Tin mới nhất

VAI TRÒ CỦA HẬU PHƯƠNG MIỀN BẮC TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1965-1975)

  • /
  • 25.4.2013 - 16:57

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết (7-1954), Trung ương Đảng đã sớm xác định nhiệm vụ xây dựng miền Bắc thành căn cứ địa cách mạng của cả nước, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (9-1960) của Đảng khẳng định: “Tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà”. Hai mươi mốt năm - đặc biệt là từ năm 1965 - 1975 của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho thấy: nếu như đồng bào và chiến sĩ miền Nam trực tiếp đối mặt với kẻ thù thì miền Bắc hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ hậu phương lớn.

Mười năm (1965-1975) là thời kỳ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra ác liệt. Cùng với đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam, đế quốc Mỹ đã phát động chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc hòng chặn đứng sự chi viện của miền Bắc. Trước tình hình đó, tại Hội nghị trung ương 12 khóa III (12/1965) tiếp tục khẳng định: “Miền Nam là tiền  tuyến lớn, là chiến trường chính hiện nay. Miền Bắc là hậu phương lớn của miền Nam… ”(1). Thực hiện chủ trương của Đảng, mặc dù bị tàn phá của gần 8 triệu tấn bom của Mỹ, miền Bắc vẫn vừa sản xuất vừa chiến đấu, sự tăng viện cho cách mạng miền Nam không hề giảm sút mà còn bảo đảm cho tiền tuyến đánh thắng hai cuộc phản công mùa khô của Mỹ và thực hiện cuộc tổng tiến công 1968.

Khắp nơi trên miền Bắc, các phong trào thi đua yêu nước được phát động rộng rãi, sôi nổi và liên tục: phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”... Hàng triệu thanh niên nam nữ tình nguyện gia nhập lực lượng vũ trang, hàng triệu người đăng ký đi đầu trên các mặt trận sản xuất và chiến đấu. Cả miền Bắc hành động theo tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, ngày đêm dồn sức cho miền Nam đánh Mỹ “Thời kỳ này, quá nửa lực lượng và gần 80% vũ khí, đạn dược, phương tiện kỹ thuật sữ dụng trên chiến trường miền Nam do Đảng, Nhà Nước ta động viên từ hậu phương miền Bắc đưa vào. Từ năm 1965 đến năm 1968, có 888.641 thanh niên miền Bắc gia nhập lực lượng vũ trang trong đó có khoảng 336.914 người hành quân vào Nam chiến đấu”(2).

Dưới sự của Đảng, miền Bắc vừa ra sức sản xuất chi viện cho miền Nam, vừa chiến đấu ngoan cường chống cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ: “Tính đến tháng 11/ 1968, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 3.243 máy bay địch, tiêu diệt, bắt sống nhiều giặc lái, bắn cháy, bắn chìm nhiều tàu chiến địch, tóm gọn nhiều toán biệt kích, thám báo của chúng”(3). Sau tháng 11/ 1968, cuộc chiến đấu chống chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ngày càng đòi hỏi sự chi viện to lớn của miền Bắc. Tranh thủ thuận lợi không còn chiến tranh phá hoại, miền Bắc tích cực khôi phục và phát triển tăng cường chi viện cho cách mạng miền Nam.

Năm 1969, khối lượng hàng vận tải vào chiến trường qua tuyến 559 là 170.000 tấn. Cũng trong năm này, hơn 80.000 quân từ miền Bắc hành quân vượt Trường Sơn vào bổ sung cho chiến trường toàn miền Nam. Trong năm 1970 và 1971, hậu phương miền Bắc đã gởi vào chiến trường miền Nam 195.000 quân, trong đó, có nhiều cán bộ chiến sĩ thuộc các binh chủng kỹ thuật được tăng cường nhằm góp một phần quyết định làm xoay chuyển cục diện chiến tranh.

