Cộng đồng người Chăm sống hòa thuận trong 54 dân tộc của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, dân tộc Chăm đã sáng tạo nên một nền văn hóa độc đáo và đặc sắc, phong phú và đa dạng trên cả lĩnh vực văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, từ những tác phẩm kiến trúc nghệ thuật, điêu khắc, phong tục tập quán, ngôn ngữ, chữ viết, tôn giáo, tín ngưỡng cho đến những nghi lễ nông nghiệp, lễ hội văn hóa dân gian, những làn điệu dân ca, các vũ điệu … Tất cả đã tạo nên bản sắc văn hóa riêng có của dân tộc Chăm mà không có sự lặp lại ở các dân tộc anh em khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Để bảo tồn, phát huy và giới thiệu những giá trị văn hóa của cộng đồng người Chăm tỉnh Bình Thuận đến với khách tham quan, các nhà nghiên cứu và nhân dân ở địa phương; tháng 5 năm 2010, Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm đã được thành lập theo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận. Đây là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tỉnh nhà trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, được người dân, đặc biệt là cộng đồng người Chăm ở địa phương đồng tình hưởng ứng. Hiện nay Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm tọa lạc tại thôn Bình Tiến, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Tại đây trưng bày 387 hiện vật các loại, như các tượng thần Siva, vũ nữ Apsara, vua Po Rome, Po Anit; bộ sưu tập hiện vật của Hoàng tộc Chăm Po Klong Mơnai; những bộ sưu tập về các dụng cụ nông, lâm, ngư nghiệp; bộ trang phục lễ cưới, lễ hội; nhạc cụ truyền thống; các loại hình nghệ thuật. Bên cạnh là gian làng nghề, khách tham quan được tận mắt chứng kiến nghề thủ công truyền thống của người Chăm đã có từ lâu đời được phục dựng tại trung tâm - nghề dệt thổ cẩm và nghề gốm cổ truyền. Tất cả những hình ảnh đó giúp cho khách tham quan, nghiên cứu có thể hiểu rõ diện mạo đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người Chăm ở tỉnh Bình Thuận từ giai đoạn cuối cùng của Vương triều Chămpa cho đến ngày nay.
Ngoài trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa Chăm, Trung tâm còn tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, điển hình như phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Thuận, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Bắc Bình tổ chức triển lãm mỹ thuật với chủ đề “Sắc màu Chăm Bình Thuận” vào dịp Tết Katê Chăm năm 2011; phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bình Thuận mở lớp truyền dạy “Nhạc cụ truyền thống dân tộc Chăm” trên địa bàn huyện Bắc Bình, đặc biệt là huy động được nhiều đại biểu là nhân sĩ trí thức, chức sắc đạo giáo người Chăm ở địa phương đến trực tiếp tham gia hoạt động, tạo nên điểm sinh hoạt văn hóa cho địa phương, đồng thời tạo sự đồng thuận trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút được nhiều du khách đến tham quan, nghiên cứu.
Tuy nhiên, đến Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm du khách vẫn còn cảm nhận thấy sự chật chội, nóng bức, do không gian còn hẹp, thiếu cây xanh, bóng mát. Để khắc phục hạn chế này, Trung tâm có thể trồng thêm cây xanh, cây cảnh. Đồng thời, để nâng cao hiệu quả hoạt động, cần mở rộng các hoạt động vui chơi, giải trí; đầu tư thêm các trang bị, các phương tiện cần thiết phục vụ du khách, như quạt gió, hệ thống điều hòa nhiệt độ; tăng cường quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng; liên kết với các ngành chức năng tổ chức các tour, các tuyến du lịch gắn với làng nghề truyền thống, các lễ hội văn hóa dân gian, văn hóa ẩm thực của người Chăm; phát triển một số dịch vụ, như bán vé tham quan, cho du khách thuê trang phục truyền thống để chụp ảnh; bổ sung hiện vật gốc thay thế dần hiện vật phục chế để thu hút ngày càng nhiều du khách. Có như vậy, khách tham quan, nghiên cứu mới có thể thưởng ngoạn được hết nét đặc sắc, độc đáo và hấp dẫn của giá trị văn hóa Chăm tại Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm tỉnh Bình Thuận./.
Nguyễn Thị Thủy
Trưởng khoa LLMLN, TT Hồ Chí Minh