đối phó.
Trên đây là những suy nghĩ ban đầu góp phần để cùng nhau tìm kiếm những yếu tố cơ bản, chủ yếu thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng. Chắc chắn bài viết chưa đầy đủ, mong các đồng chí và các bạn cùng nghiên cứu tìm tòi những yếu tố khác giúp nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống hiệu quả thiết thực./.
NGƯT, ThS. Bùi Tấn Hưng
Hiệu trưởng Trường Chính trị
(1) Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XI, H.: Nxb CTQG - Sự Thật.- 2011; tr19.
(2) Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XI, H.: Nxb CTQG - Sự Thật.- 2011; tr22.