Hệ thống đường ống dẫn xăng dầu từ miền Bắc vào miền Nam năm 1970 là 500 km đến cuối năm 1971 đã phát triển lên gần 1000km. Nhờ có tuyến đường ống đó, trong mùa khô 1970-1971, khối lượng xăng dầu vận chuyển vào Nam tăng gấp 10 lần mùa khô 1969-1970. Việc vận chuyển cơ giới cũng được đẩy mạnh, năm 1969 là 2 vạn tấn và năm 1971 đạt 6 vạn tấn. Lực lượng vật chất đó có ý nghĩa to lớn đối với cuộc tiến công chiến lược năm 1972.

Từ ngày 6/4/1972, miền Bắc phải đối đầu với chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của đế quốc Mỹ, đỉnh cao nhất là cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm bằng B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng. Trong thử thách nặng nề đó, miền Bắc vẫn không ngừng gởi người và của vào miền Nam.

Sau khi hiệp định Pari được ký kết (27/1/1973), từ thực tế chiến trường, Hội nghị trung ương 21 (tháng 7/1973) xác định con đường tất yếu vẫn là sử dụng bạo lực cách mạng để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Để đi đến thắng lợi hoàn toàn, yêu cầu chi viện cho các chiến trường ở miền Nam càng lớn. Theo Nghị quyết 21, những năm 1973-1974, miền Bắc bước đầu đã khôi phục được kinh tế trong điều kiện chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, sự chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam cũng gia tăng. Tính riêng 2 năm 1973-1974, có 253.691 quân miền Bắc tăng cường cho miền Nam; 15000 nhân viên kỹ thuật, thợ sữa chữa được đưa vào chiến trường miền Nam để làm việc trong 200 trạm sữa chữa xe, máy. Từ cuối năm 1973, hơn 30.000 cán bộ, chiến sĩ, công nhân thanh niên xung phong được điều vào Trường Sơn tham gia mở đường. Hệ thống tuyến đường chiến lược Trường Sơn cả phía Tây lẫn phía Đông không ngừng được nâng cấp và mở rộng với tổng chiều dài lên tới 16.700 km. Hệ thống đường dẫn xăng dầu từ hậu phương miền Bắc đã vươn tới tận miền Đông Nam Bộ dài 1.311 km. Đó là sức mạnh tổng hợp của cả nước, của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam(4).

Trong cuộc Tổng tiến công chiến lược làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, sự chi viện sức người sức của ở miền Bắc đã lên mức cao nhất. Bộ Chính trị đã xác định: Để đảm bảo giành toàn thắng cho trận quyết chiến lịch sử này, cần động viên lực lượng cả nước, đáp ứng mọi yêu cầu cho các chiến trường trọng điểm. Trước sự nổ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, chỉ trong tháng 1/1975, miền Bắc đã huy động được 57.000 cán bộ, chiến sĩ, 26 vạn tấn vật chất đưa vào chiến trường miền Nam. Sức người, sức của to lớn kể trên đã có ý nghĩa quyết định trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sức mạnh của miền Bắc chi viện sức người sức của đối với miền Nam là sức mạnh của khát vọng độc lập, dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Đó là khát vọng thiêng liêng của mọi người Việt Nam, dù trực tiếp chiến đấu ở miền Nam hay vừa sản xuất vừa chiến đấu xây dựng và bảo vệ miền Bắc. Cùng với nhân dân miền Nam, nhân dân miền Bắc ghi nhớ và quyết tâm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không có gì quý hơn độc lập, tự do. Vì thế mọi người dân miền Bắc đều ý thức đầy đủ trách nhiệm đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Khẩu hiệu hành động là tất cả vì miền Nam ruột thịt, sẵn sàng chi viện và chia lửa với miền Nam. Tình cảm đối với miền Nam là tình cảm cao đẹp, thiêng liêng và đã trở thành sức mạnh vật chất to lớn, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của cả dân tộc./.

Huỳnh Thụy Minh Trí

                                                                                                 Khoa Xây dựng Đảng 

 
   


 

1. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (1954-1975), NXB CTQG, H, 1995, T.26, tr602, tr644-645

2. Sdđ, T.2, tr358.

3. Thắng lợi kháng chiến chống Mỹ và hai mươi năm xây dựng đất nước sau chiến tranh, NXB KHXH, H, 1995, tr116.

4. 30 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, NXB Lý luận chính trị, H, 2005, tr346.


  • |
  • 63472
  • |

Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số