Vào thời điểm đó, Khoa có 05 giảng viên; trong đó 02 đồng chí có trình độ đại học và 03 đồng chí có trình độ thạc sĩ. Đến nay, do điều chuyển công tác trong nội bộ Trường và 01 đồng chí nghỉ hưu, Khoa còn lại 02 giảng viên. Trong hoạt động chuyên môn, theo phân công của Ban giám hiệu, trong chương trình đào tạo hệ Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, khoa đảm nhiệm hai phần học, môn học, đó là: Một số kỹ năng lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở (phần VI.1) và Nghiệp vụ công tác Đảng, đoàn thể cấp cơ sở (phần VI.2). Ngoài ra, Khoa Dân vận còn đảm nhận phần xử lý tình huống trong các lớp bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác, kỹ năng xử lý tình huống đối với cán bộ công chức và một số chức danh không chuyên trách cấp xã giai đoạn 2011 - 2015 theo Kế hoạch số 11-KH/TU ngày 20/7/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận. Trong hoạt động quản lý, khoa luôn thể hiện vai trò xung kích trong việc xây dựng, cải tiến và thực hiện quy chế của Trường đề ra.
Trong những năm tới, khoa Dân vận phải tập trung xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý và giảng viên của Khoa đủ về số lượng, có phẩm chất đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn cao, phong cách giảng dạy và quản lý tiên tiến, đặc biệt là quan điểm, tác phong giai cấp, kỹ năng dân vận, thông tin dư luận xã hội, năng lực nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, góp phần phản biện xã hội, nhất là vấn đề “dân vận” trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đội ngũ giảng viên của khoa cần nhanh chóng bắt kịp trình độ giáo dục hiện đại, đảm bảo trang bị cho người học về quan điểm, lập trường, phương pháp luận, kiến thức chuyên môn sâu, rộng và hiện đại; rèn luyện kỹ năng mềm và trau dồi phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Thực hiện triệt để phương pháp giảng dạy tích cực với phương châm “Lấy học viên là trung tâm”, “dạy cách học, phát huy tính chủ động của người học” và chấm dứt tình trạng “đọc - chép” và phương pháp hóa chương trình đào tạo. Để đạt mục tiêu trong xu thế của sự phát triển chung và xuất phát từ nội lực, khoa Dân vận phấn đấu hoàn thành những nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tham mưu xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn một cách có hệ thống, phù hợp với thực tiễn và có thể hòa nhịp với chương trình đào tạo các hệ lớp học, các hệ đào tạo, bồi dưỡng của Trường và sự chỉ đạo của Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Bình Thuận.
Thứ hai, hoàn chỉnh các giáo án, tài liệu bồi dưỡng, tập huấn và đi đến thống nhất hệ thống tài liệu liên quan của các hệ lớp. Xây dựng kế hoạch của Khoa trên cơ sở kế hoạch chung của Trường; phối kết hợp với các phòng - khoa để đảm bảo không bị “lỗi nhịp” trong giảng dạy, tham mưu công tác mở lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho các sở, ban, ngành, địa phương theo đề án đào tạo, bồi dưỡng của Tỉnh ủy Bình Thuận.
Thứ ba, khuyến khích giảng viên trong khoa tự học và học cao hơn để nâng cao trình độ. Không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng giáo án cả nội dung lẫn hình thức; trong đó quan tâm, động viên giảng viên trong khoa đầu tư nâng cao chất lượng sử dụng giáo án điện tử kết hợp với phương pháp cả truyền thống lẫn hiện đại trong giảng dạy tất cả các lớp của Trường.
Thứ tư, xây dựng và thực hiện tốt quy chế hoạt động của khoa, thực hiện tốt quy chế của nhà trường. Tổ chức thao giảng cấp khoa, tham gia thao giảng cấp trường, nhằm từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy.
Tự hào về Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận nửa thế kỷ hình thành và phát triển trong đó Khoa Dân vận non trẻ cũng góp viên gạch nhỏ xây nên những thành tích của Trường. Với những thành quả đạt được trong ba năm qua và định hướng đã được xác định, tập thể Khoa Dân vận đồng tâm, đoàn kết, sẽ nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ của Đảng ủy, Ban Giám hiệu và các tổ chức đoàn thể giao./.
ThS Dụng Văn Duy