Tin mới nhất

Ý nghĩa của việc nghiên cứu vai trò của thực tiễn đối với lý luận trong hoạt động chuyên môn của giảng viên ở Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận

Quan điểm thực tiễn là quan điểm cơ bản và quan trọng nhất trong Triết học Mác - Lênin, quan điểm này được rút ra từ việc nghiên cứu vai trò của thực tiễn đối với lý luận. Toàn bộ hệ thống lý luận của Triết học Mác - Lênin đã được xây dựng trên hòn đá tảng thực tiễn. Chỉ khi có quan điểm thực tiễn khoa học mới có thể hình thành nên thế giới quan, phương pháp luận, nhận thức luận của Triết học Mác - Lênin. 

Thực tiễn, theo quan niệm của Triết học Mác - Lênin, là hoạt động vật chất - cảm tính, mang tính lịch sử, có mục đích của con người nhằm cải tạo tự nhiên và xã hội. Thực tiễn biểu hiện rất đa dạng với nhiều hình thức. Trong đó, có ba hình thức cơ bản là: hoạt động sản xuất vật chất, hoạt động chính trị - xã hội và hoạt động thực nghiệm khoa học.

Thực tiễn đóng vai trò là cơ sở, động lực, mục đích của nhận thức, lý luận và là tiêu chuẩn kiểm tra sự đúng sai của nhận thức, lý luận.

Vai trò của thực tiễn đối với nhận thức, lý luận đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn quán triệt quan điểm thực tiễn. Quan điểm này yêu cầu việc nhận thức phải xuất phát từ thực tiễn, dựa trên cơ sở thực tiễn, đi sâu vào thực tiễn, phải coi trọng công tác tổng kểt thực tiễn. Việc nghiên cứu lý luận phải liên hệ với thực tiễn, học đi đôi với hành. Nếu xa rời thực tiễn sẽ dẫn đến sai lầm của bệnh chủ quan, duy ý chí, giáo điều, máy móc, quan liêu. Ngược lại, nếu tuyệt đối hóa vai trò của thực tiễn sẽ rơi vào chủ nghĩa thực dụng và kinh nghiệm chủ nghĩa. Như vậy, nguyên tắc thống nhất giữa thực tiễn và lý luận phải là nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thực tiễn và hoạt động lý luận; lý luận mà không có thực tiễn làm cơ sở và tiêu chuẩn để xác định tính chân lý của nó thì chỉ là lý luận suông. Ngược lại, thực tiễn mà không có lý luận khoa học, cách mạng soi sáng thì nhất định sẽ biến thành thực tiễn mù quáng.

Quán triệt quan điểm thực tiễn, trong hoạt động chuyên môn của giảng viên ở Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Điều này thể hiện ở hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế và hoạt động giảng dạy. 

Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, hàng năm, giảng viên nhà trường đã xác định rõ nghĩa vụ của mình và từ những vẫn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy, đội ngũ giảng viên đã tham mưu, xây dựng nội dung cho kế hoạch hội thảo, đề tài nghiên cứu khoa học của nhà trường nhằm không nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động này. Cụ thể, từ khi nhà trường thực hiện nội dung chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính (chỉnh sửa, bổ sung năm 2016) của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu, đội ngũ giảng viên nhà trường đã nhanh chóng tiếp cận, cập nhật, bổ sung những kiến thức mới vào nội dung giảng dạy, đồng thời đã thực hiện thành công 04 đề tài khoa học cấp trường về Biên soạn đề cương bài cương bài giảng cho các phần học do 04 khoa phụ trách (Khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Khoa Xây dựng Đảng; Khoa Dân vận; Khoa Nhà nước, pháp luật). Từ thực tiễn thực hiện nội dung chương trình và từ thực tế đặt ra, đội ngũ giảng viên đã tham mưu nội dung vận dụng Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vào bài giảng cho hội thảo khoa học cấp trường. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng dạy và học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo của Đảng ta, hiện nay đội ngũ giảng viên nhà trường đang thực hiện 04 đề tài khoa học cấp trường về xây dựng ngân hàng đề thi trắc nghiệm cho các phần học, khi nghiệm thu và đưa vào thực hiện, đề tài sẽ góp phần nâng cao tính tự giác của học viên trong quá trình học tập.

Đối với hoạt động nghiên cứu thực tế và hoạt động giảng dạy, thời gian qua, giảng viên nhà trường đã hoàn thành tốt nghĩa vụ này, hoạt động nghiên cứu thực tế là cơ sở để giảng viên đưa “hơi thở cuộc sống” vào nhận thức và nghiên cứu giảng dạy của mình. Với đặc trưng giảng dạy của từng khoa chuyên môn, đội ngũ giảng viên đã chủ động đăng ký nội dung nghiên cứu thực tế với Phòng Nghiên cứu khoa học - Thông tin - Tư liệu của nhà trường và đều có quá trình tổng kết, đánh giá về ý nghĩa của hoạt động này. Đồng thời, để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu thực tế, ngày 03/02/2017, nhà trường đã ban hành Kế hoạch số 06/KH – TCT về Cử giảng viên đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở (giai đoạn 2017 - 2020), với mục đích: thông qua việc đi thực tế ở cơ sở, giúp giảng viên trải nghiệm thực tiễn, bổ sung được kiến thức thực tế ở cơ sở. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, gắn giảng dạy lý luận với thực tiễn sinh động ở cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới; Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn cho đội ngũ giảng viên. Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên nhà trường đã không ngừng nghiên cứu, học tập, vươn lên có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn để đáp ứng nội dung và đối tượng đào tạo của chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Điều này đã góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên nhà trường trong thời gian qua.

Tóm lại, việc nghiên cứu vai trò của thực tiễn đối với nhận thức, lý luận của Triết học Mác - Lênin có ý nghĩa rất quan trọng trong nhận thức và cải tạo thế giới nói chung và trong hoạt chuyên môn của mỗi cá nhân nói riêng. Vì vậy, mỗi cá nhân cần phải nhận thức rõ quan điểm thực tiễn, vận dụng quan điểm này một cách đúng đắn khoa học để tránh bệnh chủ quan, duy ý chí, giáo điều, máy móc, quan liêu. Đồng thời, tránh tuyệt đối hóa vai trò của thực tiễn để không rơi vào chủ nghĩa thực dụng và kinh nghiệm chủ nghĩa. Bởi, “Lý luận mà không có thực tiễn là lý luận suông, thực tiễn mà không có lý luận là thực tiễn mù quáng”./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số